Sợ bị đòi nợ, đâm xe máy vào chủ nợ
Phạm Thái S (SN 1993) điều khiển xe mô tô phía sau chở bạn gái là Nguyễn Thu H (SN 1997) trên đường đi chơi về nhà. Đỗ Văn H (SN 1990) là bạn xã hội của S, ngồi trong quán cà phê nhìn thấy S phóng xe máy qua liền gọi giật lại. Nghe thấy tiếng H gọi, Phạm Thái S quay lại nói với H 'Anh còn đang nợ tiền thằng này, chắc nó đòi'. Khi vòng xe quay trở lại gặp Đỗ Văn H, S giảm tốc độ xe xuống. Tuy nhiên, khi còn cách anh H khoảng 4-5 mét, thấy anh H chặn đầu xe của mình bất ngờ S tăng tốc, đồng thời đánh tay lái sang bên phải để vượt qua. Anh Đỗ Văn H do tưởng S sẽ dừng xe lại nên đã bước chân sang bên trái nên bị bánh trước và đầu xe mô tô của S đâm vào khiến anh H ngã đập đầu xuống đường. Hậu quả khiến anh Đỗ Văn H bị tổn hại sức khỏe 65%. Vấn đề đặt ra là trong tình huống này Phạm Thái S đã phạm tội gì?
Ý kiến bạn đọc
Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
Theo tôi Phạm Thái S đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Phạm Thái S trong quá trình điều khiển xe mô tô, do không làm chủ tốc độ nên đã đâm vào anh Đỗ Văn H làm anh H bị ngã, gây tổn hại sức khỏe là 65%. Theo quy định của pháp luật, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Tuy nhiên, theo tôi đây là lỗi vô ý vì Phạm Thái S không phán đoán được hành vi của mình sẽ gây thương tích cho anh Đỗ Văn H và S cũng không mong muốn gây thương tích cho anh H.
Nguyễn Thị An (TP Hội An - Quảng Nam)
Cố ý gây thương tích
Tôi cho rằng, trong vụ việc này hành vi của Phạm Thái S thỏa mãn dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 làm cho anh Đỗ Văn H bị thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Cụ thể, mặc dù đã giảm tốc độ xe nhưng khi thấy anh H chặn đầu xe, S đã tăng tốc, định bỏ chạy và đã va vào người anh H, hậu quả khiến anh H bị ngã đập đầu xuống đường và bị tổn hại 65% sức khỏe. Như vậy, hành vi tăng tốc để bỏ chạy của Phạm Thái S là nguyên nhân trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của anh Đỗ Văn H. Lỗi của S ở đây là lỗi cố ý vì S đã nhìn thấy anh H bước ra đường, S buộc phải nhận thức được là với khoảng cách giữa xe máy và anh H rất gần như vậy (khoảng 4m-5m) khi tăng tốc có thể sẽ va vào người anh H gây tai nạn. Vì vậy tôi cho rằng Phạm Thái S đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”.
Bùi Thị Thảo (Đô Lương - Nghệ An)
Đây là một vụ tai nạn giao thông
Theo nội dung vụ việc, anh Đỗ Văn H đã đứng chặn trước đầu xe máy của Phạm Thái S. Hơn nữa anh H lại đứng dưới lòng đường là nơi các phương tiện giao thông qua lại, là nơi cấm người đi bộ. Do đó, nếu xét theo hành vi, người gây ra lỗi là anh H chứ không phải anh S. Do đó, theo tôi, đây là một vụ tai nạn giao thông, cần được xem xét theo Luật Giao thông đường bộ.
Ngô Hoàng Hưng (Trạm Tấu - Yên Bái)
Bình luận của luật sư
Trước khi bình luận về tội danh của Phạm Thái S, chúng tôi xin trao đổi với các bạn đọc những ý kiến bình luận về vụ án này. Trước hết, đây có phải là vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không? Chắc chắn nghi can đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, đây không phải là vụ tai nạn giao thông. Nói đến tai nạn là nói đến sự việc gây tổn thất ngoài ý muốn của con người.
Đây là một vụ nghi can cố tình đâm xe máy vào người khác, có dấu hiệu của sự cố ý. Thêm nữa, nạn nhân trong vụ việc này là anh Đỗ Văn H đã nhìn thấy Phạm Thái S đi qua và gọi S quay lại. Khi nhìn thấy S quay lại, anh H mới bước xuống đường để nói chuyện với S chứ không phải cố tình đứng ra trước mũi xe máy. Vì vậy, theo chúng tôi buộc phải truy cứu trách nhiệm hình sự của Phạm Thái S chứ không thể chỉ xem xét như một vụ tai nạn giao thông thông thường.
Chúng tôi cũng không đồng ý với quan điểm cho rằng Phạm Thái S đã phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017. Việc cho rằng hành vi làm anh H bị thương tích 65% là do lỗi vô ý vì S không phán đoán được hành vi của mình sẽ gây thương tích cho anh H là không chính xác bởi ở khoảng cách 4m-5m là khoảng cách rất gần và vị trí anh H đứng ở phía trước đầu xe buộc S phải nhận thức được nếu S tăng tốc thì chắc chắn S sẽ đâm vào anh H và gây thương tích cho anh H.
Căn cứ vào nội dung vụ việc, chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng hành vi của Phạm Thái S thỏa mãn dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Theo quy định của pháp luật, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý làm cho người khác bị thương hoặc tổn hại đến sức khỏe. Người phạm tội thực hiện các hành vi tác động vào cơ thể của người khác làm cho người đó bị thương, bị tổn hại sức khỏe. Hành vi của người phạm tội được thực hiện là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nhất định có hoặc có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác; mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
Trở lại nội dung vụ việc có thể thấy Phạm Thái S đã có hành vi trực tiếp tác động lên thân thể của anh Đỗ Văn H, mặc dù mục đích của S khi tăng tốc là để bỏ chạy. Hành vi của S trong trường hợp này là cố ý vì khi anh H ra đứng đối diện với đầu xe máy của S ở khoảng cách 4-5m, thì buộc S phải nhận thức được rằng nếu tăng tốc, chắc chắn sẽ va quệt và gây thương tích cho anh H ở vị trí đó.
Trong mặt khách quan của tội phạm cố ý gây thương tích, hành vi của tội cố ý gây thương tích là người phạm tội đã có hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm vào vào cơ thể người khác nhằm làm cho họ bị đau đớn. Do vậy, việc S cố tăng tốc, va quệt vào anh Đỗ Văn H dẫn tới hậu quả làm anh H bị thương, tổn hại sức khỏe 65% cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 104 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Đoàn Mạnh Hùng, Văn phòng luật sư Hùng Mạnh
(Đây là tình huống pháp lý giả định để trao đổi, thảo luận nhằm phổ biến kiến thức pháp luật tới độc giả)
Điều 134. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng axít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 2 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 2 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, axít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/so-bi-doi-no-dam-xe-may-vao-chu-no/848447.antd