Sinh viên có thể lấy bằng cử nhân VNUHCM và thạc sĩ NUS trong 4 năm
Trong vòng 4, sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM có thể vừa lấy bằng đại học của Việt Nam, vừa nhận bằng thạc sĩ Đại học Quốc gia Singapore.
Đây là một trong nhiều nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Singapore vừa được hai bên ký kết.
Tại buổi làm việc, GS Aaron Thean - Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Singapore - đã đề nghị hai trường hợp tác triển khai chương trình đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ - tiến sĩ trong 8 năm, theo mô hình 3+1+4.
Cụ thể, sinh viên của Đại học Quốc gia TP.HCM sau khi hoàn thành 3 năm đầu của chương trình đào tạo đại học có thể chuyển tiếp qua Đại học Quốc gia Singapore học chương trình thạc sĩ trong vòng một năm.
Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên sẽ nhận bằng đại học từ các trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM và bằng thạc sĩ (master by coursework) của Đại học Quốc gia Singapore.
Nếu có thành tích tốt ở bậc cử nhân - thạc sĩ và có nhu cầu, người học sẽ được Đại học Quốc gia Singapore cấp học bổng để theo chương trình tiến sĩ trong 4 năm. Toàn bộ lộ trình từ bậc cử nhân đến khi hoàn tất bậc tiến sĩ là 8 năm.
Như vậy, với chương trình này, sinh viên tài năng của Việt Nam có cơ hội học tập và được cấp bằng bởi hai đại học hàng đầu, tiết kiệm cả thời gian và chi phí.
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - đề nghị hai bên ưu tiên triển khai các chương trình về Vi mạch bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ sinh học và Y sinh. Đây là những lĩnh vực đào tạo trọng tâm của Đại học Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2021-2030.
Hai bên cũng đã thống nhất phát triển hợp tác nghiên cứu, trao đổi giảng viên, xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cho TP.HCM và các địa phương.
Cũng trong buổi làm việc, Đại học Quốc gia TP.HCM và NUS đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, tạo cơ sở cho việc triển khai các hoạt động hợp tác hai bên cùng quan tâm. Bốn nội dung gồm:
Tạo cơ hội học tập cho sinh viên thông qua phát triển các phương thức hợp tác đào tạo mới;
Trao đổi các khả năng hợp tác nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực quan tâm chung;
Trao đổi thông tin khoa học, học thuật, kỹ thuật và các tư liệu học thuật, các cơ hội thương mại hóa công nghệ;
Tổ chức và tham gia vào các hoạt động học thuật và khoa học chung như hội thảo, hội nghị.