Sinh viên quốc tế ảnh hưởng thế nào khi Harvard bị buộc dừng tuyển sinh?

Chính quyền Trump hôm 22/5 thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard, gây lo ngại sâu sắc về tác động đối với cộng đồng học thuật.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) ra lệnh chấm dứt chứng nhận thuộc Chương trình Sinh viên và Trao đổi (SEVP) của Harvard. Điều này khiến ngôi trường danh tiếng thuộc Ivy League không còn được phép tiếp nhận sinh viên quốc tế — hiện chiếm hơn 25% tổng số sinh viên toàn trường.

Động thái này làm leo thang căng thẳng giữa Harvard và Nhà Trắng, sau khi chính quyền Trump đóng băng khoản tài trợ liên bang trị giá 2,2 tỷ USD vì Harvard không chịu tuân theo các yêu cầu, bao gồm cải cách chương trình dành cho sinh viên quốc tế.

Harvard là trường đại học đầu tiên phản đối công khai những thay đổi chính sách mà chính quyền Trump áp đặt lên các trường đại học danh tiếng của Mỹ. Trường gọi hành động từ DHS là “trái pháp luật” và cam kết sẽ “nhanh chóng cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho cộng đồng (sinh viên và nhà nghiên cứu) của chúng tôi”

Một góc khuôn viên Harvard.

Một góc khuôn viên Harvard.

Sinh viên quốc tế tại Harvard chiếm tỷ lệ bao nhiêu?

Năm học 2024–2025, Harvard có 6.793 sinh viên quốc tế, chiếm khoảng 27% tổng số sinh viên. Tổng cộng, Harvard có gần 10.000 học giả và sinh viên quốc tế đến từ hơn 140 quốc gia.

Harvard tuyên bố cam kết duy trì khả năng tiếp nhận sinh viên và học giả quốc tế, nhấn mạnh họ là phần không thể thiếu trong sự đa dạng của trường và nước Mỹ.

Điều gì sẽ xảy ra với sinh viên quốc tế hiện tại ở Harvard?

Theo thư của Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem gửi Harvard, việc thu hồi chứng nhận SEVP có nghĩa là trường không được phép tuyển sinh hoặc duy trì các sinh viên có thị thực F-1 hoặc J-1.

Sinh viên quốc tế hiện đang theo học phải chuyển sang một trường khác được chứng nhận SEVP để duy trì tình trạng hợp pháp tại Mỹ.

Các trường phải cung cấp đầy đủ thông tin về sinh viên cho hệ thống SEVP, bao gồm nơi ở và tình trạng học tập.

Một số sinh viên bị hủy hồ sơ trong hệ thống SEVIS (hệ thống quản lý sinh viên quốc tế của DHS), nhưng sau đó được khôi phục. Luật sư Bradley Bruce Banias, người đại diện cho một số sinh viên khởi kiện chính phủ, nói rằng hành động này tiếp tục "ưu tiên chính trị hơn là pháp luật".

(Ảnh minh họa: Reuters)

(Ảnh minh họa: Reuters)

Động thái này có hợp pháp không?

Theo chuyên gia pháp lý của CNN, ông Elliot Williams, quyết định này nhiều khả năng sẽ đối mặt với thách thức pháp lý mạnh mẽ. Ông cho rằng chính quyền không tuân thủ đúng quy trình pháp lý trong việc thu hồi chứng nhận của một trường đại học.

Trong một vụ việc riêng rẽ, thẩm phán liên bang ở San Francisco hôm 22/5 ra lệnh tạm dừng quyết định hủy tình trạng hợp pháp của sinh viên quốc tế, cho rằng việc chấm dứt đột ngột như vậy là vô căn cứ.

Tuy nhiên, lệnh của tòa chỉ áp dụng cho từng trường hợp cụ thể, chưa rõ liệu Harvard có thể thắng kiện nếu quyết định mới nhất bị kiện ra tòa hay không.

Tác động đến nghiên cứu tại Harvard?

Nhiều giảng viên lo ngại rằng việc mất sinh viên quốc tế sẽ làm suy yếu năng lực nghiên cứu và học thuật của Harvard cũng như ảnh hưởng đến nền giáo dục Mỹ nói chung.

