Sinh viên tranh thủ đi làm thêm để tiện xem World Cup
Trong tâm thế là người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, nhất là những trận cầu đinh, Phương phải thu hẹp thời gian nghỉ ngơi, hôm sau phải bù năng lượng bằng nhiều cách khác nhau.
Với niềm đam mê bóng đá, Trần Phương (sinh viên năm ba, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) quyết định làm thêm tại một quán cà phê vừa kiếm thêm thu nhập, vừa thỏa mãn niềm đam mê xem bóng đá.
Theo lịch thi đấu World Cup 2022, các trận đấu diễn ra vào 4 khung giờ Qatar là 13h, 16h, 19h và 22h (tương ứng 17h, 20h, 23h và 2h theo giờ Việt Nam). Ngoài các khung giờ này, nam sinh có thể sắp xếp được lịch trình phù hợp để không ảnh hưởng đến việc học. Phương tranh thủ vừa làm vừa xem. 23h, kết thúc ca làm, cậu tranh thủ ôn bài 1h-2h rồi đi ngủ.
Tranh thủ vừa làm việc vừa xem
Dành tình cảm đặc biệt với môn thể thao vua, Phương không hứng thú với việc xem qua laptop hay điện thoại, điều này khiến cậu lựa chọn một công việc làm thêm vừa giúp nâng cao thu nhập, vừa thỏa mãn niềm đam mê xem bóng đá.
"Đây cũng là thời điểm cận Tết, với mức lương 23.000 đồng/giờ, mình nghĩ nó đáp ứng được một phần chi phí sinh hoạt, làm thêm lâu dài và thỏa mãn niềm đam mê bóng đá", Phương nói.
Nhận làm vị trí nhân viên phục vụ bàn, Phương có thể dễ dàng kết hợp vừa làm vừa xem. Đặc biệt, nam sinh được chủ quán tạo điều kiện ngoài giờ để cậu không bỏ lỡ những trận bóng yêu thích.
Những trận lúc 2h, Phương chỉ xem những đội bóng yêu thích. Có những hôm, nam sinh xem một mạch 2-3 trận và ngủ bù vào hôm sau nhờ trống lịch học. Những hôm trùng lịch, Phương phải cân nhắc xem trận nào, bỏ trận nào.
Phương lấy ví dụ trận đấu giữa đội tuyển Bồ Đào Nha và Ghana hôm 24/11, nam sinh phải thức đến 4h. Sáng dậy đi học, Phương trong trạng thái lờ đờ, mệt mỏi. Những hôm đó, cậu bạn thường lấy lại tinh thần bằng cách uống cà phê, nước tăng lực hoặc ăn thêm bún, cơm vào bữa sáng để giúp cơ thể tránh mệt mỏi, mất sức cả ngày.
Phương cho rằng đây không phải cách sinh hoạt tốt cho sức khỏe, nhưng vì không muốn lỡ những trận bóng hay, cậu đành chấp nhận. Đặc biệt, trong tâm thế là người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, nhất là những trận cầu đinh, Phương phải thu hẹp thời gian nghỉ ngơi, hôm sau phải bù năng lượng bằng nhiều cách khác nhau.
Nguyễn Hải, sinh viên năm 3 tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Cận Tết, Hải tranh thủ đi làm thêm với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng tại một quán ăn. May mắn, đây cũng là thời điểm World Cup được tổ chức, điều này khiến cậu vừa tận dụng đi làm kiếm thu nhập, vừa tận hưởng bầu không khí bóng đá tại giải đấu lớn nhất hành tinh.
Hải cân bằng lịch học buổi sáng, buổi chiều làm 17h30-23h. Khi xong việc, Hải ở lại ăn uống và theo dõi những trận bóng đêm. Những ngày này, nam sinh thường xuyên phải tăng ca, thu nhập của cậu vì thế cũng gấp 2 lần ngày thường.
Hải kể các trận đấu diễn ra trong khung giờ đẹp như 17h, 20h, 23h nên chắc chắn "được lòng" người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam. Số lượng khách những khung giờ này cũng chật kín cả cửa hàng.
Có những hôm biết sẽ phải thức đến 2h-3h, Hải sắp xếp, hoàn thành việc học trước để hôm sau tập trung đi học. Đối với trận không quan trọng, nam sinh nghỉ ngơi sớm và theo dõi lại vào hôm sau thông qua tin tức trên mạng xã hội.
"Vì lịch các trận bóng khác nhau, mình cân đối được lịch học và làm thêm. Trường gần cũng là lợi thế khiến mình không bị ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập. Tuy nhiên, sức khỏe và học tập là hai điều mình luôn đề cao", Hải chia sẻ.
Muôn kiểu tận hưởng không khí bóng đá
Ở ký túc xá không gian hạn chế, Hải không muốn bó hẹp tinh thần thể thao, cậu kể nhiều khi muốn hô to sợ ảnh hưởng đến các phòng bên cạnh. Nếu ăn mừng, chỉ khoảng 1-2 người bạn và bị gò bó bởi nhiều thứ xung quanh.
"Thi thoảng xem bằng điện thoại mạng yếu, âm thanh không tốt, cả đám bất lực vì chẳng thể làm gì được", Hải nói.
Hải kể có những trận đội bóng cả nhóm đều yêu thích, mọi người hay họp nhau tại một phòng rồi tập trung ra quán ăn, cà phê gần đó, thỉnh thoảng chi tiền mua mấy gói ngô, lạc ngồi dọc vỉa hè xem "ké" màn hình lớn ở các quán.
Không chỉ người trẻ, đa số các bạn sinh viên đều chọn cách xem bóng đá World Cup ở ngoài quán, đường xá để tận hưởng bầu không khí náo nhiệt. Hàng quán những ngày này vì thế cũng nhộn nhịp, đông vui không kém.
Việc lựa chọn xem bóng tại nơi làm việc cũng khiến tinh thần Nguyễn Hải và Trần Phương được thoải mái. Hai nam sinh có cơ hội được hò reo mà không ảnh hưởng đến người xung quanh.
"Cảm giác xem bóng đá tại nơi làm việc cũng thật thích thú. Nó tạo cảm giác sôi động, tính cộng đồng cũng được trỗi dậy", Phương nói
Vốn là "fan cuồng" của đội tuyển Brazil từ lâu, Hải cho rằng đội bóng năm nay quy tụ những ngôi sao trẻ, phong độ khi có trận mở màn áp đảo. Cậu bạn cũng đặt niềm tin đội bóng năm nay sẽ vô địch World Cup 2022.
Thể hiện tình yêu với trái bóng bằng cách khác, Nhật Anh (Hoàng Mai, Hà Nội), chạy xe 15 km cùng bạn để mua chiếc cúp vàng World Cup "made in Việt Nam" được sản xuất bằng chất liệu gốm.
Bốn năm mới có một lần, Nhật Anh háo hức đợi chờ những trận bóng đỉnh cao, nam sinh cũng mong muốn chiếc cúp này sẽ là món quà tinh thần, đồng hành với niềm đam mê bóng đá trong kỳ World Cup năm nay của cậu.
"Giá thành chiếc cúp rẻ nên phù hợp với túi tiền sinh viên, mình sẽ để nó tại bàn học, hay cạnh tivi mỗi khi xem các trận bóng. Điều này sẽ thấy được tinh thần bóng đá ở khắp mọi nơi", Nhật Anh hào hứng.
Ngoài ra, Nhật Anh đã treo sẵn lịch thi đấu của các đội tuyển tại phòng trọ, ghi chú lại những trận bóng hay, hay cài đặt giờ thi đấu của những đội bóng mà cậu yêu thích.