Sinopharm khẳng định vắc xin của hãng an toàn với trẻ em từ 3 tuổi

Tại UAE, vắc xin của Sinopharm được tiêm cho trẻ em trong nhóm 3-11 tuổi. Nguồn: AFP

Hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) vừa công bố dữ liệu mới cho thấy vắc xin phòng COVID-19 của hãng này an toàn đối với trẻ em từ 3 tuổi trở lên.

Kết quả này được công bố trong bối cảnh tại Trung Quốc đang bùng phát một làn sóng dịch bệnh mới trong đó nhiều học sinh mẫu giáo và tiểu học mắc bệnh.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases số ra trong tuần này, vắc xin ngừa COVID-19 do Sinopharm phát triển an toàn đối với những trẻ em tham gia thử nghiệm từ 3-17 tuổi.

Trung Quốc hiện đã cho phép sử dụng loại vắc xin này cho nhóm trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Trong thử nghiệm, loại vắc xin này cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở trẻ em và lượng kháng thể trung hòa (một tiêu chí đánh giá hiệu quả của vắc xin) tương tự như ở người lớn.

Nghiên cứu được thực hiện tại tỉnh Hà Nam, trong đó giai đoạn 1 có 288 trẻ em tham gia, giai đoạn 2 có 720 trẻ em. Tác dụng phụ xuất hiện chủ yếu từ nhẹ đến trung bình, có 1 trường hợp phản ứng nghiêm trọng là trẻ có tiền sử dị ứng thực phẩm.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên, do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cùng đơn vị sản xuất vắc xin thực hiện, vẫn bị hạn chế do thiếu dữ liệu về phản ứng miễn dịch đối với các biến thể.

Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ thu thập dữ liệu tiếp theo trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), nơi trẻ em từ 3 tuổi trở lên được đưa vào chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.

Một hãng vắc xin khác của Trung Quốc là Sinovac cũng đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 ở trẻ em, hiện giai đoạn 3 đang được thực hiện ở Nam Phi từ tuần trước.

Trung Quốc đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin của hai hãng Sinopharm và Sinovac cho trẻ em từ 3-17 tuổi, nhưng đến nay mới chỉ giới hạn cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, nước này hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho 91% trẻ em ở độ tuổi từ 12-17.

Trong khi đó, công ty sinh học Novavax của Mỹ sẽ tham gia vào nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 (mang tên Com-COV3) do đại học Oxford dẫn đầu, nhằm xem xét cơ chế tiêm kết hợp vắc xin ở nhóm đối tượng là trẻ em.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của nghiên cứu này sẽ có sự tham gia của ít nhất 360 trẻ em ở độ tuổi từ 12-16. Người tham gia thử nghiệm sẽ được tiêm liều vắc xin đầu tiên của hãng Pfizer/BioNTech và liều thứ hai là của 1 trong 3 loại vắc xin khác.

Hai liều sẽ cách nhau ít nhất 8 tuần. Các loại vắc xin của các hãng được thử nghiệm tiêm phối hợp là Pfizer, Moderna và Novavax, trong đó Novavax mới chỉ được cấp phép sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng. Những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm sẽ được theo dõi về độ an toàn và phản ứng miễn dịch. Kết quả dự kiến sẽ có sau vài tháng.

Chuyên gia Gregory M. Glenn, người phụ trách bộ phận nghiên cứu và phát triển của Novavax, cho rằng việc sử dụng kết hợp giữa các loại vắc xin có thể tận dụng tối đa nguồn cung cấp vắc xin hiện có, tăng số lượng người được tiêm chủng và thúc đẩy tiếp cận nhanh chóng, công bằng trên toàn cầu.

Tại Campuchia, theo như thông báo trước đó, ngày 17/9, nước này bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên, dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa phê duyệt vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Theo đó, nhóm trẻ đầu tiên ở độ tuổi này được tiêm chủng là các cháu của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và các quan chức khác. Vắc xin được sử dụng là của hãng Sinovac (Trung Quốc). Trước đó, WHO đã kêu gọi các nước chưa tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Trong khi đó, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy mũi tiêm thứ 3 của vắc xin ngừa COVID-19 của Sinopharm có thể giúp phục hồi mức độ kháng thể trong cơ thể người được tiêm, sau khi lượng kháng thể này bị giảm xuống vài tháng sau mũi tiêm thứ 2.

Theo kết quả phân tích các mẫu máu của các nhân viên y tế đã được tiêm vắc xin của Sinopharm, khoảng 5 tháng sau mũi thứ 2, nồng độ trung bình của kháng thể trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2 sẽ giảm xuống 70% so với thời điểm 4 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2.

Tuy nhiên, một tuần sau khi tiêm mũi thứ 3, nồng độ kháng thể đã tăng trở lại gấp 7,2 lần, so với mức độ ghi nhận ở thời điểm 5 tháng sau mũi tiêm thứ 2. Mặc dù vậy, nghiên cứu không đề cập liệu những thay đổi về nồng độ kháng thể có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin hoặc cách kháng thể tăng cường hoạt động chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Nghiên cứu cũng cho thấy phản ứng của tế bào - một yếu tố quan trọng khác trong hệ thống miễn dịch của con người - cũng được cải thiện sau khi tiêm mũi thứ 3. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: "Liều tăng cường có thể mang tới phản ứng dịch thể và tế bào một cách mạnh mẽ và nhanh chóng”.

Một số loại vắc xin khác ngừa COVID-19 cũng cho thấy sự suy giảm về lượng kháng thể theo thời gian và các nhà sản xuất vắc xin coi đây là lý do để triển khai thêm mũi tiêm tăng cường. Tuy nhiên, theo WHO, cần có nhiều dữ liệu hơn để quyết định liệu có cần mũi tiêm thứ 3 hay không.

H.N (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/264156/sinopharm-khang-dinh-vac-xin-cua-hang-an-toan-voi-tre-em-tu-3-tuoi.html