Sinh vật kỳ lạ trong vườn bách thú Paris

Sinh vật thu hút du khách mới nhất trong vườn bách thú Paris (Pháp) là một sinh vật đơn bào rất kỳ lạ: không não, không mắt, không chân tay, không dạ dày, không mồm nhưng lại có 720 giới tính.

Blob - sinh vật bí ẩn trong vườn bách thú Paris. Ảnh: AFP

Blob - sinh vật bí ẩn trong vườn bách thú Paris. Ảnh: AFP

Theo trang phys.org, sinh vật này được gọi là “Blob”, có tên hoa học là Physarum polycephalum, tức là “chất nhờn nhiều đầu”. Xuất hiện trước con người khoảng 500 triệu năm, Blob giống một loại bọt biển trơn. Không có cánh hay chân, Blob dường như không chuyển động nhưng nó phát triển và lan trên mặt đất với tốc độ 1cm/giờ để tìm mồi chủ yếu là bào tử nấm, vi khuẩn và các loại vi sinh vật khác. Thức ăn yêu thích của Blob là yến mạch.

Từ ngày 19/10, những ai muốn khám phá thêm về Blob có thể tới Công viên Bách thú Paris để tận mắt nhìn sinh vật này. Nó được đặt trong một bể lớn tại vườn thú.

Trên trang web vườn bách thú, Blob được giới thiệu là có những khả năng đáng ngạc nhiên. Blob được đặt tên theo tên bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng năm 1985 “The Blob”. Phim nói về một sinh vật ngoài hành tinh lao xuống Trái Đất và nuốt sống người dân ở bang Pennsylvania (Mỹ).

Còn Blob ở Paris là sinh vật đơn bào, thỉnh thoảng có nhiều nhân có thể thay thế ADN và phân chia. Nó thường xuất hiện trên lá cây hoặc thân cây mục ở những khu vực ẩm ướt và mát như rừng. Ông Bruno David, lãnh đạo vườn thú Paris, nói: “Blob thực sự là một trong những thứ kỳ lạ nhất sống trên Trái Đất ngày nay. Nó đã có mặt ở đây hàng triệu năm và chúng ta vẫn không thực sự biết nó là cái gì. Chúng ta không biết nó là động vật, nấm hay là thứ gì đó lai giữa hai loại”.

Từ lâu được coi là nấm nhưng Blob được xếp loại lại trong những năm 1990 và được đưa vào nhóm myxomycetes, tức là nấm nhầy, một tiểu loại của họ amip. Ông David nói: “Nó có thể ghi nhớ, nó có thể điều chỉnh hành vi, nó có thể giải quyết vấn đề, di chuyển quanh một mê cung, tối ưu hóa giải pháp, có hành vi hơi giống động vật. Đó là một sinh vật sống rất tò mò”.

Mặc dù Blob không có mồm, dạ dày hay mắt nhưng nó có thể phát hiện và tiêu hóa thức ăn. Khi bị cắt thành nhiều miếng, Blob sẽ tự liền tại trong vòng hai phút. Blob không có hai giới tính đực và cái mà gần 720 giới tính nên sinh sản không phải là vấn đề. Blob có thể tự sinh sản và nó có chiến lược sinh sản.

Tuy nhiên, như đa số loài khác, đa dạng gen sẽ tăng cường sự sinh tồn của loài đó. Với Blob, khi hai cá thể cùng gen gặp nhau, chúng sẽ nhập thành một Blob mới và chia sẻ chung những gì chúng biết.

Nghiên cứu xuất bản năm 2016 đã định nghĩa lại hiểu biết của con người về trí thông minh khi kết luận rằng Blob, sinh vật không có hệ thần kinh trung ương, có thể “học” từ kinh nghiệm và thay đổi hành vi tương ứng.

Xem video tua nhanh về sự phát triển của Blob (nguồn: CNN):

Trong các phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã quan sát thấy nấm nhầy này thay đổi đường đi qua một cây cầu nhỏ hẹp để tới nơi có thức ăn khi chúng gặp một vật cản trên đường đi.

Để thu hút du khách tới xem Blob, vườn bách thú đã nảy ra một kế hoạch. Họ thiết lập một khu trưng bày tương tác gồm một video tua nhanh về hình ảnh Blob di chuyển về phía trước bằng cách kéo dài “các chân” như ngón tay.

Blob di chuyển rất chậm chạm nhưng trong điều kiện lý tưởng, nó có thể phát triển rất nhanh, tăng gấp đôi kích thước mỗi ngày. Blob cũng rất khó tiêu diệt. Khi gặp nguy hiểm, nó ngủ đông và tự khô.

Theo ông Audrey Dussutour, người nghiên cứu sinh vật đơn bào tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, có thể tạo ra Blob ở bất kỳ kích thước nào. Blob dài tới 10 mét đã được nuôi trong phòng thí nghiệm.

Kẻ thù của Blob chính là ánh sáng, khô hạn, muối và cafein. Tuy nhiên, nếu ta huấn luyện nấm nhầy bỏ qua cafein, nó có thể truyền kinh nghiệm này cho cá thể nhân bản khác.

Blob lần đầu tiên thu hút sự chú ý của dư luận vào tháng 5/1973 sau khi một phụ nữ ở Texas phát hiện ra Blob màu vàng lan rất nhanh trong sân. Với vẻ ngoài như tới từ ngoài Trái Đất, Blob trở thành hiện tượng với báo chí nhưng cũng nhanh chóng bị lãng quên khi nó chết. Thế giới quên mất về loài này cho tới khi có nghiên cứu mới về Blob xuất bản năm 2016, khiến cộng đồng khoa học xôn xao.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/sinh-vat-ky-la-trong-vuon-bach-thu-paris-20191021111821545.htm