Síp ngưng chương trình 'hộ chiếu vàng' cho người nước ngoài
Cộng hòa Síp vừa quyết định ngưng chương trình cấp quyền công dân và những đảm bảo đi lại miễn thị thực khắp liên minh châu Âu (EU) dành cho những người ngoại quốc đầu tư tối thiểu 2 triệu Euro vào nước này.
Theo BBC, động thái diễn ra sau khi các phóng viên của kênh Al Jazeera quay được hình ảnh các quan chức Síp âm mưu sử dụng chương trình này để hỗ trợ một doanh nhân Trung Quốc có tiền án.
Một trong những quan chức bị ghi hình là Chủ tịch Quốc hội Síp Demetris Syllouris. Trong video quay lén, công bố hôm 12/10 của kênh Al Jazeera, ông Syllouris đã đề nghị dùng ảnh hưởng của mình để giúp vị doanh nhân (người do phóng viên cải trang) có được hộ chiếu Síp.
Hôm 13/10, ông Syllouris, quan chức quyền lực thứ hai tại quốc đảo, đã ra tuyên bố xin lỗi "vì để hình ảnh gây khó chịu truyền tải đến công chúng Síp ... cũng như bất kỳ sự phiền lụy nào mà việc đó có thể gây ra". Ông Syllouris nói sẽ xin từ chức từ ngày 19/10.
Thông báo của ông Syllouris được đưa ra ngay sau khi Chính phủ Síp tuyên bố đã phê chuẩn đề xuất dừng chương trình cấp quyền công dân cho các nhà đầu tư ngoại, tiếp sau một phiên họp khẩn ngày 13/10. Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 11.
Trong thông cáo đăng tải trên Twitter, Văn phòng Tổng thống Síp Nicos Anastasiades giải thích, đề xuất được thông qua nhằm giải quyết "các yếu kém" có thể bị lợi dụng trong chương trình.
Síp gia nhập EU năm 2004 và lâu nay vẫn cấp hộ chiếu cho công dân của những nước ngoài EU đầu tư tối thiểu 2 triệu Euro vào đảo quốc này. Tháng 11 năm ngoái, Jho Low, một nghi phạm trong bê bối thất thoát hàng tỷ USD trong quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia, được phát hiện đã có hộ chiếu Síp từ tháng 9/2015 và mua một bất động sản trị giá 5 triệu Euro tại khu nghỉ dưỡng Ayia Napa của đảo quốc. Ông Low đang bị cả Mỹ truy nã vì cáo buộc rửa tiền qua hệ thống tài chính nước này.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, nhà chức trách Síp đã thu hồi "hộ chiếu vàng" cấp cho ông Low cũng như các hộ chiếu đã cấp cho 25 nhà đầu tư ngoại "có vấn đề", bao gồm 9 người Nga, 8 người Campuchia và 5 người Trung Quốc.
Năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu các nước EU siết chặt kiểm tra đối với những người ngoài liên minh muốn có quyền công dân thông qua hoạt động đầu tư. Ủy ban lo ngại các chương trình như vậy có thể bị khai thác kẽ hở để quan tham và bọn tội phạm tìm nơi trú ẩn, trốn thuế và rửa tiền.