Sinh viên sáng chế Tàu tự hành AMV
Tàu tự hành AMV là sản phẩm của nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM (IUH).
Tàu tự hành AMV – Ngư trường không người lái sử dụng động cơ điện, tích hợp hệ thống cảm biến để tự động thu thập và phân tích dữ liệu môi trường tự động, hỗ trợ cảnh báo sớm cho người nông dân.
Tàu tự hành giám sát môi trường
Tàu tự hành AMV là sản phẩm của nhóm sinh viên gồm Vũ Phan Minh Hải, Lê Thị Kiều Tiên, Trần Minh Quân, Nguyễn Đình Minh Trí, Đỗ Thảo Linh, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM (IUH).
Phan Vũ Minh Hải - trưởng nhóm cho biết, hiện nay, các thiết bị quan trắc thông thường đòi hỏi nhiều công sức từ con người và dễ bị sai lệch do các yếu tố chủ quan trong quá trình đo đạc.
Hệ thống tàu tự hành này, được trang bị các cảm biến hiện đại, cho phép đo lường chính xác các thông số môi trường như nhiệt độ, độ pH, độ mặn, oxy hòa tan và nhiều yếu tố khác. Mục tiêu cuối cùng là tăng năng suất nuôi trồng và bảo vệ môi trường thông qua việc ứng dụng công nghệ tự động hóa tiên tiến.
Ngành thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước và tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các sự cố môi trường như hiện tượng cá chết hàng loạt do ô nhiễm đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi trồng.
Gần đây, vụ cá chết ở sông Thái Bình, Hải Dương cũng là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc giám sát và quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản.
Hệ thống tàu tự hành AMV của nhóm sinh viên được ra đời với mục đích giám sát môi trường ao nuôi tự động, phân tích thông minh và cảnh báo kịp thời, giúp người nuôi tăng năng suất và tiết kiệm chi phí.
Hệ thống tàu tự hành này có khả năng hoạt động liên tục 24/7, sử dụng cảm biến lidar và công nghệ xử lý ảnh để tự động hóa quá trình di chuyển. Hệ thống quan trắc của tàu tích hợp các cảm biến có độ bền cao, cung cấp kết quả đo lường chính xác các chỉ số chất lượng nước với chi phí thấp hơn nhiều so với các phương thức đo lường thủ công truyền thống.
Đặc biệt, tàu sử dụng động cơ điện thay thế động cơ diesel, giúp vận hành êm ái, không gây tiếng ồn và không phát thải ra môi trường. Hệ thống AMV còn ứng dụng công nghệ truyền thông Lora Wan, giảm thiểu chi phí kết nối so với Wifi hay 4G, đồng thời có khả năng kết nối nhiều trạm và truyền dữ liệu ở khoảng cách xa.
Hoạt động liên tục trong thời gian dài
Sản phẩm mẫu của hệ thống đã được thử nghiệm trong các điều kiện thực tế (thử nghiệm ở một số ao cá ở khu vực Quận 9, TPHCM và Đồng Nai), chứng minh khả năng hoạt động ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn về độ bền, có tiềm năng ứng dụng rộng rãi tại các khu vực nuôi trồng thủy sản.
Hệ thống quan trắc này cung cấp các thông số môi trường theo thời gian thực, từ nhiệt độ, độ pH, độ mặn, cho đến oxy hòa tan, cho phép người nuôi trồng theo dõi, phân tích, và dự báo xu hướng môi trường.
Điều đó giúp tối ưu hóa quy trình nuôi trồng, tăng năng suất và giảm thiểu rủi ro từ các sự cố môi trường. Hơn nữa, hệ thống có thể ứng dụng trong nhiều điều kiện khắc nghiệt, đặc biệt là môi trường nước mặn, như đã được triển khai thành công tại làng bè Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phan Vũ Minh Hải cho biết, quá trình thử nghiệm hệ thống tàu tự hành đã được tiến hành trong nhiều điều kiện khác nhau nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của sản phẩm khi triển khai thực tế.
Kết quả cho thấy hệ thống có khả năng hoạt động liên tục trong thời gian dài với độ sai số dưới 3m, đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe về quản lý môi trường trong ngành thủy sản.
Hệ thống cho phép người dùng giám sát các thông số môi trường theo thời gian thực, cung cấp cảnh báo kịp thời khi có bất thường về chất lượng nước. Đây là một bước tiến vượt bậc so với các phương pháp quan trắc thủ công truyền thống, giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa quá trình quản lý môi trường.
Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp các tính năng tiên tiến như lưu trữ dữ liệu kết nối linh hoạt với các hệ thống quản lý hiện có. Những tính năng này không chỉ hỗ trợ người dùng đưa ra quyết định chính xác và kịp thời mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành nuôi trồng thủy sản. Với khả năng tự động hóa cao, hệ thống tàu tự hành không đòi hỏi nhiều công sức từ người dùng, giúp tối ưu hóa quy trình quản lý và giám sát môi trường.
Ngư trường không người lái là hệ thống nổi bật với khả năng tự động điều hướng, thu thập dữ liệu môi trường, và truyền tải thông tin theo thời gian thực, giúp người nuôi kịp thời phát hiện các bất thường và đưa ra biện pháp xử lý hiệu quả.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-sang-che-tau-tu-hanh-amv-post697822.html