Sinh viên Ấn Độ và Việt Nam hiện thực hóa đam mê trong 'Kiến trúc – Nội thất Việt Nam xưa và nay'

Buổi workshop thực sự là nơi để các sinh viên Ấn Độ tìm hiểu về Kiến trúc – Nội thất Việt Nam xưa và nay, đồng thời là cơ hội giao lưu trao đổi kiến thức về chuyên ngành Kiến trúc – Nội thất giữa sinh viên hai nước Việt - Ấn.

Ngày 1/7 vừa qua, buổi workshop với chủ đề "Kiến trúc – Nội thất Việt Nam xưa và nay" đã được Công ty Cổ phần Kiến trúc và Nội thất Galaxy Centre tổ chức tại Tòa nhà Galaxy Center, Hà Nội.

Sự kiện có sự tham dự của các sinh viên Ấn Độ đến từ trường Kiến trúc & Quy hoạch Manipal (Manipal School of Architecture & Planning (MSAP) và thu hút các sinh viên Việt Nam đến từ nhiều trường đại học tại Hà Nội. Không chỉ là buổi thảo luận về chuyên môn, sự kiện còn là hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 51 năm ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972 – 2023).

Tại buổi workshop, các khán giả đã được lắng nghe chuyên gia chia sẻ và trao đổi sôi nổi về hai chủ đề: "Kiến trúc & Nội thất Việt Nam ngày xưa và bây giờ và Mô hình công ty “One Stop” trong ngành Kiến trúc – Xây dựng – Nội thất tại Việt Nam". Các sinh viên Ấn Độ đã rất ấn tượng với kiến trúc truyền thống Việt Nam và bất ngờ khi chúng được đưa vào trong những thiết kế và nội thất hiện đại của Việt Nam một cách đầy tinh tế, với hai phong cách được rất nhiều các chủ đầu tư ưa chuộng và lựa chọn cho căn nhà hoặc biệt thự của mình, đó là phong cách Indochine và phong cách Tân cổ điển châu Âu.

Các sinh viên đến với chương trình được tham gia các hoạt động trải nghiệm về nghề tại workshop. Với gần 20 năm kinh nghiệm, chuyên gia Cao Đăng Lịch đã trực tiếp hướng dẫn các sinh viên làm phào chỉ trong phong cách kiến trúc Tân cổ điển châu Âu ngay trong hội trường của buổi hội thảo. Lần đầu tiên nhìn thấy các họa tiết phào chỉ đẹp mắt và cầm 'súng' để gắn các chi tiết lên tường đã mang lại nhiều niềm vui và tiếng cười cho các bạn sinh viên của cả hai nước.

Theo chuyên gia Cao Đăng Lịch, phong cách kiến trúc và nội thất Tân cổ điển (Neo-classical) châu Âu là một trong những phong cách thiết kế được ưa chuộng hiện nay. Có thể dễ dàng bắt gặp phong cách này ở nhiều biệt thư cao cấp và các công trình tư nhân tại Việt Nam. Tân cổ điển chú trọng nhiều đến sự đơn giản, cân đối trong các đường nét thiết kế bên cạnh lối kiến trúc sang trọng và cầu kỳ, các chi tiết được khắc họa uốn lượn tỉ mỉ, khiến người xem phải choáng ngợp với không gian quyền quý và vương giả của kiến trúc Cổ điển. Đặc biệt trong thiết kế nội thất cho các công trình phong cách cổ điển, phào chỉ tân cổ điển là vật liệu không thể thiếu. Thông thường, phào chỉ được sử dụng nhiều nhất ở vị trí trần nhà, để che đi khuyết điểm giữa đoạn giao của trần nhà và bức tường. Hơn nữa, trần nhà cũng là vị trí quan trọng trong ngôi nhà, nên được các gia chủ trang trí khá kỹ lưỡng.

Với cách tiếp cận mới mẻ và trực quan sinh động, buổi workshop thực sự là nơi để các sinh viên Ấn Độ tìm hiểu về Kiến trúc – Nội thất Việt Nam xưa và nay, đồng thời, là cơ hội giao lưu trao đổi kiến thức về chuyên ngành Kiến trúc – Nội thất giữa sinh viên hai nước Việt - Ấn, giúp các bạn thêm yêu nghề và vững tin vào con đường mình đã lựa chọn.

PV

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-an-do-va-viet-nam-hien-thuc-hoa-dam-me-trong-kien-truc-noi-that-viet-nam-xua-va-nay-post1549522.tpo