Smartphone - trợ thủ đắc lực của người làm báo hiện đại
Sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) trong tác nghiệp báo chí là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh thông tin hiện nay.

Phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp bằng điện thoại thông minh để dựng hình.
“Điểm cộng” đầu tiên của smartphone là tính nhỏ gọn, độ chuẩn xác về hình ảnh, âm thanh cũng tốt, dù không thể tốt bằng máy ảnh, camera chuyên dụng nhưng thao tác chụp ảnh, ghi hình, ghi âm rất nhanh, thuận tiện.
Ngoài ra, phóng viên, nhà báo có thể dùng smartphone để xử lý các thao tác nghiệp vụ, hoàn thành tác phẩm và chuyển về ngay tòa soạn được. Đặc biệt, còn một lý do khác nữa là việc dùng smartphone có thể đảm bảo an toàn hơn cho phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp điều tra, không bị lộ bởi ánh đèn flash của máy chụp ảnh. Mặt khác, smartphone mang tính phổ thông, phổ biến nên khi phóng viên, nhà báo tiếp cận đối tượng phỏng vấn, quá trình làm việc cũng dễ dàng, thoải mái hơn.
Với sự tiến bộ nhanh của khoa học công nghệ, càng ngày điện thoại càng có nhiều tính năng ưu việt, hỗ trợ phóng viên, nhà báo tốt hơn trong việc sản xuất thông tin, với khả năng làm việc đa dạng từ tin văn bản, hình ảnh đến video, chuyển đổi dữ liệu, thông tin giúp cho việc ban hành tin tức được nhanh hơn.

Buổi tập huấn nghiệp vụ cho các nhà báo, phóng viên về "Kỹ năng chụp và biên tập ảnh bằng smartphone" do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 3/2025.
Ngày nay, các phần mềm ứng dụng hỗ trợ cho việc tác nghiệp bằng smartphone, bao gồm soạn thảo văn bản, chụp và xử lý ảnh, quay và dựng video, chuyển đổi giọng nói thành văn bản cũng trở nên phổ biến và rất dễ sử dụng.
Điện thoại thông minh nhỏ gọn, dễ dàng mang theo bên mình, giúp nhà báo có thể tác nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là trong các tình huống bất ngờ. Khả năng tiếp cận nhanh chóng, ghi lại những khoảnh khắc đắt giá mà máy ảnh chuyên nghiệp khó có thể thực hiện. Ảnh chụp từ điện thoại có thể được chia sẻ ngay lập tức lên các nền tảng mạng xã hội, trang báo điện tử, giúp thông tin được truyền tải nhanh nhất đến độc giả. Khả năng truyền trực tiếp (livestream) giúp nhà báo tường thuật trực tiếp sự kiện, tăng tính tương tác với độc giả.

Các nhà báo, phóng viên hoàn thành khóa bồi dưỡng và được Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cấp giấy chứng nhận "Kỹ năng chụp và biên tập ảnh bằng smartphone" .

Bà Ngân Trịnh, Phó Trưởng ban chuyên đề Tạp chí Nhân Lực Nhân tài Việt (TP. Hà Nội).
Bà Ngân Trịnh, Phó Trưởng ban chuyên đề tạp chí Nhân Lực Nhân tài Việt (TP. Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên tác nghiệp bằng điện thoại thông minh trong chụp ảnh và biên tập, đặc biệt là những sự kiện mang tính thời sự, cần nhanh và kịp thời, rất tiện ích cho những người làm báo”.
Ông Nguyễn Đăng Bách, Trưởng phòng Báo điện tử, Báo Bắc Kạn chia sẻ: “Những năm trước đây, nhà báo, phóng viên của Báo Bắc Kạn đã sử dụng điện thoại thông minh cho việc tác nghiệp báo chí. Tuy nhiên chỉ áp dụng chủ yếu trong việc viết tin ngay trên điện thoại. Đến nay tác dụng của điện thoại thông minh đã được ứng dụng vào nhiều khâu tác nghiệp của nhà báo, như quay phim, chụp ảnh, xử lý đồ họa ảnh, dựng phim. Còn đối với biên tập viên, việc biên tập và xuất bản tin, bài trên báo điện tử bằng điện thoại thông minh là việc làm quen thuộc, rất tiện lợi”.
Tuy vậy, nhà báo sử dụng smartphone để tác nghiệp cũng có những hạn chế nhất định. Đó là rào cản bởi quan niệm, một số người cho rằng smartphone là chưa đủ tầm để sản xuất tin tức. Ngoài ra, chất lượng thiết bị và các ứng dụng chưa đáp ứng chuyên nghiệp, khó sử dụng cho các chương trình, tác phẩm lớn… Ngoài ra, công nghệ luôn phát triển, đặc biệt là thiết bị di động có những thay đổi rất nhanh chóng, việc am hiểu kỹ thuật của smartphone để có thể sử dụng tốt phương tiện này trong quá trình sản xuất và chuyển tải thông tin cũng là một vấn đề lớn./.