Sinh viên tranh tài tại vòng chung kết cuộc thi an toàn thông tin Việt Nam
Cuộc thi là sân chơi hấp dẫn dành cho sinh viên các trường ĐH trên cả nước yêu thích công nghệ thông tin cũng như an toàn, an ninh thông tin...
Ngày 16/9, tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng sẽ diễn ra vòng chung kết cuộc thi an toàn thông tin Việt Nam - Digital Dragons: The Cybersecurity Challenge 2023.
Theo Ban tổ chức, cuộc thi thu hút 100 đội thi với 500 sinh viên đến từ các Trường đại học trên toàn quốc như: Trường VKU, Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Đại học Duy Tân, Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện Bưu chính, Viễn thông, Đại học FPT, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Quy Nhơn…
Cuộc thi được tổ chức gồm 4 vòng thi sơ loại, tứ kết, bán kết (bằng hình thức trực tuyến). Vòng chung kết được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Trường VKU.
Tại vòng chung kết, 5 đội thi gồm: r3kapig (Đại học Duy Tân), đội PepeAgane (Trường Đại học Bách khoa- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), đội A.k.a.t.s.u.k.i và đội Ctrl Shift N (Phân hiệu Học viện Kỹ thuật mật mã tại TP. Hồ Chí Minh), đội P3 (Trường Đại học Công nghệ thông tin- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã thi đấu trực tiếp với nhiều thử thách trong việc xâm nhập ứng dụng web, mạng, kỹ thuật mật mã, thuật toán đảo ngược, lỗ hổng XXE (XML External Entity), khai thác nhị phân, mật mã học nâng cao và kịch bản trong thế giới thực (Real-World Scenarios), với tổng thời gian thi đấu là 4 giờ đồng hồ.
Kết quả, Ban tổ chức trao giải nhất cho đội P3 với số tiền thưởng 1.500 USD. Giải nhì phần thưởng 750 USD cho đội r3kapig; giải ba 350 USD thuộc về đội PepeAgane.
TS. Trần Thế Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường VKU, Trưởng Ban tổ chức cho hay, cuộc thi không chỉ là cơ hội để thể hiện tài năng và sáng tạo cho sinh viên mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức về an toàn thông tin trong cộng đồng. Trong thời đại kỹ thuật số ngày càng phát triển, thông tin và dữ liệu trở thành tài sản quý giá, đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu và nắm vững kiến thức về an toàn thông tin. Tuy nhiên, sự tiến bộ của công nghệ cũng tồn tại những rủi ro và mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp.
“Chúng tôi tin rằng cuộc thi sẽ trở thành một môi trường cạnh tranh lành mạnh và sáng tạo, giúp các bạn rèn luyện kỹ năng, mở rộng kiến thức và khám phá những giải pháp đột phá trong bảo vệ an toàn thông tin”, TS Trần Thế Sơn nhấn mạnh.