Số 7 của Ronaldo và luật 'bất thành văn' về số áo trong bóng đá

Tại sao thủ môn thường mặc áo số 1, còn tiền đạo mang áo số 9? Tại sao khi Ronaldo trở lại MU thi đấu, mọi người lại bàn về chiếc áo số 7 nhiều như vậy? Số áo là một câu chuyện thú vị phát triển dần theo thời gian với bóng đá, và trong đó không thiếu những điều cười ra nước mắt.

Không có số áo, phân biệt thế nào?

Khi các CLB bóng đá bắt đầu ra đời và phổ biến vào cuối thế kỷ 19 tại Anh, cầu thủ ra sân mà không mang số áo trên lưng. Thay vì phân biệt theo số áo, trọng tài sẽ nhìn vào vị trí của họ trên sân bóng để nhận biết. Ngày đó cầu thủ vẫn thi đấu theo kiểu cố định vị trí, không liên tục hoán đổi cho nhau như ngày nay nên cách làm đó khá hiệu quả.

Sơ đồ chiến thuật ưa thích của các HLV bóng đá thời cận đại là đội hình “siêu tấn công” 2-3-5. Mỗi cầu thủ trên sân đều có vị trí riêng, và luật bóng đá thời đó chưa cho phép thay người nên không ai nghĩ đến chuyện phân biệt cầu thủ theo số áo. Phải đến trước Thế chiến thứ hai, Ủy ban Quản lý các giải bóng đá chuyên nghiệp Anh mới quy định cầu thủ mặc áo có số từ 1 đến 11.

Đến năm 1965, số áo 12 ra đời khi bóng đá cho phép sử dụng quyền thay 1 cầu thủ trong mỗi trận. Luật nới rộng lên thành thay 2 người vào năm 1987, nhưng CLB lại chọn áo số 14 vì số 13 bị xem là thiếu may mắn. Với sơ đồ 11 cầu thủ trong đội hình xuất phát, số áo còn được xem như cách họ thể hiện ý đồ chiến thuật trong mỗi trận đấu.

Áo số 7 đã trở thành biểu tượng cho những ngôi sao tấn công tại Old Trafford qua nhiều thời kỳ như trường hợp của Cristiano Ronaldo

Hà Lan là những người đi đầu trong việc quy định một luật bất thành văn về số áo cầu thủ trên sân. Trong sơ đồ 4-4-2 truyền thống, các hậu vệ mặc áo từ 2 đến 5, tiền vệ phòng ngự số 6, tiền vệ trung tâm số 8, tiền vệ công/hộ công áo số 10, tiền đạo cắm số 9, hai cầu thủ chạy cánh số 7 và 11. Mô hình kiểu mẫu đó vẫn được duy trì đến ngày nay, dẫn tới sự ra đời của cách gọi vị trí trên sân theo số áo.

Khi nói về một cầu thủ “số 6”, chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh một tiền vệ phòng ngự. “Số 8” là mẫu tiền vệ con thoi luôn di chuyển khắp mặt sân, còn “số 10 cổ điển” là một tiền vệ tấn công có lối đá hào hoa. Các đội bóng Anh điều chỉnh một chút để phù hợp cho sở thích của họ khi số 6 được trao cho trung vệ, còn tiền vệ phòng ngự mặc áo số 4.

Chiến thuật theo số áo

Chúng ta thường ngheo nhiều đến việc trong các buổi tập, HLV thường tráo số áo của các cầu thủ để làm rối trinh sát bên phía đối phương. Việc này không phải đến giờ mới được những chiến lược gia áp dụng, mà trên thực tế, họ đã có kinh nghiệm dùng mưu kế đó trong gần 7 thập niên. Hồi những năm 50, Hungary dùng áo số 5 cho tiền vệ trung tâm, và cách đó đã khiến những đối thủ rối loạn khi phải đấu với họ.

“Chúng tôi không thể phân biệt ai với ai cả. Tại sao cầu thủ áo số 5 lại liên tục dâng cao và xâm nhập vòng cấm? Anh ta phải thi đấu ở hàng phòng ngự chứ?”. Các cầu thủ Anh đã thốt lên đầy cay đắng như vậy sau trận thua Hungary với tỷ số cách biệt 3-6. Chỉ bằng cách đổi số áo khác với quan niệm truyền thống của người Anh, Hungary đã khiến đảo quốc sương mù ôm hận.

Tại Real, áo số 4 được truyền lại từ Sergio Ramos tới David Alaba

Đến World Cup 1978, Argentina còn sử dụng phương pháp khác người để đánh số áo cho các cầu thủ. Thay vì trao số áo cho từng người theo vị trí, họ đánh thứ tự họ tên theo bảng chữ cái ABC. Thế là tiền vệ Norberto Alonso ra sân với áo số 1, vốn chỉ dành cho các thủ môn! Cách làm khác người đó đã giúp Argentina lần đầu tiên lên ngôi vô địch World Cup!

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, những đội bóng “cửa dưới” thường sử dụng chiến thuật tráo đổi số áo nhằm gây bất ngờ cho đối phương. Họ không chỉ tráo số áo đội hình chính, mà còn làm điều đó cả với đội dự bị. Ở vòng loại World Cup vừa diễn ra, Nhật Bản đã ôm hận trước Oman vì đối phương tung 2 tiền đạo mang áo số 2 và số 4 vào sân. Người ghi bàn duy nhất là cầu thủ số 2 Issam Al Sabhi.

Đến năm 1993, Premier League bỏ những quy định cũ về số áo và ban hành bộ luật mới. Họ yêu cầu mỗi cầu thủ chỉ được mặc 1 số áo trong cả mùa giải, không được thay đổi liên tục như trước nữa. Đây chính là nền tảng cho những số áo trong bóng đá hiện đại, nhưng vẫn có những ngoại lệ được thực hiện. Cavani mùa này đã ra sân với áo số 7 nhưng phải trao lại nó cho Ronaldo.

Những số áo biểu tượng

Trong bóng đá hiện đại, số áo còn trở thành thương hiệu gắn liền với một cầu thủ. Messi số 10, Ronaldo số 7, Pirlo số 21, Lampard số 8. Họ còn phát triển những thương hiệu thời trang gắn liền với số áo mình thường mặc như trường hợp của Ronaldo. Với cá nhân CR7, anh thực chất bị “ép” mặc áo số 7. Lúc mới đến M.U, Ronaldo muốn mặc áo số 28 nhưng Sir Alex nói “Cậu phải mặc áo số 7”.

Theo Bongdaplus

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/muon-mau-the-thao/so-7-cua-ronaldo-va-luat-bat-thanh-van-ve-so-ao-trong-bong-da/218695.htm