Sinh viên 'Tây' ăn Tết 'ta' sớm
Trước Tết nguyên đán, nhiều trường ĐH Việt Nam đã tổ chức cho sinh viên Tây trải nghiệm Tết 'ta' với rất nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn.
"Tết Việt" là chương trình thường niên do Trường ĐH Hà Nội tổ chức nhằm giúp sinh viên nước ngoài hiểu hơn về Tết nguyên đán ở Việt Nam.
Hiện, trường có khoảng 1.000 lưu học sinh đến từ 30 quốc gia. Hầu hết học tập tại khoa Việt Nam học. Năm nay, trường có hơn 200 lưu học sinh ở lại đón Tết tại Việt Nam.
Trong không khí Tết, các lưu học sinh đã được đắm mình vào một không gian, không khí Tết cổ truyền của người Việt vừa ấm áp vừa tưng bừng, hào hứng phấn khởi.
Những tiết mục văn nghệ mang đậm hương sắc mùa xuân - mùa của sự sinh sôi, nảy nở, mùa của sự sống dâng trào khắp nơi nơi. Chương trình đố vui có thưởng đã giúp các em được tìm hiểu về phong tục truyền thống của người Việt vào dịp Tết như: phong tục tiễn Táo quân về trời, phong tục gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, phong tục xông đất đầu năm, phong tục lên chùa hái lộc, phong tục mừng tuổi…
Mỗi lưu học sinh là một bản sắc, một giọng điệu khác nhau, có những bạn mới sang nhập học, phát âm còn chưa chuẩn khi tham gia trả lời đố vui nhưng trên tất cả là sự hào hứng tham gia, là sự nỗ lực phát huy những kiến thức về văn hóa các em đã được học và niềm hân hoan khi được nhận những phong bao lì xì may mắn.
Ấn tượng nhất đối với các lưu học sinh có lẽ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Sân trường trở thành một lễ hội truyền thống thu nhỏ ở làng quê với những chiếc lều tre, bánh pháo tét đỏ tươi, cây rơm vàng óng, gánh hàng hoa…
Được trải nghiệm, khám phá trực tiếp những nét đặc sắc nhất, hồn cốt nhất của Tết cổ truyền người Việt, nhiều lưu học sinh bất ngờ, thích thú. Những khuôn mặt đến từ nhiều sắc tộc khác nhau đang háo hức đứng xếp thành hàng dài chờ đến lượt chơi trò bịt mắt đập vỡ niêu đất. Mỗi khi có bạn thành công khi đập vỡ được niêu, tiếng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt vang cả một góc sân.
Chút tò mò xen lẫn cảm giác e ngại, sợ hãi khi tham gia trò chơi nhảy sạp. Những bạn nhảy thuần thục đúng nhịp không ngại ngần nắm tay dạy các bạn lần đầu nhảy sạp. Những chiếc bánh chưng xếp thành chồng, có cái vuông vắn, cái lại méo góc,có cái đủ gạo, cái lại quên nhân, cái lạt buộc lỏng lẻo… nhưng bạn nào cũng nâng niu, tự hào vì đó là thành quả lần đầu được học gói bánh chưng.
Nhóm xin chữ và câu đối thì xúm quanh ông đồ già, háo hức nhìn nét bút lông mềm mại lướt trên giấy, nhóm học nặn tò he say mê ngồi nặn những con vật ngộ nghĩnh với đủ màu sắc khác nhau… Mọi khoảng cách về không gian địa lý, văn hóa sắc tộc đều bị xóa nhòa, chỉ còn lại niềm vui hân hoan trên mỗi khuôn mặt, tình cảm nồng ấm.
Cho gạo, đỗ, thịt lợn vào giữa chiếc lá dong, một lưu học sinh vụng về vo tròn chiếc lá dong. Lưu sinh viên không biết làm sao để chiếc bánh ra hình vuông và buộc lạt như thế nào cho đúng dù đã lần thứ ba tham gia hoạt động này tại trường. Lưu học sinh này cho biết ngay năm đầu tiên đến Việt Nam, được hướng dẫn làm bánh chưng nhưng thực sự rất khó, đòi hỏi phải kỹ thuật. Bánh chưng là món ăn ngon và đặc trưng trong dịp Tết của người Việt.
Chào đón Xuân mới Canh Tý 2020, tại một số cơ sở giáo dục thành viên của ĐH Thái Nguyên đã tổ chức chương trình vui Tết Việt 2020 cho các sinh viên quốc tế đang theo học tại đơn vị.
Đây là dịp để sinh viên quốc tế tới từ 16 quốc gia đang sinh sống và học tập tại ĐH Thái Nguyên cùng nhau sum vầy, tìm hiểu và trải nghiệm về các nét văn hóa Việt Nam trong không khí hân hoan chờ đón Tết đến, Xuân về.
Với các trải nghiệm ngày Tết như tập gói bánh trưng, chuẩn bị các món ăn, trang trí không gian Tết, vui xuân với các trò chơi dân gian đã thực sự mang lại cho sinh viên quốc tế đang học tập tại đây những giây phút vui tươi, trải nghiệm hương vị ngày Tết.
Các lưu học sinh khoa Quốc tế còn được TS. Hà Xuân Linh – Trưởng khoa hướng dẫn gói bánh chưng.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/sinh-vien-tay-an-tet-ta-som-1512142.tpo