Sính ngoại

'Vợ tôi giờ không làm dưa cải muối truyền thống Việt Nam nữa mà chuyển qua món kim chi cải thảo. Thế là tôi cứ phải ăn liên tục món rau muối kiểu Hàn Quốc, lắm khi thèm dưa cà Việt Nam mà ngại vợ đã mất công làm kim chi, nên cũng chẳng muốn có ý kiến', anh Huy nói.

Hiện tượng “sính ngoại” của một số bạn trẻ trong việc đặt nghệ danh hay trong giao tiếp chèn thêm từ nước ngoài nhiều khi gây phản cảm, khó chịu cho người nghe (Ảnh minh họa).

Hiện tượng “sính ngoại” của một số bạn trẻ trong việc đặt nghệ danh hay trong giao tiếp chèn thêm từ nước ngoài nhiều khi gây phản cảm, khó chịu cho người nghe (Ảnh minh họa).

Anh Nguyễn Ngọc Huy, 43 tuổi, kỹ sư ô tô ở TPHCM, là người “đẹp trai nhất nhà”. Vợ và hai con gái anh mê xem phim Hàn, rồi dần mê luôn cả thời trang và món kim chi. “Tôi thấy bản chất của kim chi cũng là rau muối lên men như các món muối của Việt Nam thôi. Khẩu vị thì mỗi người mỗi ý, nhưng dưa muối, cà muối của Việt Nam theo tôi vẫn là món ăn quen thuộc, phù hợp với khẩu vị của người Việt”, anh Huy nói, xong cũng ca thán rằng, “Thấy vợ con khen kim chi ngon, không có mùi “khó chịu” như dưa cải, cà muối của Việt Nam, tự nhiên tôi thấy có gì đó không ổn. Như thế là tự nhiên đánh mất bản sắc văn hóa của mình”.

Ý kiến của anh Nguyễn Ngọc Huy có thể bị xem là hơi “nâng cao quan điểm”, nhưng các nhà kinh viện chắc chắn phải đồng ý rằng ẩm thực, cùng với nhiều nét văn hóa khác, cấu thành bản sắc văn hóa của một dân tộc.

Có nhiều định nghĩa trên thế giới về bản sắc văn hóa, nhưng tựu trung, đó là tổng hợp các giá trị, tư tưởng, tập quán, phong tục, nghệ thuật và các yếu tố khác hình thành nên đặc trưng riêng biệt của một cộng đồng, quốc gia hay một nhóm người. Bản sắc văn hóa bao gồm ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, lễ hội, tín ngưỡng và các truyền thống xã hội khác.

Bản sắc văn hóa giúp xác định và khẳng định danh tính của một cộng đồng hoặc cá nhân, phân biệt họ với các cộng đồng khác, tạo ra sự kết nối và đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, giúp họ cảm thấy thuộc về một nhóm lớn hơn và có sự đồng cảm, chia sẻ. Bản sắc văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền tải các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác, đảm bảo rằng những truyền thống và tập quán quý báu không bị mai một. Những giá trị mang bản sắc dân tộc thúc đẩy sự phát triển xã hội và kinh tế, là tài sản quý giá cần được bảo vệ và phát huy trong quá trình phát triển toàn cầu hóa.

“Bản sắc của tôi khiến tôi là tôi, bản sắc Việt Nam khiến chúng ta là một Việt Nam độc đáo, duy nhất và đó là sự hấp dẫn đối với bên ngoài”, anh Trần Huy Long - hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn khách nước ngoài đi tour ẩm thực đường phố tại TPHCM chia sẻ. Theo anh Long, khách du lịch đến Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là để tìm những thứ “nơi họ sống không có, và những thứ chỉ có ở Việt Nam”.

“Họ đâu cần ngắm nhà chọc trời vì nước họ thiếu gì. Họ muốn trải nghiệm những quán cà phê vỉa hè, những món ăn đặc trưng Việt Nam, muốn tự mình trải nghiệm món phở và bánh mì Việt Nam ngay tại nơi chúng sinh ra, tất cả những thứ ấy mang đậm bản sắc Việt”, anh Long nói.

Tuy nhiên, theo anh Long, một số người Việt hiện nay chưa ý thức được giá trị của bản sắc và đôi khi vô tình tự làm giảm tầm quan trọng của nó. Anh Long chia sẻ: “Dẫn khách đi tour, đôi khi tôi rất ngượng khi khách hỏi về menu của quán ăn Việt Nam dịch món phở sang tiếng Anh thành Vietnamese noodle, nem rán dịch thành spring roll, hay bánh mì Việt Nam lại chuyển thành Vietnamese baguette. Dịch như thế vừa không chính xác, vừa tự hạ thấp bản sắc của mình. Phở là phở, không phải một món mì có nước lèo nào đó của Việt Nam vốn có quá nhiều loại bún, mì nước, và tốt nhất chỉ nên gọi đó là phở”.