Người phát ngôn của trường, Jason Newton, gọi động thái này là một hành động trả đũa có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho Harvard và cả đất nước.

GS Jason Furman, cựu quan chức chính quyền Obama, nhận định: “Thật không thể tưởng tượng Harvard sẽ ra sao nếu không có những sinh viên quốc tế xuất sắc này. Họ là nguồn sáng tạo, đổi mới và là sức mạnh mềm của nước Mỹ".

Một số khoa tại Harvard, như Trường Y và Trường Y tế Công cộng, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc đóng băng tài trợ liên bang từ tháng trước, dẫn đến nguy cơ cắt giảm nhân sự và đóng cửa cơ sở nghiên cứu thuê ngoài.

Ảnh hưởng tài chính đối với Harvard?

Sinh viên quốc tế thường không nhận hỗ trợ tài chính liên bang và phải tự chi trả học phí cao, góp phần quan trọng vào nguồn thu của các trường đại học Mỹ.

Tuy Harvard sở hữu quỹ tài trợ lớn nhất nước — hơn 53,2 tỷ USD, phần lớn tài sản này bị ràng buộc pháp lý để duy trì lâu dài và không thể rút tùy ý như tài khoản ngân hàng. Khoảng 80% quỹ dùng cho học bổng, tài trợ nghiên cứu và các mục tiêu cụ thể khác.

Do đó, bị cắt tài trợ liên bang hoặc mất sinh viên quốc tế sẽ gây khó khăn tài chính thực sự, bất chấp quy mô quỹ tài trợ của trường.

Harvard có thể phục hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế?

Theo thư của Noem, Harvard chỉ có thể được phục hồi chứng nhận SEVP nếu cung cấp trong vòng 72 giờ các hồ sơ đầy đủ liên quan đến sinh viên quốc tế từng tham gia hoạt động bị cho là “bất hợp pháp” hoặc “nguy hiểm”.

Các tài liệu bao gồm: hình ảnh, video, kỷ luật nội bộ liên quan đến các cuộc biểu tình do sinh viên quốc tế tham gia. Cảnh báo cũng được đưa ra rằng việc cung cấp thông tin sai lệch có thể dẫn đến truy tố hình sự.

Phản ứng từ các bên liên quan

Abdullah Shahid Sial, đồng chủ tịch Hội sinh viên Harvard, cho biết anh đang hợp tác với nhà trường để hỗ trợ sinh viên quốc tế bị ảnh hưởng. Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ tại Harvard gọi quyết định của chính quyền Trump là “vi hiến” và “gây hoảng loạn”. Đại sứ Australia tại Mỹ cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc cho sinh viên nước mình.

Thông tin từ DHS khiến nhiều sinh viên quốc tế rơi vào hoang mang. Sarah Davis (Australia) lo sẽ không thể nhận bằng tốt nghiệp hoặc ở lại Mỹ làm việc do mất tư cách thị thực. Một số sinh viên khác, như Alfred Williamson (xứ Wales), đang cân nhắc chuyển trường.

Ella Ricketts (Canada) chia sẻ rằng việc buộc phải rời khỏi cộng đồng Harvard là một trải nghiệm "gần như không thể chịu đựng được". Genia Lukin (Israel) cho biết chính sách mới khiến cô thêm lo lắng, đặc biệt sau khi từng trải qua định kiến bài Do Thái tại trường.

Jose Ignacio Llodra (Chile) cảnh báo rằng nếu sinh viên quốc tế không còn, chương trình thạc sĩ tại Trường Kennedy sẽ “mất ý nghĩa hoàn toàn”. Maria Kuznetsova (Nga) đang tính chuyện chuyển sang châu Âu, lo ngại rằng nếu không chuẩn bị trước, sinh viên sẽ rơi vào thế bị động.

Caleb Thompson, một chủ tịch hội sinh viên người Mỹ, khẳng định lệnh cấm là “đòn tấn công không thể chấp nhận được” và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến đời sống sinh viên. Anh Williamson kết luận: “Chúng tôi như những quân cờ trong một ván cờ mà mình không thể kiểm soát".

Phương Anh (Nguồn: CNN, New York Times )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/sinh-vien-quoc-te-anh-huong-the-nao-khi-harvard-bi-buoc-dung-tuyen-sinh-ar944765.html