Sinh viên nói gì về đề xuất giới hạn làm thêm không quá 20 giờ/tuần?

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.

Đây là lần đầu tiên việc quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên được đề xuất trong quy định cụ thể và tạo nên nhiều luồng ý kiến xung quanh đề xuất này.

Dành hầu hết thời gian rảnh để đi làm thêm tại quán cà phê, sinh viên Vương Thị Yêu rất băn khoăn khi nghe được thông tin về quản lý giờ làm thêm của sinh viên, đặc biệt là giới hạn về thời gian không quá 20 giờ/tuần.

"Nếu bị cắt đi thời gian làm việc nên số tiền sinh hoạt bị giảm bớt, thu nhập giảm bớt nên cũng khó khăn một chút. Nhân viên ở đây đa số là sinh viên, thời gian đi làm chủ yếu là thời gian rảnh nên khi bị cắt thời gian khá ảnh hưởng", Yêu cho biết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Việc triển khai các giải pháp quản lý giờ làm thêm gây nên những thắc mắc khi nhiều sinh viên muốn dành thời gian rảnh để kiếm nên thu nhập.

Theo sinh viên Huỳnh Trung Tính: "Mình đã sắp xếp việc học rồi thì khoảng thời gian rảnh của mình sẽ khá nhiều, nhiều hơn 20 giờ một tuần"

"Nếu làm thêm 20 giờ/tuần sẽ ít hơn so với thời gian mình đang làm hiện tại, ngoài ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân thì bố mẹ mình phải gửi thêm một khoản để đủ chi tiêu hàng tháng", sinh viên Vũ Thành Đạt lo lắng.

Nhiều sinh viên cho rằng dự thảo nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vì việc đi làm thêm là điều vô cùng cần thiết. Trong nội dung dự thảo đề xuất giao quyền cho các cơ sở giáo dục có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian vì những lo ngại ảnh hưởng đến kết quả học tập. Do vậy các ý kiến đóng góp cũng đề xuất cho rằng có thể kết hợp để triển khai các giải pháp thực tế.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Số sinh viên làm thêm chiếm tỷ trọng khá cao. Nhu cầu làm việc của sinh viên ở nhiều trường có khi chiếm từ 80-90%. Vấn đề cần cụ thể hóa về mặt luật pháp cho sinh viên làm thêm vì đây là nguồn nhân lực vô cùng quan trọng đối với quốc gia, để đảm bảo làm sao vừa có sức khỏe lâu dài, vừa có điều kiện học tập vừa có thể dấn thân và trải nghiệm".

Việc học và làm điều có ý nghĩa quan trọng để sinh viên vừa đáp ứng được kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Do vậy cân đối thời gian phù hợp và tăng tính chủ động là điều sinh viên mong mỏi để có thể học và đảm bảo cuộc sống.

Theo Xuân Nghiệp - Phạm Bằng/

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/sinh-vien-noi-gi-ve-de-xuat-gioi-han-lam-them-khong-qua-20-gio-tuan/20240328095834615