Sinh viên góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI
Chiều ngày 20/6, tại trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, khu vực miền Nam.
Chị Hồ Hồng Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12/2023 tại Hà Nội, với sự tham gia của 700 đại biểu là cán bộ, hội viên, sinh viên tiêu biểu đại diện cho hơn 2 triệu sinh viên Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Để chuẩn bị cho Đại hội, từ năm 2022, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam đã xây dựng các đề án, kế hoạch, hướng dẫn triển khai tổ chức Đại hội Hội Sinh viên các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam khóa X trình tại Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam toàn quốc lần thứ XI, đến nay, đã trải qua 4 lần xin ý kiến.
Cần quan tâm hơn đến công tác cán bộ Hội
Phát biểu tại Hội nghị, anh Nguyễn Khánh Tùng – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP. HCM cho rằng, công tác cán bộ Hội phải được coi trọng, vì vậy, theo anh, việc bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí và đào đạo cán bộ trẻ phải được quan tâm hơn nữa. “T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cần ban hành hướng dẫn cụ thể về khung năng lực cán bộ Hội theo từng chức danh tương ứng với cấp cơ sở và cấp trường. Các tổ chức Đoàn cần quan tâm, phát huy đúng vai trò nòng cốt chính trị trong công tác nhân sự của Hội Sinh viên ngay từ đầu năm học”, anh Tùng nói.
Việc tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng các bạn cán bộ Hội mới nhận nhiệm vụ cũng là việc quan trọng cần đẩy mạnh. Theo anh Tùng, với hệ thống dày đặc Chi hội, Trung ương cần nghiên cứu xây dựng bộ học liệu số về chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Hội, tích hợp trên ứng dụng “Sinh viên Việt Nam”, theo đó nếu muốn bố trí đảm nhận vị trí chức vụ nào, cần hoàn thành các khóa học và bài kiểm tra, đánh giá trên hệ thống, xem đây là tiêu chuẩn để sắp xếp cán bộ. “Trong bối cảnh hiện tại, cần thêm cơ chế phát triển mới cho cán bộ Hội là sinh viên như cơ chế bồi dưỡng về lý luận chính trị, chế độ nâng cao năng lực số, năng lực ngoại ngữ. Trung ương nên nghiên cứu việc tổ chức chương trình cho các đối tượng “Sao Tháng Giêng” – đây là đối tượng tiêu biểu cho hình ảnh đại diện cán bộ Hội cống hiến, dấn thân”, anh Tùng đề xuất.
Việc đánh giá cán bộ Hội hiện nay, theo Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP. HCM, vẫn chưa có chuẩn nhất định, một số đơn vị không vận hành câu chuyện rèn luyện Hội viên, đánh giá cán bộ. Anh Tùng cũng đề nghị Trung ương phát động chương trình “Cán bộ Hội chuẩn kiến thức – vững chuyên môn – tự tin nghiệp vụ”, trong đó mỗi tiêu chuẩn cần rõ tiêu chí đánh giá gắn với KPI chức danh, xem đây là nền tảng phân tích chất lượng cán bộ Hội các cấp và tiến hành thu thập số liệu theo học kỳ để Trung ương có cơ sở điều chỉnh phù hợp.
Phát huy các câu lạc bộ lý luận, nâng cao năng lực số trong sinh viên
Phát biểu tại Hội nghị, anh Võ Văn Trung - Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần phải duy trì củng cố các câu lạc bộ lý luận trong sinh viên. Đây là kênh tốt nhất để nắm bắt được mong muốn, nguyện vọng của sinh viên. “Các bạn sinh viên hiện nay tiếp cận với nhiều mạng xã hội mới nên việc các câu lạc bộ lý luận các trường nắm bắt được các xu hướng của sinh viên để từ đó tham mưu cho Hội Sinh viên ở các trường cũng rất quan trọng. Mỗi tổ chức Hội, Liên chi hội… cũng nên có các trang để cập nhật thông tin và có thêm kênh để sinh viên trao đổi hai chiều, thường xuyên", anh Trung nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Đồng Nai, với các bạn “Sinh viên 5 tốt”, các trường cần làm tốt công tác hỗ trợ các bạn sau khi ra trường. “Tổ chức Hội phải tìm cách kết nối với các doanh nghiệp, giúp các bạn phát huy được hết những khả năng vốn có của mình. Thông qua kênh của Hội Doanh nhân trẻ ở các tỉnh thành, Hội Sinh viên các tỉnh cũng có thể kết nối hỗ trợ cho “Sinh viên 5 tốt” tiếp cận với doanh nghiệp trong vấn đề việc làm”, anh Trung đề xuất.
Tham dự Hội nghị, anh Nguyễn Hữu Tiến - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Kinh tế TP. HCM cho biết, công tác chuyển đổi số ở trường ĐH Kinh tế TP. HCM diễn ra sôi nổi và được sinh viên hưởng nhiệt tình.
Theo anh Tiến, muốn làm tốt việc này thì việc chuyển đổi số trong sinh viên phải xuất phát từ việc nâng cao năng lực số trong cán bộ Hội trước. Việc nâng cao năng lực số cho sinh viên cũng nên tạo ra sức hút tự nhiên. Anh Tiến dẫn chứng, ở trường ĐH Kinh tế TP. HCM, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của trường đã tổ chức tổ chức thành công Ngày hội “Nâng cao năng lực số cho sinh viên”. Ngày hội đã thu hút rất đông các bạn sinh viên, bởi có nhiều nội dung mà các bạn sinh viên quan tâm như việc ứng dụng chuyên môn vào công việc sau này.
“Những hoạt động này phải tạo ra thói quen cho các bạn sinh viên hàng ngày. Hội Sinh viên trường có những chuyên đề mang tính thời sự, gắn với những vấn đề mà sinh viên đang quan tâm như “Sử dụng hiệu quả Chat GPT trong học tập”, “Bảo mật thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội”… Thông qua bản tin Đoàn – Hội hằng tuần, cũng có những thông tin mà các bạn sinh viên đặc biệt quan tâm như doanh nghiệp cần tuyển ứng viên, thực tập sinh sinh viên...”, anh Tiến chia sẻ thêm.
Tại Hội nghị, cán bộ, hội viên sinh viên tiêu biểu các tỉnh, thành khu vực phía Nam còn tham gia góp ý về tiêu đề báo cáo; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028…
Tỉnh Đồng Nai vinh dự được T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam chọn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, khu vực miền Nam. Tôi mong rằng, các đại biểu tham gia góp ý dự thảo báo cáo chính trị gắn với sự kiện, đời sống sinh viên, đó là vấn đề học tập, việc làm, chuyển đổi số, khoa học - công nghệ; những thời cơ, thách thức đan xen…