'Sinh ra đã mang tội': Hành trình vượt lên sự phân biệt chủng tộc
Không chỉ là hành trình vượt qua sự phân biệt chủng tộc, 'Sinh ra đã mang tội' còn để lại bài học về kỹ năng giao tiếp giữa các nền văn hóa, xây dựng lòng tin và kết nối giữa người với người.
Sinh ra đã mang tội: Những câu chuyện thời thơ ấu ở Nam Phi (Born a Crime: Stories from a South African Childhood) là cuốn hồi ký của diễn viên hài Trevor Noah viết về tuổi thơ của anh vào những thập niên 1980 và 1990 tại Nam Phi.
Trong giai đoạn này, sự ảnh hưởng chính trị và xã hội của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid đang dần suy yếu và biến mất. Nam Phi chuẩn bị bước vào thời đại mới, tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trong đấu tranh vì bình đẳng xã hội.
Tuy nhiên, sự phân hóa giai cấp, phân biệt tầng lớp, sắc tộc vẫn còn tồn tại dai dẳng gây mâu thuẫn sâu sắc ở Nam Phi, cũng như nhiều quốc gia khác.
Trong bối cảnh đó, những bài học kinh nghiệm của Trevor Noah vượt lên thử thách trong một xã hội phân hóa vẫn có giá trị trong cuộc sống hội nhập quốc tế ngày nay để hóa giải khác biệt, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tạo sự kết nối tích cực giữa con người với con người từ các quốc gia và văn hóa khác nhau trên thế giới.
Nhiều người biết đến Trevor Noah như một diễn viên hài và người dẫn chương trình The Daily Show tại Mỹ. Ông được bình chọn vào danh sách Fortune 40 Under 40, những người dưới 40 tuổi ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020.
Vì thế, khi mới ra mắt, cuốn hồi ký đã nhận nhiều sự chú ý. Song thứ khiến người đọc, đặc biệt thế hệ 8x và 9x, khó rời mắt khỏi trang sách không phải là hào quang sân khấu, mà là những câu chuyện rất “đời” của Trevor Noah, từ người mẹ nghiêm khắc “yêu cho roi cho vọt” hay tuổi thơ tuy nghèo khó nhưng lại thú vị và gần gũi.
Thứ khiến người đọc, đặc biệt thế hệ 8x và 9x, khó rời mắt khỏi trang sách là những câu chuyện rất “đời” của Trevor Noah, từ người mẹ nghiêm khắc “yêu cho roi cho vọt” hay tuổi thơ tuy nghèo khó nhưng lại thú vị và gần gũi.
Chú tắc kè hoa…
Mẹ của Noah, một phụ nữ da màu tộc Xhosa và cha anh, một người Thụy Sỹ, da trắng đã sinh ra một đứa con lai khi điều này bị coi là bất hợp pháp dưới chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid.
Sự ra đời trái pháp luật thời bấy giờ của Noah khiến gia đình anh không thể chung sống dưới một mái nhà. Cha không thể nhận con. Mẹ phải giả vờ làm người giúp việc của cậu con trai có nước da sáng màu để che giấu thân phận.
Khi còn nhỏ, để khỏi bị phát hiện là con lai, Noah chỉ được chơi một mình trong nhà của bà ngoại.
Tuy có tuổi thơ cô đơn, Noah luôn giữ cái nhìn trong sáng, lạc quan và không chút cay độc về những điều phi lý trong xã hội. Anh kể về tuổi thơ bằng giọng văn hóm hỉnh, nhưng không kém trào phúng. Không kể nhiều về bi kịch, Trevor Noah lại nhấn mạnh vào các bài học kinh nghiệm để hóa giải nhiều tình huống nguy hiểm.
Những bài học tuổi thơ về cuộc sống và kinh nghiệm hòa nhập vào các cộng đồng đa sắc tộc của Trevor Noah vẫn có giá trị nhất định trong cuộc sống hội nhập quốc tế ngày nay và cách tôn trọng sự đa dạng văn hóa và sắc tộc trên thế giới.
Trong một xã hội còn chia rẽ và phân biệt màu da, Trevor Noah ví mình như con tắc kè hoa. Bởi lẽ, anh tin rằng việc giao tiếp bằng ngôn ngữ bản địa của các dân tộc khác nhau đã giúp xây dựng niềm tin, được "chấp nhận" trong các cộng đồng khác nhau, hóa giải sự nghi ngờ và các rào cản văn hóa.
Mọi người quên dần màu da và bề ngoài của một cậu bé lai lạc lõng.
Sự lạc quan, dí dỏm cũng là điều Noah học được từ gia đình để vượt qua những hiểm nguy thường trực và nhọc nhằn ở khu ổ chuột ngoại ô Johannesburg.
…Và người mẹ tuyệt vời
Kể về bí quyết vượt khó để thành công của mình, ông Trevor Noah luôn nhắc về mẹ mình.
Trong các trang sách của cuốn hồi ký đều tôn vinh bà Patricia Noah và sự bản lĩnh và dũng cảm của bà để thay đổi số phận của bản thân và các con.
