Sinh viên vùng biên giới Nga-Ukraine nghĩ gì về nguy cơ xung đột, chiến tranh?

Các sinh viên ở tỉnh Rostov (Nga), giáp biên giới Ukraine, có những cái nhìn khác nhau về việc Nga công nhận nền độc lập của hai thực thể ly khai ở miền đông Ukraine.

Đêm 21-2 (sáng 22-2, giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) - hai nước cộng hòa ly khai tự xưng ở miền đông Ukraine. Quyết định này đã làm tình hình ở miền đông Ukraine càng thêm phức tạp.

Sinh viên Nga: Người ủng hộ ông Putin, người lo ngại chiến tranh

Chia sẻ với PV hôm 22-2 về động thái này, anh S. I. - một sinh viên người Nga tại một trường đại học ở tỉnh Rostov (Nga, giáp biên giới Ukraine), cho biết anh hoàn toàn ủng hộ quyết định của Kremlin công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk.

Anh S. I. cho rằng quyết định của Nga thể hiện sự ủng hộ đối với khao khát được độc lập của người dân ở hai khu vực ly khai này. Đồng thời, người này cũng đồng tình với quyết định đưa quân đội Nga sang hỗ trợ lực lượng dân quân ở Donetsk và Luhansk.

Sân của một CLB thể thao ở tỉnh Rostov được dùng làm nơi ở cho những người di tản từ Donbass. Ảnh: TASS

Sân của một CLB thể thao ở tỉnh Rostov được dùng làm nơi ở cho những người di tản từ Donbass. Ảnh: TASS

Khi được hỏi về nguy cơ xung đột leo thang thành chiến tranh toàn diện giữa Nga và Ukraine, anh S. I. tương đối lạc quan rằng sẽ không có chiến tranh quy mô lớn vì “đàm phán, đối thoại là có lợi (cho cả hai bên - PV), còn chiến tranh thì không”.

Trong khi đó, chị D. A., một sinh viên người Nga ở cùng trường, lại không ủng hộ quyết định của ông Putin. Nữ sinh này lo ngại các động thái của Moscow có thể dẫn tới tình trạng lạm phát, giảm mức sống người dân và tệ hơn là sự sụp đổ của nền kinh tế Nga.

Chị D. A. cũng lưu ý rằng căng thẳng “đang dâng cao và rất đáng báo động”. Chị đã nghĩ tới viễn cảnh bi quan rằng người dân Nga có thể sẽ không bao giờ trở lại cuộc sống bình thường nếu xung đột không được giải quyết ổn thỏa.

Chị D. A. nói rằng bản thân chỉ là một công dân bình thường với mong muốn chính quyền Nga không có các hành động làm giảm mức sống hoặc đe dọa sự an toàn, tính mạng của người dân. Chị hy vọng sẽ có giải pháp hòa bình, song không loại trừ nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine.

“Tôi muốn tin vào điều tốt đẹp nhất” - chị D. A. nhấn mạnh.

Sinh viên Luhansk: NATO, Ukraine buộc Nga phải hành động để phòng vệ

Một sinh viên đến từ Luhansk, cũng đang sống và học tập tại Rostov, cho biết anh “hạnh phúc” khi nghe tin Nga đã công nhận nền độc lập của nước cộng hòa này.

Người dân ở Donetsk (trong khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát) ăn mừng việc được Nga công nhận là một quốc gia độc lập. Ảnh: RIA NOVOSTI

Người dân ở Donetsk (trong khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát) ăn mừng việc được Nga công nhận là một quốc gia độc lập. Ảnh: RIA NOVOSTI

Sinh viên này nhấn mạnh rằng tại Donetsk và Luhansk, người dân cũng vui mừng vì quyết định này. Đặc biệt, tại Donetsk đã diễn ra “các hoạt động ăn mừng như lễ hội” khi người dân tụ tập reo hò với pháo hoa, cờ Nga và cờ Donetsk.

Suy đoán về nguyên nhân cho quyết định của Nga, thanh niên Luhansk này cho rằng việc Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tập trung lực lượng ở các nước gần Nga như Ba Lan hay ba nước vùng Baltic, cũng như việc quân đội Ukraine - như cáo buộc của Nga và Donetsk, Luhansk - tấn công vào vùng lãnh thổ do các lực lượng ly khai kiểm soát đã buộc Nga “phải hành động để bảo vệ chính mình và bảo vệ Donetsk, Luhansk”.

Người này cũng lạc quan rằng sẽ có thêm các quốc gia khác sẽ công nhận nền độc lập của Donetsk, Luhansk. Tính tới ngày 22-2, Syria - đồng minh quan trọng của Nga ở Trung Đông - là nước ủng hộ mạnh mẽ và rõ ràng nhất quyết định của Moscow. Các đồng minh khác của Nga như Belarus, Kazakhstan hay Nicaragua cũng có những tuyên bố đứng về phía Nga trong vấn đề miền đông Ukraine ở các mức độ khác nhau, theo tờ The Moscow Times.

Về nguy cơ leo thang chiến tranh, sinh viên đến từ Luhansk này nghĩ rằng sẽ không có chiến tranh khi mà chính quyền Kiev hiểu rõ thực tế là Nga đã công nhận nền độc lập và thiết lập hợp tác quân sự với Donetsk và Luhansk, đồng nghĩa với việc Moscow chắc chắn sẽ hỗ trợ hai nước cộng hòa ly khai này. Người này nhấn mạnh niềm tin rằng ngay cả khi có chiến tranh, Nga sẽ không phải là bên nổ súng trước mà chỉ hành động đáp trả sự khiêu khích của Ukraine.

Từ ngày 21-2, một trường đại học tại TP Rostov-on-Don, cách biên giới Nga - Ukraine khoảng 70 km) đã thông báo tiếp nhận sự đóng góp của người dân địa phương để hỗ trợ những người được di tản từ vùng Donbass (miền đông Ukraine) sang. Một trường đại học khác cùng TP đã kêu gọi tình nguyện viên tham gia hỗ trợ người dân vùng Donbass di tản sang.

Tuy nhiên, các biến động chính trị trong khu vực có vẻ chưa ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của sinh viên ở đây. Ngày 23-2 - ngày Chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, sinh viên và người lao động Nga sẽ được nghỉ theo luật định. Dự kiến, mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường vào ngày 24-2.

VĂN KIẾM

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/sinh-vien-vung-bien-gioi-ngaukraine-nghi-gi-ve-nguy-co-xung-dot-chien-tranh-1044771.html