Sinh viên năm cuối và những trăn trở trong định hướng nghề nghiệp

Hiện nay, sinh viên năm cuối các trường đại học đang bước vào thời gian nước rút vô cùng quan trọng. Vừa phải hoàn thành chương trình học; cải thiện điểm số và tích cực bổ sung kiến thức, kỹ năng để có được một hồ sơ xin việc tốt khi ra trường.

Trường đại học Hồng Đức.

Kết thúc những năm tháng trên giảng đường là hành trình xin việc đầy thử thách của sinh viên. Và không phải ai sau tốt nghiệp cũng may mắn tìm được công việc như ý. Câu hỏi “ra trường sẽ làm gì” luôn khiến nhiều sinh viên băn khoăn.

Cùng với quá trình học tập trên giảng đường, thời gian thực tập thực sự có ý nghĩa đối với sự trưởng thành của sinh viên và cơ hội nghề nghiệp sau này. Sinh viên năm cuối, thường sẽ có hai đến ba tháng đến những đơn vị thực tập để tiếp xúc với công việc liên quan đến chuyên ngành mình đang theo học.

Lê Thị Nhung trong giờ thực hành. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Lê Hồng Nhung, sinh viên đang thực tập tại trường Mầm non Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) cho biết: “Quá trình thực tập mang lại cho mình nhiều điều bổ ích. Nó giúp mình được trải nghiệm trong môi trường làm việc thực tế, phát hiện điểm yếu và phát huy điểm mạnh để hoàn thiện bản thân. Hiện tại, mình khá tự tin về năng lực cũng như hướng đi của bản thân trong tương lai vì đã dành nhiều năm tham gia các hoạt động câu lạc bộ, đi thực tập và đi làm. Những kiến thức học ở trường cũng góp phần không nhỏ đến trải nghiệm làm việc của mình”.

Thi, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp là một trong những điều kiện quyết định để sinh viên tốt nghiệp. Sở hữu tấm bằng đại học nhưng việc làm chỉ thực sự bền vững khi đáp ứng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Hoàng Anh (sinh viên năm cuối khoa Quản trị khách sạn, trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) chia sẻ: “Năm cuối đại học thực sự là khoảng thời gian rất căng thẳng và mình cũng thường xuyên bị stress do bài vở trên lớp quá nhiều. Năm cuối mình phải tập trung cho thi kết thúc học phần, đi thực tập, thi chuẩn đầu ra,… Chỉ cần lơ một chút là phải học lại như chơi. Vừa mất tiền lại tốn thời gian. Về công việc trong tương lai, mình rất đắn đo không biết sau khi ra trường có tìm được công việc phù hợp hay phải làm công việc trái ngành”.

Việc làm sau khi ra trường luôn là một trong những vấn đề khiến cho sinh viên lo lắng sau tốt nghiêp. Và việc lựa chọn một hướng đi đúng cho tương lai trở thành áp lực của không ít sinh viên năm cuối.

Lê Đình Thành – sinh viên năm cuối trường Đại học Hồng Đức. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Là sinh viên năm cuối ngành Kĩ thuật điện, điện tử của trường Đại học Hồng Đức, Lê Đình Thành đang không khỏi lo lắng vì nộp hồ sơ khắp nơi mà chưa được nhận. “Năm nay, do dịch COVID - 19, trường mình nhận bằng muộn hơn khoảng một tháng so với mọi năm. Mình rất sợ sẽ bỏ qua nhiều cơ hội vì trong mùa dịch này, số lượng công ty, tổ chức đang có nhu cầu tuyển dụng cần rất ít”.

Từ nay đến khi lấy bằng tốt nghiệp, Thành dự định vẫn nộp hồ sơ ứng tuyển các công việc cảm thấy phù hợp. Nếu may mắn được nhận, Thành sẽ xin nộp bổ sung bằng đại học vào tháng 8. Cùng với đó, Thành cũng tìm hiểu về vấn đề đi xuất khẩu lao động theo ngành mình học nếu không tìm được việc.

Phương Thảo (sinh viên năm cuối trường Đại học Văn hóa, Tthể thao và Du lịch Thanh Hóa) chia sẻ: Mình là một sinh viên bình thường, cố gắng có được bằng loại giỏi, nhưng về các hoạt động để cho thấy sự năng động thì hầu như mình không có, và cũng không có nhiều thành tích nổi bật. Vừa bảo vệ luận án xong là mình bắt đầu tìm việc làm. Mình rất thích về lĩnh vực du lịch và tìm kiếm cơ hội được làm việc trong lĩnh vực này, dự sẽ đi làm 1 năm rồi đi học thạc sĩ chuyên ngành quản trị du lịch. Khi bắt đầu tìm việc thì mọi thứ thật sự khó khăn, cơ hội rất ít cho những sinh viên như mình. Hầu hết các công việc đều đòi hỏi kinh nghiệm, còn những chương trình tập sự viên thì đòi hỏi ứng viên rất giỏi, bản thân mình cũng cố gắng nhiều nhưng cơ hội lại rất ít.

Để chuẩn bị hành trang cho công việc trong tương lai, ngoài kiến thức học tập trên nhà trường, mỗi sinh viên cần trau dồi và nâng cao những kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng viết CV tìm việc và trả lời phỏng vấn tuyển dụng,…

Lê Yến

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/sinh-vien-nam-cuoi-va-nhung-tran-tro-trong-dinh-huong-nghe-nghiep/120205.htm