Sinh viên làm gì để đối mặt với những cơn 'ác mộng' dịp Tết đến

Ngày Tết cận kề, sinh viên vẫn phải vật lộn với những cơn 'ác mộng' đặc trưng như đặt vé tàu xe, dọn dẹp phòng trọ hay chuẩn bị một tinh thần thép để sẵn sàng đối mặt với cảnh kẹt cứng ở những phiên chợ giáp Tết cùng hàng tá câu hỏi oái oăm mỗi dịp xuân về.

“Cuộc chiến” dọn phòng trọ và tranh giành vé xe không hồi kết

Đối với những sinh viên xa nhà như Bùi Trung Trà (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), trước khi về quê đối mặt với nỗi ám ảnh mang tên dọn nhà đón Tết, chàng trai sẽ phải bắt đầu từ việc dọn dẹp phòng trọ của mình.

Bùi Trung Trà hiện đang là sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Bùi Trung Trà hiện đang là sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Tuy vậy, Trung Trà vẫn lạc quan chia sẻ: “Trước khi về quê thì mình có thói quen dọn dẹp lại phòng trọ. Ui, phải nói rằng dọn phòng trọ là một cái gì đấy rất mệt, nhưng bù lại thì cũng nhờ việc này mà mình tìm được một số đồ kỷ niệm, sách vở bị cất kỹ quá cả năm không nhớ để tìm đến. Chính vì vừa dọn dẹp vừa mải xem những món đồ ấy nên mình mất rất nhiều thời gian. Dù sao thì đây cũng là một bước chạy đà làm quen để tham gia vào cuộc chiến dọn nhà kinh dị hơn ở quê đang đợi mình.”

Mỗi năm, ngoài việc dọn phòng thì đặt vé xe Tết cũng là một cơn “ác mộng” không thể không nhắc đến của chàng trai xứ Nghệ. Thế nhưng năm nay Trung Trà đã tìm được giải pháp cho vấn đề này. Nam sinh chia sẻ: “Như mọi năm, mình luôn phải lên kế hoạch rồi đặt vé thật sớm để tránh việc hết chỗ. Ngoài ra, vé xe về Tết lúc nào cũng tăng giá lên khá là đắt. May mắn là năm nay mình được tham gia chương trình Chuyến xe về Tết 2023 do Học viện tổ chức, nên mình không còn lo lắng về những vấn đề này nữa, cảm giác rất là thảnh thơi.”

Nhà bao việc nhưng bị kẹt cứng khi đi chợ sắm đồ giáp Tết

Khác với nhiều bạn, Hoàng Xuân Bách (Học viện Ngoại giao) lại đang lo lắng cho viễn cảnh kẹt cứng khi đi chợ sắm Tết.

Hoàng Xuân Bách hiện đang là sinh viên Học viện Ngoại giao.

Hoàng Xuân Bách hiện đang là sinh viên Học viện Ngoại giao.

Chàng trai gốc Hưng Yên bày tỏ: “Vì mình ở khu vực nông thôn nên các địa điểm giao thương bày bán đa dạng các mặt hàng như chợ lớn là ít vô cùng, thường chỉ có một chợ lớn như vậy và tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm của xã. Có thể tưởng tượng nếu vào những ngày rằm, hay mùng 1 đầu tháng, số lượng người dân đi chợ đã gấp đôi ngày thường thì đến những ngày giáp Tết, tứ phương tụ họp với lưu lượng đổ về đây phải gấp 5, thậm chí gấp 6 lần như thế, hỗn tạp người và xe, chiều lên chiều xuống gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Trong khi ấy, số lần gặp phải tình trạng quá tải như thế này trong năm chỉ đếm trên đầu ngón tay nên nhân sự điều phối và cả người dân có nhiều phần bối rối và khó chịu. Thực sự Tết nhất nhà bao việc lại gặp phải cảnh kẹt cứng giữa dòng người và xe như thế, với mình chính là cơn “ác mộng” khủng khiếp.”

Rút kinh nghiệm từ các năm trước, Xuân Bách và gia đình dự định sẽ đi chợ Tết sớm hơn để không chạm mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan” kể trên. Thêm vào đó, nam sinh nhận thấy mấy năm trở lại đây diện mạo làng quê cũng có nhiều thay đổi, ngày càng nhiều những mô hình kinh doanh online với giá cả phải chăng nên gia đình Xuân Bách đã có thể sắm sửa các vật dụng, thực phẩm cần thiết qua hình thức mua bán trực tuyến này mà không cần phải chen chúc vất vả ở chợ nhiều như trước.

Chuẩn bị “phao” cho 1000 câu hỏi “Vì sao?”

Một trong những cơn “ác mộng” không muốn đối mặt nhất từ xưa đến nay của các bạn sinh viên, trong đó có Hoàng Thị Phương Thảo (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM), chính là việc gặp gỡ và trả lời những câu hỏi khó của người thân, hàng xóm,... vào mỗi dịp Tết.

Hoàng Thị Phương Thảo hiện đang là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM.

Hoàng Thị Phương Thảo hiện đang là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM.

Nữ sinh bộc bạch: “Với tính cách hướng nội, mình rất ít khi giao tiếp với nhiều người như vậy. Và để trả lời các câu hỏi ví dụ như: “Con năm nay có người yêu chưa?”, “Chuyện học hành thế nào rồi?”, “Có đi làm thêm không?”,… còn là một điều khó khăn hơn, nên thường là khi được hỏi mình đều chỉ cười cho qua.”

Tuy nhiên, năm nay Phương Thảo đã không còn đau đầu để chuẩn bị cho những câu hỏi này nữa, bởi lẽ 2022 vừa qua là một năm mang lại cho nữ sinh nhiều sự thay đổi, đặc biệt là trong giao tiếp xã hội. Phương Thảo chia sẻ: “Việc đối mặt với những câu hỏi khó khi gặp họ hàng trong dịp Tết lần này có lẽ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều với mình. Một phần là do mình đã học được những kinh nghiệm trong giao tiếp, giúp mình tự tin nói nhiều hơn và có cách giao tiếp phù hợp với người lớn tuổi; một phần là mình khá tự hào về những thành tựu mà bản thân đạt được trong năm qua nên mình cũng trở nên tự tin hơn và cảm thấy không có gì phải khó nói cả.”

Dù đều có những cơn “ác mộng” của riêng mình nhưng các bạn trẻ luôn đón nhận một cách tích cực và chuẩn bị sẵn sàng để tạm biệt năm cũ, chào đón một năm mới tràn đầy hy vọng. Mong rằng 2023 sẽ mang lại bình an và hạnh phúc đến với tất cả mọi người.

Uyên Nhã

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-lam-gi-de-doi-mat-voi-nhung-con-ac-mong-dip-tet-den-post1504484.tpo