Sinh viên thu, đổi vỏ mì tôm lấy chỉ tiêu 'Tình nguyện tốt'
Hoạt động thu, đổi vỏ mì tôm của sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) với mục đích quảng bá hình ảnh đẹp của đoàn viên, sinh viên thông qua các hoạt động tình nguyện thiết thực và gần gũi, tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, mỗi cá nhân thu gom đủ 10 vỏ mì tôm sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành tiêu chí 'Tình nguyện tốt' trong bộ tiêu chí 'Sinh viên 5 tốt'.
Dự án “Thu gom vỏ mì tôm gói” bắt đầu hoạt động từ những ngày đầu tháng Tư, khi cả nước tiến hành giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây nhiễm COVID-19. Hoạt động là một phần của “Lớp tôi tình nguyện” nằm trong cuộc thi “Lớp tôi là số một” của Hội Sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) tới sinh viên và giảng viên trong trường, đặc biệt nhằm hướng đến các hoạt động bảo vệ môi trường.
Nhận thấy tâm lý tích trữ lương thực, mì tôm, gạo, đồ hộp… sẽ thải ra môi trường các thứ vỏ bao mì, bì gạo, lon nước ngọt, giấy báo các loại, nhóm đã nảy sinh ý tưởng thu gom và tái chế.
Chị Hoàng Thị Thảo, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH KHXH&NV cho biết: Đây là một trong những hoạt động tình nguyện của Hội Sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội). Mỗi cá nhân thu gom đủ 10 vỏ mì tôm trong thời gian quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành tiêu chí “Tình nguyện tốt” trong bộ tiêu chí "Sinh viên 5 tốt".
Mục đích nhằm bảo vệ môi trường, quảng bá hình ảnh đẹp của đoàn viên, sinh viên thông qua các hoạt động tình nguyện thiết thực và gần gũi, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.
Nằm trong chuỗi hoạt động “Lớp tôi là số 1” năm 2020, với chủ đề “Vỏ hay Bỏ?”, chương trình phối hợp cùng dự án “Dũng sĩ tái chế” giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, hướng đến thay đổi hành vi của sinh viên tạo một môi trường sống trong sạch, thân thiện.
Ngoài ra, các sản phẩm được tái chế từ vỏ mì tôm do các trẻ em khiếm thính làm sẽ được bán gây quỹ bảo vệ môi trường. Quỹ này dùng để trồng cây, duy trì hoạt động tái chế, tổ chức các buổi tọa đàm, sự kiện về môi trường và truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng.
Dù mới bắt đầu nhưng dự án nhận được sự hưởng ứng của nhiều sinh viên ủng hộ lối sống xanh. Cùng với các chuỗi sự kiện, tọa đàm về chủ đề môi trường, biến đổi khí hậu, sống xanh… Hoạt động này kỳ vọng góp phần lan tỏa, kết nối và phát triển mạng lưới bảo vệ môi trường ngày một lớn mạnh trong sinh viên ĐHQG Hà Nội.