SIPRI: Mỹ và Trung Quốc thống lĩnh thị trường vũ khí thế giới
Nước Mỹ chiếm vị thế áp đảo với 5 tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất toàn cầu, còn Trung Quốc dẫn trước Nga.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 7/12, Mỹ và Trung Quốc thống lĩnh thị trường vũ khí thế giới trong năm 2019. Trong đó, Washington chiếm vị thế áp đảo với 5 tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất toàn cầu, còn Trung Quốc dẫn trước Nga.
Doanh thu của 25 tập đoàn lớn nhất thế giới trong năm 2019 đã tăng 8,5% so với năm 2018, đạt ngưỡng 361 tỷ USD. Con số này lớn gấp 5 lần so với ngân sách hàng năm của Liên hợp quốc dành cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình trên thế giới.
* Mỹ dẫn đầu, Trung Quốc vượt trước Nga
Về phía các nhà sản xuất, Mỹ đứng đầu bảng. Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ kiểm soát 61% thị trường toàn cầu. Trong số 25 đại tập đoàn nặng ký nhất của thế giới, có 12 hãng là của Mỹ, đứng đầu là Lockheed Martin. Doanh thu của tập đoàn này năm 2020 dự báo vượt ngưỡng 53 tỷ USD. Đứng thứ nhì trong bảng xếp hạng của SIRPI là tập đoàn Boeing có trụ sở tại Seattle.
Tập đoàn Trung Quốc đầu tiên có tên trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm là AVIC trong ngành công nghiệp hàng không. Nhưng doanh thu của hãng này năm 2019 chưa đến 22,5 tỷ USD, chỉ bằng 43% so với của Lockheed Martin.
Nhà sản xuất lớn nhất của Nga trong danh sách này là Almaz Antey, nổi tiếng với hệ thống tên lửa S-400 hay S-500, chỉ xếp hạng thứ 15. Nước Nga bị tụt hạng do hai yếu tố: Một là khó khăn kinh tế khiến Moskva tạm hoãn lại một số dự án hiện đại hóa quân đội và hai là các biện pháp trừng phạt của quốc tế từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Sau cùng, báo cáo của SIPRI cho thấy trong bảng xếp hạng vừa công bố, các tập đoàn của châu Âu chiếm một trọng lượng quan trọng. Bà Lucie Béraud Sudreau kết luận xét về doanh thu, nhìn chung, châu Âu cũng ngang tầm với Mỹ và Trung Quốc, với những tên tuổi như BAE Systems của Anh (hạng 7), Leonardo của Italy (hạng 12), hay Thales (hạng 14), Dassault (hạng 17) của Pháp và Airbus (hạng 13) của châu Âu.
Riêng trong trường hợp của Dassautl, trong một năm, tập đoàn sản xuất chiến đấu cơ này đã nhảy vọt từ thứ hạng 38 lên 17, nhờ các dịch vụ xuất khẩu máy bay Rafale trong năm 2019.
* Giải mã sự trỗi dậy của Trung Quốc
Giám đốc chương trình vũ khí và chi phí quân sự của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm bà Lucie Béraud Sudreau đặc biệt lưu ý đến vị trí của Trung Quốc trên thị trường này.
Thu nhập của các tập đoàn công nghiệp vũ khí Trung Quốc trong năm vừa qua đã tăng thêm 5% so với hồi năm 2018, chủ yếu là do Bắc Kinh thực hiện cải tổ và hiện đại hóa quân đội.
Thứ bậc cao của các công ty công nghiệp-quân sự Trung Quốc gắn trước hết với đà phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp nhanh chóng của nước này.
Trả lời phỏng vấn đài Sputnik, chuyên gia Pavel Kamennov từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nhận xét: “Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã khởi động quá trình đổi mới toàn bộ nền kinh tế.
Các chương trình được thông qua nhằm phát triển tiềm năng công nghệ cao dân sự và tích hợp với lĩnh vực quân sự.Tiến trình này được thực hiện với sự hỗ trợ bằng kinh phí nhà nước.
Về chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các doanh nghiệp sản xuất-dịch vụ, Trung Quốc đã tiến lên đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, trong đó việc cấp vốn và phát triển lĩnh vực này được thực hiện với nhịp độ vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 6-6,5%, còn tốc độ tăng kinh phí tài trợ cho R&D là 8-10%”.
Trên cơ sở đó, chuyên gia này cho biết thêm Trung Quốc đang hiện đại hóa tổ hợp công nghiệp-quân sự của mình, tái trang bị một cách có hệ thống cho quân đội, đồng thời duy trì hạng bậc cao trên thị trường vũ khí thế giới.
Trong khi đó, GS Andrei Volodin từ Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ ra khả năng cạnh tranh ngày càng tăng của các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc trên thị trường thế giới bởi ông cho rằng đây là điều rất quan trọng. Các quốc gia châu Á lớn khác cũng đang dành chú trọng nhiều hơn cho việc phát triển các tổ hợp quốc phòng của họ.
Chẳng hạn, theo dữ liệu của SIPRI, Trung Quốc năm 2019 vẫn ở vị trí thứ hai thế giới về chi tiêu quân sự, trong khi Ấn Độ đã tăng từ bậc thứ 5 lên thứ ba trong vòng ba năm gần đây. Theo đánh giá của SIPRI, Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt chi 261 tỷ USD và 71,1 tỷ USD trong năm 2019. Đồng thời, Ấn Độ bỏ xa Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng đầu tư vào xây dựng quân đội, với mức tăng 6,8% so với 5,1% của Trung Quốc./.