Trong thời kỳ phân biệt chủng tộc, người da màu chỉ được sống ở một số khu ngoại ô nghèo nhất định, cơ hội việc làm bị giới hạn trong số các công việc lao động trong trang trại, nhà máy, làm giúp việc cho các gia đình nhà giàu.
Một phụ nữ da màu có thể nỗ lực học tập nhưng khó xin được những việc văn phòng đã mặc đình chỉ dành riêng cho người da trắng.
Với ông Trevor Noah, bản lĩnh và sự bướng bỉnh của người mẹ đến đúng lúc và được đền đáp.
Khi còn trẻ, bà Patricia, mẹ của Noah đã hiểu rõ việc học tiếng Anh sẽ giúp có nhiều cơ hội việc làm và bà theo học khóa học thư ký và đánh máy.
Đầu những năm 1980, dưới áp lực quốc tế, chính phủ Nam Phi đã bắt đầu thực hiện một số cải cách về bình đẳng việc làm, trong đó có tuyển dụng người da màu vào một số vị trí văn phòng.
Nhờ vậy, bà Patricia đã nhận được công việc thư ký tại một công ty dược phẩm đa quốc gia ở Braamfontein, ngoại ô Johannesburg.
Sống trong thành phố cấm, để tự do di chuyển, bà Patricia Noah đã mặc đồng phục của người giúp việc cho gia đình da trắng để đi lại trong các khung giờ người da màu bị cấm.
Dù thường xuyên bị phạt vì không có giấy tờ cư trú hợp lệ nhưng nhờ công việc văn phòng, bà vẫn có thể thu xếp để nộp phạt và duy trì cuộc sống.
Đồng thời, nhờ sự "nổi loạn" và từ chối để chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hạ thấp giá trị con người, bà Patricia đã tạo được một cuộc sống tinh thần phong phú và nền tảng giáo dục tốt cho các con.
Đặc biệt hơn cả, tuy cuộc sống khó khăn, song bà Patricia luôn giáo dục con mình ham đọc sách và quyết tâm thoát khỏi sự luẩn quẩn của sự nghèo khó.
Cậu bé Noah chưa bao giờ cảm thấy nghèo nàn nhờ cuộc sống qua sách và những chuyến dã ngoại bằng ô tô lướt qua các khu thượng lưu, công viên giải trí tiết kiệm của mẹ.
Bà Patricia dạy con dám ước mơ vượt ra ngoài giới hạn của chủng tộc, văn hóa, cũng như thế giới bên ngoài các khu ổ chuột. Động lực ấy đã thôi thúc ông Trevor Noah đã vượt lên số phận, đạt thành tựu ngày hôm nay.
Bà Patricia dạy con dám ước mơ vượt ra ngoài giới hạn của chủng tộc, văn hóa, cũng như thế giới bên ngoài các khu ổ chuột...
Qua hồi ký, người đọc cũng cảm nhận được thời kỳ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 tuy có phần nguy hiểm nhưng cuộc sống vẫn nhộn nhịp ở thành phố Johannesburg, trung tâm thương mại lớn của Nam Phi lúc đó.
Thành phố mang màu sắc quốc tế sinh động, là nơi các đám đông đa sắc tộc gặp gỡ hòa đồng và dự tiệc không mảy may đến luật lệ phân biệt đối xử và chia rẽ con người, nơi có các tụ điểm văn hóa sôi nổi như phòng trưng bày và nhà hát ngầm.
Đôi khi các tụ điểm giải trí đóng cửa, các nghệ sĩ và khách quen sẽ bị bắt, những cuộc sống nhộn nhịp vẫn tiếp tục và như đang chuẩn bị cho một tương lai mới rất gần phía trước.
Sinh ra trong một xã hội với những rào cản đầy thách thức, song với sự giáo dục tuyệt vời cùng nỗ lực bản thân, ông Trevor Noah đã thay đổi số phận nghèo khó, vươn lên để có cuộc sống bình đẳng, tốt đẹp hơn.
Câu chuyện của ông Trevor Noah có lẽ chỉ là một trong số nhiều mảnh đời khác chưa được kể về chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi, vốn chỉ chấm dứt vào năm 1994.
Tuy nhiên, Sinh ra đã mang tội là tác phẩm đáng để đọc. Đây không chỉ là hành trình của một cá nhân vươn lên trên số phận trong xã hội phân biệt chủng tộc để hạnh phúc và thành công.
Cuốn sách còn là các bài học về kỹ năng giao tiếp giữa các nền văn hóa, cách để thách thức sự thù ghét, chia rẽ, cách xây dựng lòng tin và kết nối những điểm chung giữa con người với con người.
“Sinh ra đã mang tội: Những câu chuyện thời thơ ấu ở Nam Phi” là cuốn sách đứng trong danh sách bán chạy số 1 của tờ New York Times. Một dự án phim Hollywood sẽ chuyển thể nội dung cuốn hồi ký. Phiên bản sách cho trẻ em đã được xuất bản và đưa vào chương trình học phổ thông một số trường ở Mỹ.
Hiện cuốn sách đang được bán tại một số trang thương mại điện tử tại Việt Nam.