Sinh viên vùng lũ trãi lòng 12 năm đi học nhờ mạnh thường quân
Em được đi học 12 năm qua là nhờ vào các quỹ học bổng, tiền ủng hộ của các mạnh thường quân.
Câu lạc bộ (CLB) Người làm báo quê Quảng Bình tại TP HCM vừa tổ chức “Lễ trao học bổng tiếp sức sinh viên Quảng Bình 2020”. Theo đó, chương trình đã trao 63 suất học bổng (trị giá 2 triệu đồng/suất) cho sinh viên quê Quảng Bình, đang học năm nhất tại các trường đại học, cao đẳng tại TP HCM.
Nhà báo Trần Yên, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, nhiều gia đình có con em trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM gặp khó khăn thực sự sau trận lũ lịch sử để chu cấp cho con cái học tập. Từ đó, CLB đã phát động chương trình để tiếp sức cho các em đến trường. Qua các kênh kết nối, đã có gần 400 em gửi thông tin đăng kí nhận học bổng từ CLB.
Đáng chú ý, có nhiều lá thư cảm động từ các tân sinh viên gửi đến chương trình.
Tân sinh viên Lê Quang Đông, ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) quê Lệ Thủy, Quảng Bình chia sẻ: Em mồ côi cha từ lúc lọt lòng, sống với mẹ và ông bà ngoại. Mẹ em, một người phụ nữ ốm yếu, là nạn nhân chất độc màu da cam (di truyền từ ông) và bị bệnh tâm thần phân liệt. Mẹ hầu như không có khả năng lao động. Hai mẹ con em được ông bà ngoại chăm sóc đùm bọc mấy chục năm qua. Em thuộc diện khuyết tật nhìn (mắt). Ông bà đều là cựu chiến binh, ông thuộc diện bệnh binh, nhiễm chất độc da cam. Gia đình em thuộc hộ chính sách và cận nghèo.
Nguồn trợ cấp hàng tháng hơn 1 triệu của nhà nước của hai mẹ con chỉ đủ mua thuốc thang cho mẹ. Còn lại gia đình sống nhờ vào tiền làm ruộng của ông bà. Em được đi học 12 năm qua là nhờ vào các quỹ học bổng, tiền ủng hộ của các mạnh thường quân.
Năm nay ông bà em đã ngoài 70 tuổi không còn làm ruộng nữa, nhiều người khuyên em nên học nghề nhưng ông bà rất muốn cho em học đại học và điều quyết định là em mang trong mình hoài bão, quyết tâm thay đổi số phận, phát triển bản thân để có đủ tri thức, năng lực thực hiện mục đích, lí tưởng sống giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, tạo ra giá trị cho xã hội.
Đại học là mục tiêu, kế hoạch lớn đầu tiên của em. Em quan niệm học đại học là lập thân, mà qua đó những thứ em muốn có được trong quá trình học đại học, đó là kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, trải nghiệm và các mối quan hệ tốt là nền tảng vững chắc cho em tiến xa hơn trong tương lai.
Nữ sinh viên Nguyễn Thị Kim Anh (xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), Á khoa đầu vào của trường Đại học Lạc Hồng, Thủ khoa ngành Đông Phương học, tâm sự: Nhà cháu có năm người, ba mẹ và ba chị em gái. Ba cháu làm thợ mộc, nhưng hiện nay đồ nhôm kính nhiều nên ít hàng, thu nhập không ổn định như trước. Ba mẹ cháu đều bị bệnh nhiều năm nay.
Điểm của cháu đủ đề xét tuyển vào nhiều trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, nhưng cháu đã từ bỏ để xét tuyển vào Đại học Lạc Hồng ở Đồng Nai, vì học ở TP.HCM ba mẹ không thể chu cấp ăn học, do chi phí sinh hoạt cao. Từ lúc thi THPT xong, cháu đã bắt xe vào Bình Dương đi làm công nhân để kiếm tiền đóng học phí. Ra đi ba chỉ kiếm cho cháu được 2 triệu rưỡi mang theo. Nay cháu phải vừa học vừa đi làm thêm vào buổi tối để kiếm tiền sinh hoạt.
400 triệu đồng hướng về vùng lũ
Trong khuôn khổ chương trình, bà Đỗ Thị Thùy Trang, lãnh đạo Công ty TNHH Truyền thông Hưng đã tặng thêm 40 suất học bổng (mỗi suất 500.000 đồng) cho 40 sinh viên quê huyện Lệ Thủy.
Trường Cao đẳng Bách Khoa TP.HCM cũng trao một suất học bổng là 50% học phí học kỳ 2 của năm học 2020-2021 cho một sinh viên quê Quảng Bình đang học tại trường này.
Đại diện CLB cho biết, các đợt bão lũ liên tục vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho người dân Quảng Bình. Với tinh thần hướng về quê hương, chia sẻ khó khăn với người dân bị thiệt hại, CLB đã huy động hội viên nỗ lực vận động quyên góp với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”.
Kết quả, vận động được trên 400 triệu đồng. Theo đó, CLB đã phối hợp Báo Quảng Bình trao tiền và quà hỗ trợ cho người dân các vùng rốn lũ ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa…