Sinh viên học tập với AI

Với khả năng tiếp cận thông tin 'khổng lồ' và các công cụ học tập thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang mang đến nhiều lợi ích về học tập, nghiên cứu cho sinh viên.

Các ứng dụng phổ biến được sinh viên dùng hỗ trợ việc học tập.

Một trong những ứng dụng nổi bật của AI là trở thành “trợ lý học tập” 24/7 cho sinh viên. Các công cụ như ChatGPT có thể giúp giải thích những khái niệm phức tạp, hướng dẫn cách giải bài tập, thậm chí luyện viết và chỉnh sửa văn bản. Khác với giáo viên truyền thống chỉ có mặt trong giờ học, AI luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi. Theo báo cáo trên chuyên san Kinh tế và dự báo, nhóm nghiên cứu tại Đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân (Hà Nội) tháng 5/2024 chỉ ra rằng 78,92% sinh viên trên địa bàn TP Hà Nội dùng ChatGPT để học tập. Nghiên cứu cũng cho thấy sinh viên cải thiện kết quả học tập sau khi sử dụng ChatGPT. Một báo cáo khác đăng trên chuyên san Giáo dục tháng 1/2024 kết luận 89,2% sinh viên từ 6 trường thành viên ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh dùng ChatGPT phiên bản miễn phí cho các mục đích như tra cứu thông tin, tài liệu về các chủ đề học tập, nghiên cứu; dịch, giải thích thuật ngữ chuyên ngành; làm bài tập...

Ngô Thị Thùy Dung, sinh viên Trường ĐH Hồng Đức cho biết: Hầu hết sinh viên đều có sử dụng AI hỗ trợ trong quá trình học tập, nghiên cứu với những khía cạnh khác nhau tùy vào lĩnh vực học tập. Ở lĩnh vực nào, AI cũng có hỗ trợ hiệu quả, đặc biệt là đối với sinh viên cuối cấp cần làm luận văn tốt nghiệp. Như bản thân tôi, sử dụng ChatGPT để luyện giao tiếp tiếng Anh. Ngoài ra, ChatGPT còn giúp tôi luyện kỹ năng viết bằng cách đưa ra những gợi ý về cách diễn đạt sao cho tự nhiên hơn. Tôi cảm thấy việc học qua ChatGPT linh hoạt và hiệu quả, học bất cứ lúc nào và được hỗ trợ ngay lập tức”.

Xem AI là công cụ học tập hữu ích trong xã hội hiện đại cũng là suy nghĩ của Nguyễn Thị Lan, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa. Em cho biết: Với tốc độ tiếp cận được nhiều nguồn thông tinh nhanh, AI là kho tài liệu tuyệt vời cho sinh viên dùng trong học tập. Như việc tìm các ý tưởng tham gia cuộc thi sáng tạo, em có thể nhờ AI lên ý tưởng, sau đó tìm kiếm ý tưởng phù hợp, loại trừ sự trùng lặp. AI sẽ đề xuất phương pháp nghiên cứu phù hợp, chúng em có thể dựa vào đó để định hình cho ý tưởng của mình. Đặc biệt, nguồn tài liệu trong ngành y là vô cùng lớn, chúng em có thể nhờ AI lựa chọn phù hợp mà chỉ cần một câu lệnh đơn giản”.

Không thể phủ nhận, AI đã mở ra một chân trời mới cho việc học tập. Chỉ với vài dòng lệnh, sinh viên có thể tìm kiếm thông tin, phân tích dữ liệu, hoặc thậm chí sáng tạo ý tưởng nhanh chóng hơn bao giờ hết. Công cụ giúp chỉnh sửa, hoàn thiện dự án, ý tưởng của sinh viên trong khoảng thời gian nhanh nhất. AI không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp sinh viên tiếp cận các nguồn tri thức toàn cầu một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, “AI giống như một người bạn học luôn sẵn sàng hỗ trợ. Tuy nhiên, không nên tin tưởng tuyệt đối với AI. Vì vậy, để cẩn thận tôi luôn kiểm tra lại thông tin và không ỷ lại hoàn toàn. Điều đó giúp tôi học hiệu quả hơn mà vẫn giữ được tư duy độc lập”, Thùy Dung cho biết thêm.

AI hỗ trợ Thùy Dung rất nhiều trong việc học tập, nghiên cứu.

AI hỗ trợ Thùy Dung rất nhiều trong việc học tập, nghiên cứu.

Như một con dao hai lưỡi, thay vì hỗ trợ, một số sinh viên lại dùng AI như công cụ thay thế việc tư duy, tìm tòi để sao chép bài tập và gian lận trong thi cử. Không ít trường hợp các bài luận giống nhau bởi đều do AI viết ra. Điều này không chỉ làm giảm giá trị thực của giáo dục mà còn khiến sinh viên đánh mất khả năng tư duy độc lập, một yếu tố quan trọng trong việc học tập và phát triển bản thân. Khi sử dụng AI để làm bài tập hay làm bài kiểm tra, sinh viên có thể bỏ qua quá trình tìm hiểu và tự suy nghĩ, dẫn đến việc họ không thực sự nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên mà còn ảnh hưởng đến phát triển cá nhân và sự chuẩn bị cho công việc sau này.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kỹ thuật, Công nghệ và Truyền thông, Trường Đại học Hồng Đức cho biết: “Công nghệ AI giúp các bạn học sinh, sinh viên có thể nhanh chóng tìm được phương án giải quyết vấn đề, tiết kiệm thời gian, công sức. Một số công cụ dịch tự động ứng dụng AI (DeepL, Google Translate) giúp sinh viên nhanh chóng tiếp cận các tài liệu nước ngoài, mở rộng phạm vi nghiên cứu. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ học tập cá nhân hóa (phù hợp đặc điểm, nhu cầu,... của từng người học). Đặc biệt với sinh viên ngành kỹ thuật, giúp phát triển kỹ năng lập trình, phát triển ứng dụng khoa học - kỹ thuật... Tuy nhiên, mặt hạn chế khi sử dụng AI để học tập là làm giảm khả năng tư duy độc lập của người dùng, dẫn đến việc phụ thuộc vào AI, từ đó làm giảm kỹ năng giải quyết vấn đề, giảm tư duy phê phán”.

"Để sinh viên làm chủ AI, sử dụng AI như một công cụ học tập hiệu quả, các thầy cô đã thiết kế bài tập đòi hỏi tư duy phản biện và sáng tạo, khó để AI thay thế. Đánh giá sinh viên theo quá trình, không nên đánh giá kết quả cuối cùng”, thầy Phạm Thế Anh cho biết thêm. Bên cạnh đó, thầy cô tăng cường hình thức tổ chức dạy học cộng tác, thảo luận, dự án. Khuyến khích học sinh trình bày ý tưởng và lý giải cách thức giải quyết vấn đề của mình. Cá nhân hóa nội dung học tập như: giao các nhiệm vụ cần huy động kinh nghiệm cá nhân hoặc quan sát trực tiếp của học sinh, sinh viên. Yêu cầu học trò liên hệ nội dung học với cuộc sống cá nhân...

Bài và ảnh: Phan Thị

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/sinh-vien-hoc-tap-voi-ai-37193.htm