Sinh viên ngành Giáo dục Mầm non được đi thực tập từ năm nhất
Không chỉ kiến thức sách vở, sinh viên ngành Giáo dục Mầm non của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang được trải nghiệm thực tế từ năm nhất.
Năm 2023, ngay sau khi được thành lập, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang nhận nhiệm vụ tuyển sinh các ngành sư phạm, trong đó có ngành Giáo dục Mầm non để bù đắp sự thiếu hụt giáo viên trong địa bàn.
Dẫu cho nghề “cô nuôi dạy trẻ” còn nhiều khó khăn, áp lực, ngành Giáo dục Mầm non vẫn là mơ ước của nhiều sinh viên, trong đó có người sẵn sàng bỏ dở công việc với mức lương ổn định để được đi học làm giáo viên mầm non.
Thu hút nhiều sinh viên nhờ cơ hội việc làm rộng mở
Tiến sĩ Lục Quang Tấn - Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang cho hay, ngành Giáo dục Mầm non được phân hiệu đào tạo ở cả hệ đại học và cao đẳng. Trong đó, năm học 2024 - 2025, hệ đại học tuyển sinh 200 chỉ tiêu.
Theo lãnh đạo nhà trường, có nhiều lý do khiến ngành Giáo dục Mầm non thu hút sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc tại các trường mầm non công lập, tư thục và các trung tâm chăm sóc trẻ em, cơ hội việc làm rất rộng mở. Đặc biệt tại tỉnh Hà Giang, giáo viên mầm non luôn thiếu hụt, nhiều huyện có chính sách ưu tiên tuyển dụng.
Điển hình như trong năm học này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã ưu tiên tuyển dụng viên chức cho ngành giáo dục với tổng số 493 chỉ tiêu, trong đó bậc mầm non có 121 chỉ tiêu. Huyện Vị Xuyên đã nhanh chóng hoàn thành tuyển dụng với 33 giáo viên mầm non để kịp bổ sung nhân sự trước thềm năm học mới.
Bên cạnh đó, ngành rất phù hợp với các bạn có lòng yêu trẻ, khéo léo, nhiệt tình, có năng khiếu múa hát. Đây cũng là cánh cửa mới cho các bạn trẻ là người dân tộc thiểu số, có cơ hội có công việc ổn định ngay trên quê hương.
Bạn Hoàng Thị Vân Anh, sinh viên khóa đầu tiên của ngành Giáo dục Mầm non chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã ước mơ trở thành một cô giáo mầm non, vì rất yêu trẻ em, yêu những ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, đáng yêu của các bạn nhỏ.
Tôi thương bố mẹ ở nhà vất vả, nên muốn ở gần để tiện phụ giúp bố mẹ cũng như chăm sóc em gái. Vì vậy, khi Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang mở ngành Giáo dục Mầm non, tôi rất vui khi được đi học gần nhà”.
Vân Anh là một trong những sinh viên đạt thành tích tốt nhất trong năm học vừa qua. Cô sinh viên bày tỏ, chương trình học ở trường rất hợp lý, không quá áp lực với sinh viên, phù hợp với đặc thù của địa phương.
Hoàng Hồng Phượng, 21 tuổi, người dân tộc Giáy, ở huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) là một trường hợp khá đặc biệt trong các sinh viên ngành Giáo dục Mầm non.
Năm 2021, sau khi học xong lớp 12, vì gia đình không có điều kiện và cũng không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, Phượng đã xuống Hải Phòng để làm việc.
Nhưng đến năm 2023, khi Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang được thành lập, cô của Phượng là một giáo viên mầm non, đã thuyết phục Phượng quay lại quê hương học đại học, theo nghề giáo viên giống cô. Thời điểm đó, em trai của Phượng vừa học xong lớp 12, cũng đang tìm kiếm định hướng cho tương lai.
