Sinh viên Việt Nam giao lưu với Giáo sư đoạt Giải Nobel Y học năm 2008
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam mới đây, GS Françoise Barré-Sinoussi – nhà khoa học đoạt Giải Nobel Y học năm 2008 cho công trình nghiên cứu tìm ra virus HIV đã có buổi tọa đàm giao lưu với sinh viên và giảng viên trường ĐH Văn Lang.
Tại buổi giao lưu, GS Françoise Barré-Sinoussi đã nhận nhiều câu hỏi đến từ các bạn sinh viên và các khách mời.
Nói về triển vọng trong điều trị và phòng ngừa HIV, GS Barré-Sinoussi cho rằng, hiện nay đã có thuốc điều trị HIV nhưng không chữa khỏi hoàn toàn. Người nhiễm bệnh có thể sống như người bình thường nếu được phát hiện và điều trị theo phác đồ từ rất sớm.
Theo GS Barré-Sinoussi, điều quan trọng nhất là phải tìm ra loại thuốc tách virus HIV ra khỏi con người nhưng hiện nay giới y học chưa đạt được trình độ đó.
“Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang tìm cách để cơ thể con người có cơ chế phản vệ, hạn chế đưa quá nhiều thuốc vào cơ thể để chống lại virus này. Sắp tới có thể cô lập virus HIV để nó không thể lây lan, phát triển hơn được nữa. Có những trường hợp mang virus HIV trong người rất lâu, tuy nhiên cơ thể họ không cần thuốc nhưng vẫn tự ngăn chặn sự lây lan của virus. Tỉ lệ này rất thấp, dưới 0,5 % và họ là đối tượng nghiên cứu của khoa học...”, GS Barré-Sinoussi chia sẻ.
Trả lời câu hỏi các nhà khoa học có tạo ra một loại vắc xin để khống chế HIV như đã từng tạo ra vắc xin để khống chế virus corona SARS-CoV-2 trong đại dịch COVID-19, GS Barré-Sinoussi chia sẻ: “HIV có cấu trúc không đơn giản như virus corona SARS-CoV-2, người bệnh sẽ nhiễm vô số virus HIV với nhiều thể loại khác nhau. Trong quá trình nhiễm bệnh, virus lây lan và phát triển, liên tục thay đổi. Hiện nay, điều các bác sĩ quan tâm không phải độ nặng nhẹ của bệnh mà là phản ứng của cơ thể đối với quá trình điều trị. Bác sĩ sẽ đánh giá phản ứng này để đưa ra liệu trình điều trị phù hợp với tiến triển của bệnh”.
Bên cạnh đó, GS Barré-Sinoussi cũng cho rằng, hiện nay, tại Việt Nam virus HIV đang phát triển rất nhanh ở nhóm đồng tính nam (MSM). Do đó, ngành y tế trong nước phải tiến hành việc tìm ra virus HIV sớm và theo dõi từng cá nhân để có những phát đồ điều trị phù hợp. Phác đồ điều trị ở Việt Nam và trên thế giới hiện chưa được khai thác triệt để. Nếu khai thác triệt để sẽ điều trị được hơn 90%.
Trước đó, vào tháng 7/2022, trường ĐH Văn Lang đã kết nối với GS Françoise Barré-Sinoussi thực hiện bài giảng đại chúng “Bài học từ HIV/AIDS: Điểm mạnh và điểm yếu trong ứng phó với đại dịch COVID-19”, chia sẻ góc nhìn thú vị về những vấn đề y học lớn của thời đại, với sự tham dự đông đảo của sinh viên, giảng viên, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu và quản lý y tế.
Trong sự nghiệp hơn 40 năm nghiên cứu khoa học, GS Françoise Barré-Sinoussi là tác giả, đồng tác giả của 270 bài báo khoa học, hơn 250 bài tham luận tại các hội nghị khoa học, và 17 bằng sáng chế. Bà được trao nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế lớn cho những đóng góp cho khoa học, trong đó có Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cao quý. Bà còn là giáo sư danh dự và cố vấn khoa học của nhiều trường đại học trên thế giới, giữ nhiều trọng trách quan trọng trong các tổ chức khoa học quốc tế: Thành viên Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Pháp, Viện Hàn lâm Y học quốc gia Hoa Kỳ, Viện Hàn lâm Vương quốc Bỉ; Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế Phòng chống AIDS (IAS), Hiệp hội Đấu tranh chống AIDS (Sidaction), Chủ tịch Danh dự Mạng lưới Quốc tế về Virus học...
Năm 2009, bà nhận kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”. Năm 2011, GS Françoise Barré-Sinoussi được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp đặc biệt trong xây dựng và phát triển nền y sinh học Việt - Pháp và khống chế đại dịch HIV/AIDS. Đây là huân chương cao quý nhất của Việt Nam dành cho người nước ngoài.