Sinh viên trẻ với giải pháp hỗ trợ bệnh nhân giao tiếp bằng mắt
Với mong muốn giúp người bệnh bị hạn chế khả năng giao tiếp có thể thuận tiện biểu đạt ý muốn, Nguyễn Cao Gia Huy - 20 tuổi, sinh viên ngành Ðiện Công nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Ðà Lạt đã biến những trăn trở của mình thành hiện thực - Một thiết bị hỗ trợ bệnh nhân giao tiếp bằng mắt.
Đây đã là lần thứ 4 ông của Huy tái phát tai biến, căn bệnh khiến ông không thể đi lại, mọi nhu cầu cá nhân, sinh hoạt đều phải nhờ vào người thân. Mỗi lần cần trợ giúp, ông lại nhọc nhằn “ú ớ” diễn đạt ý muốn.
Những lần chứng kiến tình cảnh đó, Huy lại trăn trở suy nghĩ tìm kiếm một giải pháp để giúp ông cũng như những người bệnh khác vơi bớt đi khó khăn này. Vốn là một sinh viên ngành điện, hàng ngày tiếp xúc với các thiết bị điện, điện tử, Huy chợt nghĩ về một giải pháp giúp người bệnh diễn tả ý muốn của mình qua cử động mắt.
Có ý tưởng, nhưng để hiện thực hóa sáng kiến này lại là một câu chuyện dài khác. Nhiều thứ cần phải làm, không biết bắt đầu từ đâu, Huy chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp từ thầy Trương Duy Việt - Giám đốc Trung tâm Đánh giá kỹ năng và ứng dụng công nghệ - Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, để có được hướng đi khả thi.
Sau khi được thầy Việt hướng dẫn những tài liệu, kiến thức liên quan cần tìm hiểu, Huy bắt đầu nghiên cứu, đọc tài liệu, học từ những kiến thức cơ bản. “Để viết được thuật toán này, em bắt đầu lập trình từ cơ bản đến nâng cao, nhận diện từ khối hình đến vật chuyển động, đến nhận diện khuôn mặt và sau cùng đến nhận diện từ mắt” - Huy nói.
Với tinh thần ham học hỏi, ý chí kiên định cùng sự định hướng của thầy và hỗ trợ từ các bạn, sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu và phát triển, cuối cùng Huy cũng đã hoàn thiện giải pháp của mình - hệ thống bao gồm camera, bộ vi xử lý và một thuật toán thông minh để nhận dạng chuyển động mắt người bệnh, từ đó giúp các y, bác sĩ dễ dàng hiểu yêu cầu của bệnh nhân.
Để yêu cầu sự trợ giúp của người thân hoặc bác sĩ, người bệnh sẽ chớp mắt tương ứng với các lệnh được hiển thị trên màn hình như khát nước, đói bụng, nhu cầu cá nhân, cần gặp người thân, cần gặp bác sĩ... Hệ thống sẽ tiếp nhận và nhắn yêu cầu đến điện thoại của người chăm sóc; thậm chí, hệ thống có thể tự động thực hiện các thao tác như nâng, hạ giường bệnh, đưa nước cho bệnh nhân.
Với những tính năng này, người bệnh sẽ không còn cảm thấy khó khăn, cô đơn và bất lực khi cần trợ giúp. Bệnh nhân có thể chủ động trong một số hoạt động chăm sóc cá nhân cơ bản. Còn đối với bác sĩ và người thân cũng có thể đỡ phần nào khó khăn, vất vả khi chăm sóc người bệnh.
Thiết bị có ưu điểm nhỏ gọn, chi phí vừa phải, có khả năng hỗ trợ người bệnh liên tục 24/24. “Với công nghệ hiện có, em tin rằng sản phẩm này sẽ có tính khả thi - sản phẩm có thể ứng dụng được và có giá thành không quá cao”- Huy chia sẻ.
Mới đây, sản phẩm của Huy cũng đã xuất sắc vượt qua hàng trăm đối thủ trên cả nước giành giải Ba Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite 2021” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức. Đây cũng chính là thành quả khởi đầu cho chặng đường sáng tạo tuổi trẻ.
Có được kết quả hiện tại chính là dấu mốc khởi đầu để Huy đi theo lý tưởng của mình, như thầy Việt vẫn thường chia sẻ với học trò: “Không thành công thì cũng thành nhân” - Sản phẩm thành công thì đó là một dấu mốc ấn tượng, nhưng nếu sản phẩm không thành cũng chính là bài học quý trên con đường trưởng thành. Khi đó, chúng ta rút ra được bài học gì, trau dồi được kiến thức nào và tôi luyện được một tinh thần thép mới là điều quan trọng.
Chia sẻ về những dự định tương lai, Huy cười nói với đôi mắt sáng nhiệt huyết của tuổi trẻ: “Đến hiện tại, mô hình này chỉ mới thử với người khỏe mạnh. Sắp tới, em sẽ cùng thầy Việt phối hợp với các bệnh viện và những gia đình có bệnh nhân bị liệt, khó khăn trong việc nói để thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm. Từ đó, mục tiêu cuối cùng là thương mại hóa sản phẩm”.