Ngay cả thế giới, trước sự độc đáo của ẩm thực Việt Nam, họ cũng không thể đánh đồng phở hoặc bánh mì kiểu Việt Nam với vô vàn món ăn có nước hay các loại bánh làm bằng bột mì trên thế giới. Người Pháp mang sang Việt Nam bánh mì dài (baguette), bơ, paté và những thứ khác, nhưng món bánh mì Việt Nam nổi tiếng đến mức từ điển của nhiều quốc gia như Anh (từ điển Oxford), Mỹ (từ điển Merriam-Webster) hay ngay cả Pháp, nước sản sinh ra baguette, đã phải thêm từ “banh mi” để chỉ món bánh mì Việt Nam, tách biệt với baguette của Pháp.

Tháng 9/2007, phở - món ăn nổi tiếng của người Việt được ghi vào từ điển tiếng Anh giản lược Oxford (Shorter Oxford English Dictionary), xuất bản tại Anh và Mỹ. Người nước ngoài cũng dần quen với cái tên “phở” khi nói tới món ăn này, thay vì gọi là một loại "noodle" nào đó.

Từ điển Merriam-Webster bổ sung từ "pho" (phở) với định nghĩa: "Món ăn nước được làm từ nước hầm thịt bò hay thịt gà và sợi phở làm từ gạo". 2 trong 3 từ tiếng Việt xuất hiện trong từ điển Oxford là món ăn Việt Nam, từ còn lại là “ao dai” (áo dài), cũng là một nét đặc sắc riêng có của văn hóa, bản sắc Việt Nam.

Trong khi người nước ngoài rất thích thú với bản sắc Việt, văn hóa Việt thì một số người Việt dường như “bụt chùa nhà không thiêng”, cố gắng học theo văn hóa ngoại lai mà phai nhạt dần với văn hóa Việt. “Ngày trước chúng ta gọi trẻ con lúc ở nhà bằng những cái tên thuần Việt rất dễ thương như bé Tép, bé Ruốc, thằng Tí, cu Tèo, nhưng nay dân thành phố toàn gọi con bằng tên Tây, bé nào cũng là Kevin, Nancy, Lisa, Noel, Felix hết cả”, anh Nguyễn Ngọc Huy nói.

Đâu chỉ tên trẻ con, ngay cả những người trưởng thành cũng gọi nhau bằng những cái tên kiểu Tây, tên trước họ sau. Thay vì Nguyễn Thanh Loan thì nay là chị “Loan Nguyễn”, Lê Văn Uy thì thành “Uy Lê”. Trên báo nhan nhản những dòng tít kiểu “Sao A chiếm “spotlight”, “Hot girl B “flex” say sưa… Ngay cả những quán bún riêu, bún ốc bình dân, bán thứ đồ ăn thuần Việt bình dị từ bao đời nay, nay cũng thay tấm bảng quảng cáo với dòng chữ “bún riêu full topping”.

“Full topping” là cụm từ thường được các nước nói tiếng Anh dùng trong ẩm thực, đặc biệt khi nói về bánh pizza hoặc các món ăn cần trang trí hay thêm các thành phần trên bề mặt, có nghĩa là thêm tất cả các loại topping có sẵn. Topping có thể bao gồm mọi thứ, từ các loại rau, thịt, phô mai đến các loại sốt. Khi khách gọi một món "full topping", nghĩa là họ muốn món ăn đó được thêm đầy đủ các thành phần trang trí và nguyên liệu có thể có.

Nhưng pizza khác với bún riêu, và bao đời nay các cụ nhà ta ăn bún riêu có cần gọi “full topping” bao giờ đâu mà các món rau, gia vị ăn kèm vẫn chẳng thiếu thứ gì?

Trong một cuộc trao đổi, GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, chúng ta rất nên học hỏi thế giới xung quanh nhưng điều quan trọng là học cách tư duy, cách giải quyết vấn đề, chứ “không nên nhái theo”, vì người ta có bản sắc riêng, có văn hóa riêng, có “cơ địa” riêng. Máy móc học theo, bắt chước theo là điều không nên.

XUÂN NGUYỄN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sinh-ngoai-10287965.html