'Sinh viên hãy chủ động chọn việc thay vì đi tìm việc, xin việc'
Hầu hết những sinh viên ngành Công tác xã hội đều băn khoăn, lo lắng không biết khi ra trường sẽ làm công việc cụ thể ra sao, hay làm cách nào để sau khi tốt nghiệp có được công việc phù hợp với năng lực bản thân…
Sáng 24/8, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế VMAT tổ chức hội thảo “Hỗ trợ việc làm đối với sinh viên ngành Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp” để định hướng việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Chủ trì hội thảo, TS. Nguyễn Phú Trường - Phó Giám đốc Học viên Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, những sinh viên khối ngành công tác xã hội đang được ưu tiên đào tạo, bởi lẽ, trong xã hội hiện nay, nhu cầu về phúc lợi xã hội cho người cao tuổi, người có công với cách mạng hay những vấn đề nổi cộm trong trường học, trong y tế,…đang thực sự cần thiết. Nhận thấy được điều này, Học viện đã phối hợp Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế VMAT tổ chức hội thảo “Hỗ trợ việc làm đối với sinh viên ngành Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp” kết nối nhà trường và doanh nghiệp để sinh viên có thể đi làm thêm để rèn kỹ năng và rèn nghề nghiệp trước khi tốt nghiệp.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Dương Văn Bá - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác thương mại Đông Nam Á; TGĐ Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế VMAT cho hay, sinh viên tốt nghiệp hiện nay ra trường dễ thất nghiệp, không tìm được việc làm, làm việc trái ngành; hay sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu công việc và khởi điểm lương thấp…Còn đối với doanh nghiệp thì nhu cầu tuyển dụng rất lớn nhưng lại không tuyển được người, thiếu nhân sự trầm trọng và thường chê sinh viên tốt nghiệp ra trường rất yếu, bởi lẽ, sinh viên thường không có định hướng, thái độ thờ ơ, thiếu quá nhiều kỹ năng, không định vị được bản thân.
“Sinh viên tốt nghiệp hiện đang thiếu và yếu quá nhiều kỹ năng cần thiết, tiếng Anh cũng yếu, kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị, ý thức chấp hành pháp luật cũng yếu. Tôi mong muốn sinh viên tốt nghiệp có thể chọn được việc thay vì đi xin việc hay tìm việc làm, sinh viên cần định vị được bản thân mình làm được việc gì”, ông Bá chia sẻ.
Trao đổi thêm, ông Dương Văn Bá cho biết, với ngành Công tác xã hội thì có 4 nhóm ngành mà sinh viên có thể định hướng để theo và nghiên cứu sau khi tốt nghiệp trong nước và lựa chọn để tiếp cận là ngành lao động thương binh xã hội, ngành Y, Tư pháp, Giáo dục. Cũng tại hội thảo, ông Bá cũng thông tin về chương trình thực tập sinh điều dưỡng tại Nhật Bản phù hợp với ngành Công tác xã hội.
Xoay quanh tại hội thảo, nhiều sinh viên ngành Công tác xã hội Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng đặt những câu hỏi, những băn khoăn chủ yếu liên quan đến cơ hội để thực tập hoặc làm tình nguyện viên; tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có thể làm việc ở đâu hay ngoại ngữ có phải là điều kiện cần khi đi xin việc?
Trả lời những băn khoăn của sinh viên, Th.S Dương Thị Minh Thu - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Trung ương bày tỏ: “Ngành công tác xã hội luôn thực sự cần thiết cho nhu cầu thực tế và sự phát triển của xã hội, và đặc biệt là trong mô hình của một bệnh viện. Kinh nghiệm thực tiễn đòi hỏi phải xuống cộng đồng, phải đi thực tế để cọ sát và lắng nghe người dân nói chứ không phải lên mạng và tìm kiếm thông tin. Nếu không đi thực tiễn thì khó có thể nhận thức và cảm thông được.
Ngoài rèn luyện năng lực bản thân, sinh viên ngành Công tác xã hội cần phải biết làm tình nguyện và thực tập tại các tổ chức xã hội để lấy kinh nghiệm. Rất nhiều cơ hội việc làm đến với sinh viên Công tác xã hội chính là từ những công việc thực tập và các tổ chức xã hội thì luôn sẵn sàng đón nhận sinh viên thực tập…”.