Sinh viên quốc tế tại trường Harvard sốc trước quyết định của Tổng thống Trump
Tại Đại học Harvard – ngôi trường đại học lâu đời nhất nước Mỹ, sinh viên quốc tế mô tả bầu không khí sợ hãi bao trùm sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách cấm trường này tuyển sinh viên nước ngoài.

Sinh viên tại Đại học Havard ở Cambridge, Massachusetts (Mỹ). Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ The Guardian ngày 23/5, tại những khu vực chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp cuối năm, nhiều sinh viên quốc tế cho biết họ đã rơi vào tình trạng “hoảng loạn hàng loạt” sau thông báo gây sốc ngày 22/5 từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Động thái này đã khiến nhiều chuyến bay về nước trong mùa hè bị hủy, sinh viên vội vàng tìm nơi ở để tiếp tục ở lại Mỹ trong kỳ nghỉ, thậm chí có người gấp rút tìm cách chuyển trường.
Ngày 23/5, Harvard đã khởi kiện vì cho rằng đây là hành vi vi phạm trắng trợn Hiến pháp Mỹ. Thẩm phán liên bang Allison Burroughs thuộc quận Massachusetts đã tạm thời ngăn Nhà Trắng thu hồi quyền tiếp nhận sinh viên quốc tế của Harvard. Sinh viên quốc tế chiếm khoảng 27% tổng số sinh viên Harvard, tương đương 6.700 người.
Trong lúc đang họp nhóm nghiên cứu, Genia Lukin – nghiên cứu sinh năm thứ ba người Israel thuộc khoa Tâm lý học của Harvard – nhận được tin này. Cô cho biết khoảnh khắc đó khiến cô sửng sốt và không tin nổi. Cô nói: “Rõ ràng là rất nhiều người cảm thấy vô cùng lo lắng, vô cùng hoang mang, bởi vì tình huống này xảy ra đột ngột đến mức hầu hết sinh viên quốc tế đều không thể lường trước được”.
Lukin nói thêm rằng mình đang ở trong trạng thái chờ đợi sau khi thẩm phán ban lệnh ngăn chặn quyết định trên, đồng thời đã hủy chuyến đi nước ngoài cùng chồng trong tương lai gần. Lukin nói: “Tình trạng bất định đang khiến mọi người phát điên. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Liệu chúng tôi có thể hoàn tất chương trình tiến sĩ từ xa không? Tôi đã rất nỗ lực để vào được chương trình này, nên nếu bị mất học vị tiến sĩ khi tôi đã đi được nửa chặng đường thì thực sự là thảm họa”.
Tuy nhiên, do lo sợ bị trả đũa sau hàng loạt chiến dịch chấn chỉnh sinh viên và giới học thuật trên khắp nước Mỹ, trong đố có vụ bắt giữ và giam giữ sinh viên đại học Rümeysa Öztürk ở Đại học Tufts gần Somerville vào tháng 3, nhiều sinh viên và cán bộ giảng viên đã yêu cầu giấu tên.
Một nữ sinh viên năm nhất người Ukraine, 24 tuổi, hiện là sinh viên đại học Harvard trong kỳ học và trở về quê nhà đang có chiến sự vào kỳ nghỉ, cho biết cô đã hoãn chuyến bay về gặp cha mẹ vì không chắc liệu mình có thể quay lại Mỹ hay không.
Cô nói: “Tôi thực sự bị sốc. Nếu tôi rời đi, tôi không chắc mình sẽ quay lại được. Tôi may mắn vì có chỗ ở suốt mùa hè nên nếu cần thì tôi có thể ở lại. Nhưng bạn bè tôi không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Một số người đang tính chuyện chuyển trường, nhưng thời gian chuyển trường gần như đã kết thúc”.
Cô nói thêm: “Vào được Harvard là một chuyện trọng đại, có thể thay đổi cả cuộc đời, nhưng tình huống này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Mọi chuyện đi ngược logic, nhưng ở Mỹ bây giờ, nhiều thứ lại đi ngược logic”.
Một nữ học giả đến từ Đại học Bắc Kinh, đang thực hiện chuyến nghiên cứu kéo dài 18 tháng để hoàn thành luận án tiến sĩ, cho biết cuộc chiến pháp lý là thật sự đáng sợ và mô tả tình trạng hoảng loạn tập thể trong nhóm bạn quốc tế của cô khi lệnh cấm được công bố ngày 22/5.
Nữ học giả này nói: “Chúng tôi thức trắng đêm để bàn bạc về các phương án, kế hoạch B. Tôi dự định sẽ sang Anh mùa hè này vì giáo sư của tôi có vị trí nghiên cứu tại Manchester. Nhưng giờ tôi lo mình sẽ không thể quay lại Mỹ. Tôi phải trở về Bắc Kinh để bảo vệ luận án tiến sĩ, nhưng nhiều sinh viên ở đây đã lên kế hoạch lâu dài để ở lại Mỹ. Harvard giống như một ngọn đèn đặc biệt soi sáng cho thế giới. Nếu Harvard gặp chuyện, điều đó khiến tôi sợ hãi”.
Một sinh viên cao học người Haiti, mới tốt nghiệp gần đây, cho biết một buổi họp do trường tổ chức để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của sinh viên đã có danh sách chờ lên tới 100 người chỉ trong vài phút. Trong khi đó, một nhóm trò chuyện nội bộ trong trường bùng nổ với hàng trăm tin nhắn chỉ trong một giờ.
Tuy nhiên, cô nói thêm rằng tuyên bố cứng rắn của ông Alan Garber – Chủ tịch Đại học Harvard – cùng với phán quyết của thẩm phán liên bang đã khiến cô hy vọng hơn. Cô nói: “Họ đang bảo vệ chúng tôi. Tôi phải tin rằng họ muốn điều tốt nhất cho tất cả chúng tôi”.
Một nhân viên hành chính sống trong khuôn viên trường và hỗ trợ sinh viên quốc tế nói: “Chuyện này thật khủng khiếp và gần như chắc chắn là bất hợp pháp. Có một cảm giác sợ hãi đang bao trùm trong trường. Thường thì sinh viên chỉ gặp những vấn đề học hành thông thường, nhưng khi thế giới bên ngoài đột ngột ập vào thì rất khó để biết cách giúp họ”.
Nhân viên này cũng nói rằng có một hiểu lầm rằng sinh viên quốc tế đều giàu có và có thể xoay xở dễ dàng khi việc học bị gián đoạn. Người này nói: “Tôi nghĩ rằng khoảng 50% trong số họ cần hỗ trợ tài chính lớn và Harvard có hệ thống hỗ trợ rất mạnh. Họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19. Có thể một số sinh viên có thể chuyển trường, nhưng cũng có thể họ không đủ tiền. Và họ đã đánh mất cơ hội chỉ có một lần trong đời”.
Trong thư gửi cộng đồng Harvard, ông Garber viết: “Chúng tôi lên án hành động bất hợp pháp và vô cớ này. Hành động này đe dọa tương lai của hàng nghìn sinh viên và học giả tại Harvard, đồng thời là lời cảnh báo đến vô số người khác tại các trường đại học trên toàn nước Mỹ – những người đã đến Mỹ để học tập và hiện thực hóa ước mơ”.