Nhờ nghe lời cô và được gia đình ủng hộ, Phượng và em trai cùng nhập học Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang. Phượng theo học ngành Giáo dục Mầm non còn em trai thi đỗ ngành Giáo dục Tiểu học.
Cả hai chị em đều được miễn học phí cũng như nhận hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng từ nhà trường, giúp gia đình vơi bớt gánh nặng.
Phượng chia sẻ: “Sau một năm học tập, tôi cảm thấy chương trình học rất hữu ích, sát với thực tế và cung cấp những kiến thức cần thiết cho ngành đang theo đuổi.
Mới học được một năm đầu tiên, nên chưa có khó khăn áp lực gì nhiều. Nhưng từ năm thứ hai trở đi, bắt đầu vào học chuyên ngành, có nhiều kiến thức mới khiến tôi hơi bỡ ngỡ, nên phải cố gắng hơn nữa”.
Sinh viên được rèn nghề, thực hành từ sớm
Tiến sĩ Lục Quang Tấn bày tỏ, giáo viên mầm non yêu cầu có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có trách nhiệm với công việc, cộng đồng và xã hội; có kiến thức chuyên môn vững chắc, thành thạo các kỹ năng cơ bản về chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non; có khả năng quản lý, tổ chức thực hiện và phát triển chương trình giáo dục mầm non hiệu quả; có năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục; tự học, tự nghiên cứu để phát triển nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp cần vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ phù hợp với thực tiễn; đánh giá được sự tiến bộ, sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non theo yêu cầu của độ tuổi, chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào học ở tiểu học.
Bên cạnh đó, do học sinh ở độ tuổi còn rất nhỏ, các thầy cô phải thành thạo trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh, phòng bệnh, đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non.
Giao tiếp và hợp tác hiệu quả với trẻ, đồng nghiệp, cha mẹ trẻ, cộng đồng và các bên liên quan; xử lý linh hoạt các tình huống sư phạm; tư vấn, hỗ trợ cha mẹ trẻ và cộng đồng trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non cũng là một yêu cầu của nghề nghiệp.
Vân Anh cho biết, ngay từ năm nhất, sinh viên đã được đi học tập thực tế ở 3 môn học là Giáo dục môi trường, Dinh dưỡng trẻ em và Chương trình và Phát triển chương trình Giáo dục Mầm non. Sinh viên sẽ được xuống tham quan, giao lưu tại trường mầm non ở xã Quản Bạ - một trong những xã đang rất thiếu giáo viên mầm non.
Tại đây, bên cạnh học tập theo nội dung môn học, sinh viên được tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa. Nữ sinh hào hứng chia sẻ, trong môn Dinh dưỡng trẻ em, các sinh viên đã được tham gia phần thi nấu ăn và nhóm của Vân Anh giành giải Nhất.
Việc dạy và học ngoại ngữ cũng rất được quan tâm. Hồng Phượng chia sẻ, khi theo học ngành Giáo dục Mầm non, cô đã có cơ hội tiếp xúc với tiếng Trung.
Năm 2023, Hồng Phượng đã giành giải Nhất trong Cuộc thi nói tiếng Trung do Câu lạc bộ Ngoại ngữ của nhà trường tổ chức. Bên cạnh đó, Phượng cũng giành giải Nhì trong một Cuộc thi nói tiếng Anh bên ngoài trường.
Phượng tâm sự: “Hồi còn đi làm công ty, tôi thấy nhiều người có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ nên rất ngưỡng mộ. Tôi cũng rất thích học ngành ngôn ngữ, nhưng do không được miễn học phí như học sư phạm nên chưa thể theo học.
Tôi đã tìm kiếm các phương pháp tự học ngoại ngữ tại nhà, các lớp học trực tuyến trên mạng để trau dồi thêm kỹ năng, mỗi ngày học từ 15-30 phút.
Trước mắt, tôi sẽ học xong chương trình học ngành Giáo dục mầm non và đồng thời tiếp tục trau dồi khả năng ngoại ngữ để mở rộng cơ hội việc làm sau này”.