Sợ biến chủng Omicron, nhiều người lạm dụng dung dịch sát khuẩn
Việc lạm dụng dung dịch sát khuẩn, cồn rửa tay để phòng chống COVID-19 có thể dẫn đến ngộ độc, hư hại da…
Mỗi khi nhận được hàng hóa từ tài xế công nghệ, chị NTH ngụ quận Bình Tân, TP.HCM đều cẩn thận dùng dung dịch sát khuẩn phun khử đến ướt đẫm. Thậm chí rau củ, trái cây chị cũng xịt cồn khử khuẩn rồi sau đó mới rửa lại nước sạch. Không chỉ hàng hóa, thực phẩm… chị H. khử khuẩn tay, vật dụng cá nhân liên tục.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, đặc biệt khi nghe đến biến chủng Omicron, nhiều người có tâm lý cẩn trọng đến mức lạm dụng dung dịch sát khuẩn như chị H.
Anh VVD ngụ quận Tân Phú, làm nghề tài xế taxi cũng từng lạm dụng dung dịch sát khuẩn. Tuy nhiên, trong một lần khử khuẩn khắp cơ thể, anh vô tình hít vào mũi và cảm thấy tức ngực. Kể từ đó, anh thận trọng hơn trong việc sử dụng dung dịch sát khuẩn, cồn rửa tay.
Bác sĩ Phan Xuân Trung, Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM, cho biết dùng dung dịch sát khuẩn để khử khuẩn là một trong những biện pháp phòng dịch nhưng không nên quá lạm dụng. Người dân nên chọn loại nước rửa tay sát khuẩn và phương pháp rửa tay phù hợp. Nếu điều kiện cho phép thì nên sát khuẩn bằng xà phòng, rửa tay dưới vòi nước.
Theo bác sĩ Trung, cồn ethanol là một trong những thành phần chính của dung dịch sát khuẩn, cồn rửa tay, giúp việc sát khuẩn nhanh và tiện lợi. Tuy nhiên, các sản phẩm không rõ nguồn gốc thường dùng cồn methanol hay cồn metylic, còn được gọi là cồn gỗ thay cho ethanol để giảm giá thành. Việc sử dụng cồn gỗ sẽ gây tác dụng ngược, thậm chí nguy hiểm cho người dùng.
Trên thị trường, cồn methanol trong nước rửa tay rất khó để nhận biết. Vì vậy, người tiêu dùng cần tìm nguồn mua bảo đảm, kiểm tra xem sản phẩm có giấy chứng nhận đầy đủ trước khi đưa vào lưu hành.
Ngoài ra, việc lạm dụng dung dịch sát khuẩn tay sẽ làm giảm độ ẩm trên tay đáng kể, sử dụng quá nhiều có thể gây kháng kháng sinh đối với cơ thể. Nhiều người có thể bị dị ứng với các thành phần có trong dung dịch sát khuẩn nhanh.
Đáng nói, việc xịt dung dịch sát khuẩn vào thực phẩm là hoàn toàn sai lầm, có thể dẫn đến ngộ độc.
Bác sĩ Trung nhấn mạnh: “Người dân cũng không nên xịt dung dịch sát khuẩn lên toàn thân, nếu vô tình hít vào phổi rất nguy hiểm. Đối với trẻ em, chúng ta không nên lạm dụng dung dịch sát khuẩn, bởi nếu dùng nhầm loại có methanol rất nguy hiểm, dễ ngộ độc”.