Sinh viên quê miền Trung vừa học, vừa thắt ruột lo nơi quê nhà bão lũ
Trước ảnh hưởng của lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, những sinh viên xa quê tại Hà Nội luôn nóng lòng lo lắng cho người thân đang trong vùng lũ.
Vừa học vừa lo nhà bị ngập lụt
Những ngày qua, tình hình lũ lụt ở các tỉnh miền Nam Trung Bộ, đặc biệt ở ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… đã gây ra thiệt hại lớn về người và của cho người dân. Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, sập đổ, hư hỏng; hoa màu bị ngập, vùi lấp; thủy sản thiệt hại, gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều nơi bị chia cắt, nhiều khu vực dân cư bị cô lập… Đối với những sinh viên đi học xa nhà, ngoài nỗi lo về sức khỏe, sinh mạng của người thân, còn lo lắng về những khó khăn sắp tới khi mà gia đình đã kiệt quệ bởi bão lũ cuốn trôi tài sản.
Đã một tuần qua, Nguyễn Nam Trường (gia đình sinh sống tại chòm 3, thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) sinh viên năm thứ 2 Đại học Kinh tế Quốc dân lúc nào cũng như lửa đốt bởi thông tin dưới quê nhà bị lũ bão dẫn đến ngập lụt. Nhà bị ngập lụt, mọi đồ đạc hầu như không còn bởi nước lũ đã cuốn trôi. Cuộc sống càng thêm khó khăn, không có tiền trang trải hàng ngày cũng như gửi ra cho Trường ăn học trong thời gian tới.
Nam Trường tâm sự: "Đợt lũ lụt lịch sử vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đối với gia đình em, mọi thứ đồ đạc đã không còn. Lúc đó, em cũng chỉ biết sơ qua vì bố mẹ em giấu để em yên tâm cho việc học tập. Nhưng em không còn tâm trí để học tập, bởi những tin tức từ mạng xã hội ngày càng nhiều, rất lo lắng nhưng rất may là ai cũng an toàn. Giờ em cũng đã ổn định việc học, mối lo thiếu tiền trang trải chi phí ăn học hiện nay cũng tạm thời yên tâm bởi em đã nhận được hỗ trợ từ các thầy cô trong trường, cũng như những người hảo tâm quyên góp, giúp đỡ. Trường em đang học cũng đang trong quá trình nhận thông tin và sẽ hỗ trợ những sinh viên gia đình khó khăn bởi lũ lụt tại miền Trung".
Tương tự, sinh viên Phạm Thị Huyền (quê tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) sinh viên năm 4 tại Hà Nội cho biết: "Thời gian qua do ảnh hưởng của lũ lụt, nhà ở quê bị ngập lụt nên gia đình rất khó khăn. Nhà ở quê bị nước tràn vào, chỉ có thể ở trên gác xép, trên mái nhà. Đồ đạc trong nhà gần như bị lũ cuốn trôi không còn gì cả. Mấy ngày gần đây em có liên lạc về gia đình, may mắn là mọi người ở nhà vẫn an toàn. Do tình trạng nước lũ ngập lụt nên gia đình em không có việc làm, nên kinh phí chi tiêu cũng không còn trong khi gia đình không dư dả tiền tiết kiệm. Em cũng rất may mắn là trong lúc lo lắng tiền sinh hoạt phí, em đã được hỗ trợ từ các thầy cô và bạn bè trong trường".
Hỗ trợ, giảm học phí đối với sinh viên vùng lũ lụt
Ngoài chung tay ủng hộ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ bão vừa qua, nhiều trường đại học cũng đã tiến hành giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất đối với những sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại miền Trung. Ban lãnh đạo ĐH Thương mại cho biết, trường vừa quyết định hỗ trợ mỗi sinh viên có hộ khẩu và thường trú tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đang chịu thiệt hại nghiêm trọng về lũ lụt số tiền 10 triệu đồng. Đây là mức hỗ trợ ban đầu của nhà trường dành tặng các bạn sinh viên vùng lũ, hi vọng có thể giúp các em vững bước vượt qua khó khăn trước mắt và là động lực để các em tiếp tục học tập. Theo nhà trường, đây là hoạt động hướng về miền Trung ruột thịt, phát huy truyền thống nhân văn, tương thân tương ái của nhà trường.
ĐH Ngân hàng TP HCM thông tin, trường sẽ hỗ trợ 250 suất học bổng, mỗi suất một triệu đồng cho những sinh viên đang theo học hệ chính quy bậc đại học còn trong thời hạn đào tạo theo quy định. Sinh viên có cha, mẹ hoặc người giám hộ ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt. Thời gian trường nhận nộp hồ sơ đến hết ngày 5/11. ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM vừa có thông thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ lụt 2020. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 20 đến hết ngày 30/10.
Để kịp thời chia sẻ, động viên các em sinh viên trong nhà trường cùng gia đình vượt qua khó khăn do mưa lũ, Trường ĐH Kinh tế (Đại học Huế) phối hợp với Cộng đồng Khởi nghiệp Huế đã vừa tổ chức trao 200 suất quà đến sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong vùng lũ lụt với tổng giá trị là 30 triệu đồng. Ban lãnh đạo nhà trường cũng đã động viên các sinh viên cùng gia đình cố gắng vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định cuộc sống.
Ngoài mức hỗ trợ, nhiều trường đại học cũng xét tặng học bổng, giảm học phí cho sinh viên vùng lũ lụt miền Trung. Cụ thể, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) quyết định miễn giảm học phí cho các sinh viên có gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, lũ lụt. Mức hỗ trợ là 100% hoặc 50% học phí hệ chuẩn học kỳ một năm học 2020 - 2021, tùy theo mức độ thiệt hại. ĐH Kinh tế TP HCM sẽ hỗ trợ 50% học phí học kỳ cuối năm 2020 dựa trên mức học phí chương trình đại trà cho sinh viên các khóa 44, 45, 46 hệ đại học chính quy có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa kêu gọi cán bộ, nhà giáo, người lao động, các cấp lãnh đạo, công đoàn ĐH Quốc gia, đại học vùng; Công đoàn Cơ quan Bộ GD&ĐT; công đoàn các trường đại học, cao đẳng sư phạm và Công đoàn các đơn vị trực thuộc công đoàn giáo dục Việt Nam; Ban Giám đốc, Công đoàn giáo dục các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vận động ủng hộ, hỗ trợ các trường học, cán bộ, giáo viên, người lao động, học sinh, sinh viên các tỉnh miền Trung ảnh hưởng bởi lũ bão vừa qua khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.