Sinh viên 'chấm điểm' giảng viên

Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đề xuất tiêu chí, tỷ lệ sinh viên hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy đạt trên 70%.

Sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam. Ảnh: NTCC

Theo đó, sinh viên sẽ bày tỏ quan điểm của mình và được “chấm điểm” giảng viên.

Kênh phản hồi quan trọng

Mỗi năm học, Học viện Ngân hàng (Hà Nội) gửi link Google form 3 lần tới sinh viên để đánh giá giảng viên. Nữ sinh Lưu Huyền Trang, Khoa Ngân hàng cho biết, riêng hệ chất lượng cao và đại trà, sau khi kết thúc học phần, sinh viên sẽ có ý kiến nhận xét, đánh giá với tất cả giảng viên tham gia giảng dạy. Link khảo sát được gửi vào tài khoản của từng sinh viên trên phần mềm quản lý đào tạo.

Sau khi nhà trường xem xét, nếu nhận xét của sinh viên chiếm số đông và hợp lý sẽ thay đổi, thậm chí là đổi giảng viên (nếu cần). Ngoài ra, giảng viên có thể xem được phần đánh giá của sinh viên, từ đó thay đổi cách giảng dạy sao cho phù hợp. Huyền Trang nhìn nhận, việc thiết kế kênh phản hồi giúp sinh viên được nói lên suy nghĩ của mình là giải pháp hay, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Điều đó thể hiện sinh viên là nhân vật trung tâm trong quá trình đào tạo.

Từng tham gia nhận xét, đánh giá giảng viên theo đề nghị của nhà trường, Lê Minh Khôi, sinh viên năm thứ 3, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Công thương (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, sinh viên “chấm điểm” giảng viên là kênh phản hồi quan trọng, giúp giảng viên nhìn nhận lại phương pháp giảng dạy của mình đạt hiệu quả đến đâu; từ đó, có những điều chỉnh phù hợp. Đây cũng là cách thể hiện tính dân chủ trong giảng đường đại học, giúp sinh viên được nói lên tiếng nói của mình và bày tỏ sự hài lòng hay không?

“Xuất phát từ thực tiễn, em ủng hộ quy định về tiêu chuẩn giảng viên được thể hiện trong dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó có quy định tỷ lệ sinh viên hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy đạt trên 70%”, Minh Khôi bày tỏ đồng thời mong muốn, những ý kiến đánh giá, phản hồi của sinh viên sẽ được nhà trường ghi nhận và có chuyển động tích cực từ nhiều phía, trên nhiều phương diện.

Giáo dục là sản phẩm trí tuệ nên cần có kênh phản hồi. Từ quan điểm này TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, giảng viên Khoa Quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, rất cần ý kiến đánh giá của sinh viên về chất lượng giảng dạy của giảng viên. Đây là kênh thông tin quan trọng để người dạy biết được người học có hài lòng về phương pháp đào tạo và hiệu quả giảng dạy của mình; từ đó điều chỉnh phương pháp, cách thức làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của sinh viên.

“Tôi luôn sẵn sàng đón nhận những phản hồi từ sinh viên, khuyến khích người học ‘chấm điểm’ lại mình. Sau mỗi buổi lên lớp, tôi thẳng thắn trao đổi với người học về việc có cần điều chỉnh gì không? Có em không viết vào phiếu mà tế nhị nhắn tin riêng cho tôi để bày tỏ muốn có thêm các hoạt động bổ trợ khác...”, TS Tuyết Hạnh chia sẻ, đồng thời cho rằng các cơ sở đào tạo cần triển khai nghiêm túc kênh thông tin, phản hồi này. Đó cũng là một trong những điều kiện để đảm bảo chất lượng.

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh làm báo cáo viên tại một khóa tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ở TP Đà Nẵng. Ảnh: TG

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh làm báo cáo viên tại một khóa tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ở TP Đà Nẵng. Ảnh: TG

Đo lường sự hài lòng của sinh viên

Nhìn nhận, việc sinh viên đánh giá giảng viên mang nhiều ý nghĩa, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh viện dẫn, có giảng viên được sinh viên góp ý là lạm dụng làm việc nhóm nhiều quá. Hoặc có người được sinh viên đánh giá nói nhiều quá, chủ yếu là lý luận. Sinh viên đề nghị giảng viên liên hệ thực tiễn nhiều hơn… Nếu giảng viên cầu thị, qua ý kiến của người học sẽ biết mình phải thay đổi thế nào cho phù hợp.

Thực tế cho thấy, hầu hết cơ sở giáo dục đại học đã thiết lập nhiều kênh tiếp nhận phản hồi của người học. PGS.TS Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho biết, nhà trường giao Phòng Công tác sinh viên và Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng là đơn vị thường trực tiếp nhận phản hồi của người học.

Nhà trường luôn khuyến khích sinh viên mạnh dạn, thẳng thắn “chấm điểm” giảng viên. “Chúng tôi luôn trân trọng những ý kiến tâm huyết, có tinh thần, trách nhiệm xây dựng. Bởi mục tiêu cuối cùng cũng là nâng cao chất lượng đào tạo, mà sinh viên là người thụ hưởng”, PGS.TS Trần Hữu Phúc nhấn mạnh.

“Nếu đa số sinh viên đánh giá về một giảng viên nào đó “có vấn đề”, chúng tôi sẽ gửi báo cáo lãnh đạo nhà trường, gửi ý kiến đó về khoa, phòng để đơn vị gặp gỡ, trao đổi với giảng viên đó”, ThS Đặng Ngọc Sang cho hay.

Theo ThS Đặng Ngọc Sang, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), nhà trường thường tổ chức lấy ý kiến phản hồi của sinh viên thông qua hình thức trực tuyến. Sau đó tổng hợp, phân tích các ý kiến, đánh giá của người học.

Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) còn tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với sinh viên. Việc này được triển khai từ cấp khoa, sau đó đến cấp trường. Trên cơ sở đó tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc của sinh viên, học viên nhằm đáp ứng tốt nhất sự hài lòng của người học.

Khẳng định, một trong những tiêu chí đánh giá Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là tỷ lệ hài lòng của sinh viên, GS Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam (BUV) cho hay: “Chúng tôi đo lường sự hài lòng của sinh viên trên suốt chặng đường học tập thông qua bài kiểm tra “kiểm định chất lượng học tập”. Sinh viên sẽ không biết nhà trường đang “kiểm định” các em”.

BUV sẽ kiểm tra sinh viên có thực sự đạt được những kỹ năng mà nhà trường đặt ra hay không. Nếu chưa đạt, nhà trường sẽ cải thiện giáo trình cho đến khi sinh viên có thể đạt được kỳ vọng về các kỹ năng trong học tập, nghề nghiệp.

“Thiết nghĩ, đó là việc mà các trường đại học cần làm. Môi trường đại học không chỉ có giảng dạy, đào tạo mà còn là quá trình cải tiến không ngừng để sinh viên và nhà trường đều trở nên tốt hơn mỗi ngày”, GS Raymond Gordon nhìn nhận và cho biết, ngay cả khi sinh viên đã tốt nghiệp, BUV vẫn tiếp tục đo lường sự hài lòng của người học qua sự nghiệp mà các em theo đuổi.

Theo ThS Đặng Ngọc Sang, kênh phản hồi của sinh viên sẽ là cơ sở để giảng viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy, thậm chí tự bồi dưỡng, đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu của người học. Tuy nhiên, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như ý thức người học khi đánh giá, nhận xét, bởi nếu đánh giá sai lệch sẽ đem lại hiệu quả không mong muốn và phản tác dụng.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-cham-diem-giang-vien-post646187.html