Sinh viên New Zealand nhịn ăn để đóng tiền thuê nhà

Cuộc điều tra của tổ chức Sức khỏe Sinh viên New Zealand ngày 18/7, cho thấy hàng nghìn sinh viên đại học đang sống trong cảnh nghèo đói với 2/3 số người được hỏi không thể mua nhu yếu phẩm, thanh toán hóa đơn, viện phí, thậm chí là chi phí di chuyển.

Sinh viên New Zealand cảm thấy căng thẳng vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Sinh viên New Zealand cảm thấy căng thẳng vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Cùng ngày, New Zealand cũng báo cáo lạm phát hàng năm đạt mức cao hơn dự kiến là 7,3% - mức cao nhất kể từ tháng 6/1990. Giống như nhiều quốc gia khác, New Zealand đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Elizabeth Hodgson, sinh viên năm 2 ngành Điện ảnh tại một trường đại học New Zealand chia sẻ phải tăng khoản vay sinh viên thêm vài trăm USD mỗi tuần để có đủ tiền thuê nhà. “Đó là một sự lựa chọn đau đầu. Một là gánh thêm nợ sinh viên, hai là dành 2/3 thu nhập cho tiền thuê nhà”, Hodgson nói.

Hodgson và những người bạn cùng phòng của cô đã phải đưa ra những quyết định khó khăn về các khoản tiền sinh hoạt chung như bật máy sưởi, sử dụng đèn hành lang... Cuối cùng, họ quyết định chỉ sử dụng máy sưởi một giờ mỗi ngày vì một số bạn cùng phòng không đủ khả năng thanh toán các chi phí này. Lúc khác, họ phải lựa chọn giữa việc trả tiền xe bus hoặc mua đồ ăn trong vài tuần.

Ngoài ra, một sinh viên khác đến từ Trường Đại học Victoria Wellington tiết lộ đang chi 80% thu nhập cho tiền thuê nhà sau khi mất việc làm thêm bán thời gian. Hiện tại, sinh viên này chỉ có thể dành 50 USD (khoảng 1,1 triệu đồng) mua thức ăn. Điều này đồng nghĩa sinh viên này chỉ có thể ăn rau, thậm chí nhịn ăn để đóng tiền trọ.

Từ khảo sát trên, Hiệp hội Sinh viên New Zealand (NZUSA) kêu gọi chính phủ nước này có những hành động kịp thời để hỗ trợ sinh viên toàn quốc vượt qua khủng hoảng. Đơn cử, NZUSE kêu gọi chính phủ gia hạn gói trợ cấp phổ thông dành cho sinh viên New Zealand, ước tính trị giá 2,5 tỷ USD mỗi năm.

Ông Sam Blackmore, Phó Chủ tịch NZUSA, cho rằng: “Sinh viên là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Nhưng hiện nay, nhiều em phải sống trong môi trường ẩm mốc, thiếu thốn, kém an toàn vì không gánh nổi phí sinh hoạt tăng cao. Do đó, các chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên cần phải được tiếp tục và dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, chính phủ cần duy trì phân bổ các gói hỗ trợ thêm cho sinh viên”.

Ảnh hưởng của chi phí nhà tăng cao đối với sinh viên cũng được nhấn mạnh trong kết quả nghiên cứu của tổ chức Sức khỏe Sinh viên New Zealand. Cụ thể, sinh viên hiện chi trung bình 56% thu nhập hàng tuần cho tiền thuê nhà. Con số này cao hơn đáng kể so với dự tính trung bình của các chuyên gia giáo dục là 30%. Điều này đồng nghĩa hàng nghìn sinh viên đang phải sống trong tình cảnh “thắt lưng buộc bụng”, đe dọa đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần và khả năng học tập.

Tổ chức Sức khỏe Sinh viên và NZUSA cũng kêu gọi cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng các dịch vụ sức khỏe tâm thần dành cho sinh viên, mở rộng đối tượng được sử dụng dịch vụ đến sinh viên quốc tế - nhóm người cũng chịu ảnh hưởng nặng từ khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Theo thống kê của Tổ chức Sức khỏe Sinh viên, gần 70% trong số hơn 4.500 người được hỏi cảm thấy suy nhược tinh thần trong dịch Covid-19. Số khác nhận định sức khỏe tâm thần ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập của họ. Những cảm xúc tiêu cực này không thể tiếp tục được khuếch đại từ khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Theo Stuff

Tú Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-new-zealand-nhin-an-de-dong-tien-thue-nha-post601677.html