Số ca F0 giảm sâu, chuyển đổi công năng trạm y tế lưu động

Dịch bệnh Covid-19 đang giảm mạnh

Trong tuần nghỉ lễ 30-4 và 1-5, toàn tỉnh ghi nhận 155 ca mắc mới, giảm 60,8% so với 7 ngày trước, trung bình mỗi ngày có 22 ca mắc mới. Số ca khỏi bệnh, hoàn thành điều trị là 885 ca. Cũng trong tuần qua, các cơ sở điều trị tiếp nhận 15 ca F0 nhập viện, có 11 ca nặng thở máy, giảm 22,2% so với tuần trước. Đặc biệt, trong 14 ngày qua, tỉnh không ghi nhận ca tử vong. Tính trong 30 ngày qua, số ca mắc mới ghi nhận 4.551 ca, thấp hơn 17 lần so với tháng trước (tháng 3 ghi nhận 77.194 ca mắc). Đánh giá cấp độ dịch trong tuần, có 91/91 xã, phường thị trấn thuộc cấp độ 1 (bình thường mới). Hiện toàn tỉnh đang điều trị cho 23 bệnh nhân, trong đó tầng 1 là 6 bệnh nhân, tầng 2 là 12 bệnh nhân và tầng 3 là 5 bệnh nhân. Số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đang cách ly điều trị tại nhà là 4.164 bệnh nhân.

Dịch bệnh Covid-19 đang giảm mạnh, trạm y tế lưu động đang chuyển đổi công năng hoạt động cho phù hợp với tình hình mới

Tại cuộc họp, lãnh đạo các huyện, thị thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đều cho rằng số ca F0 đang có xu hướng giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ, tuy nhiên các dịch bệnh theo mùa như sốt xuất huyết, tay chân miệng đang có xu hướng tăng nhanh. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết: “Hiện thành phố không còn ca F0 điều trị tầng 2, F0 điều trị tại nhà còn 43 ca. Địa phương đang tập trung phòng, chống các loại bệnh vào mùa mưa. Trong thời gian chờ sắp xếp lại các trạm y tế, địa phương duy trì 1 phường/1 trạm y tế lưu động để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa”.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Lộc Hà cho biết tình hình hình dịch trên địa bàn tỉnh giảm sâu. Đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ, hoạt động giao lưu của người dân tăng cao nhưng số ca nhiễm giảm đáng kể. Nhiều ngày qua, tỉnh không ghi nhận bệnh nhân tử vong do Covid-19. Những tuần qua, các địa phương đồng loạt tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi đạt kết quả cao. Ông Nguyễn Lộc Hà yêu cầu ngành y tế và các địa phương tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi, lưu ý quá trình tiêm và sau tiêm, phối hợp cùng nhà trường, gia đình theo dõi kỹ trẻ em sau tiêm vắc xin để xử lý kịp thời nếu có tình huống phát sinh. Công tác nhập liệu trên cổng tiêm chủng cần đẩy nhanh hơn nữa, khắc phục tình trạng sai sót, chậm trễ. Ngành y tế chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch tiêm vét các mũi vắc xin cho toàn bộ người dân trong tỉnh hoặc người dân từ tỉnh khác đến Bình Dương làm việc trong tháng 4, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin mũi 4…

Chuyển đổi công năng trạm y tế lưu động

Phát biểu tại cuộc họp, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết sau lễ, dịch bệnh Covid-19 giảm sâu nhưng hiện đang vào mùa hè, thời tiết bắt đầu mưa là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây truyền bùng phát. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, không để dịch chồng dịch, ngành y tế chuyển đổi công năng hoạt động trạm y tế lưu động sang phòng, chống dịch bệnh theo mùa. Theo đó, các trạm y tế lưu động ngoài thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 còn triển khai hoạt động phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do vi rút, viêm não Nhật Bản...

Do hiện nay trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học nên nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trường học là rất lớn nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống trước mùa dịch. Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế trong tỉnh đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân, phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2022.

Riêng với chủ trương thành lập, chuyển đổi mô hình Trạm Y tế lưu động thành Trạm Y tế cố định, Sở Y tế đã tổ chức họp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị, thành phố và 9 Trung tâm Y tế thống nhất phương án. Sở Y tế đã đề xuất 3 phương án y tế cơ sở cho Trạm Y tế lưu động, gồm: Phương án 1 là tăng biên chế cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; phương án 2, chú trọng tại các xã, phường có quy mô dân số lớn hơn 50.000 dân thì thành lập các cơ sở của trạm y tế để tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ; phương án 3 là thành lập thêm Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên cơ sở đã có các Trạm Y tế cố định. Sau khi họp bàn, các đơn vị thống với phương án tăng biên chế cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, không đề xuất thêm phương án nào khác. Phương án này sẽ góp phần chuyển đổi công năng trạm y tế lưu động và củng cố y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 162 Trạm Y tế lưu động, trong đó có 99 trạm tại các xã, phường, thị trấn, 43 trạm trong khu công nghiệp và 20 Tổ l ưu động của Quân y. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, khi số ca F0 giảm mạnh cả về 3 tiêu chí (nhập viện, chuyển nặng, tử vong), các trạm y tế lưu động chuyển công năng từ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sang phòng, chống dịch bệnh theo mùa là phù hợp.

KIM HÀ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/so-ca-f0-giam-sau-chuyen-doi-cong-nang-tram-y-te-luu-dong-a270533.html