Sinh viên khu vực phía Nam nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ Nhật Bản

Trường Đại học Mở TPHCM vừa tổ chức Hội thảo 'Nghiên cứu khoa học sinh viên các trường giảng dạy tiếng Nhật khu vực phía Nam' lần thứ nhất.

Sinh viên báo cáo tham luận tại hội thảo.

Sinh viên báo cáo tham luận tại hội thảo.

Với các chủ đề: Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, Văn hóa Nhật Bản và Văn hóa Việt Nam, Dịch thuật tiếng Nhật, hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng một diễn đàn học thuật ý nghĩa – nơi sinh viên ngành tiếng Nhật có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kết quả nghiên cứu thông qua các hoạt động thuyết trình và thảo luận. Qua đó, hội thảo góp phần mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết, phát triển tư duy phản biện và rèn luyện kỹ năng nghiên cứu cho sinh viên.

Bên cạnh đó, hội thảo còn đóng vai trò là cầu nối giữa sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học trong nước và quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, đồng thời góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.

 Hoạt động hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập Trường Đại học Mở TPHCM (15/6/1990 – 15/6/2025) và 35 năm thành lập Khoa Ngoại ngữ (9/1990 – 9/2025).

Hoạt động hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập Trường Đại học Mở TPHCM (15/6/1990 – 15/6/2025) và 35 năm thành lập Khoa Ngoại ngữ (9/1990 – 9/2025).

Trong khuôn khổ hội thảo, 6 báo cáo tham luận tiêu biểu sẽ được các sinh viên đến từ các trường đại học trong khu vực trực tiếp trình bày, nhằm làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt trong cách tiếp cận ngôn ngữ và văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Các báo cáo bao gồm: “Mỹ học về tự nhiên trong hoa văn trên Obi” (Trường Đại học Văn Lang); “Giáo dục bắt buộc tại Nhật Bản: Hệ thống và đặc điểm ở Shibuya và Okinawa” (Trường Đại học Luật TPHCM); “Học tiếng Nhật thời 4.0: Kết hợp truyền thống và hiện đại” (Trường Đại học FPT tại Cần Thơ); “So sánh từ loại chỉ tính chất trong tiếng Việt và tiếng Nhật” (Trường Đại học Mở TPHCM) ; “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc nhà mái tranh Kayabuki tại làng cổ Kayabuki no Sato, tỉnh Miyama, Nhật Bản – Nghiên cứu thực địa và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” (Trường Đại học Văn Lang); “Chính sách phát triển du lịch bền vững của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho du lịch Việt Nam” (Trường Đại học Ngoại thương – Cơ sở 2 tại TPHCM).

Anh Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-khu-vuc-phia-nam-nghien-cuu-ve-van-hoa-ngon-ngu-nhat-ban-post727959.html