Số ca mắc bệnh COVID-19 tại Úc đã vượt ngưỡng 1.000 người

Hành khách đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Sydney, Úc, ngày 16/3/2020 - Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Úc, sáng 21/3, giới chức bang New South Wales đã thông báo thêm 83 ca mới nhiễm mắc COVID-19 - đây là mức cao nhất về số ca phát hiện nhiễm bệnh trong một ngày.

Cơ quan y tế bang New South Wales kêu gọi người dân tuyệt đối tuân thủ các lệnh hạn chế đi lại và giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc nhằm làm chậm tiến độ lây lan của dịch bệnh. Cơ quan trên cũng ban bố lệnh cấm du lịch tới đảo Lord Howe - một trong những hòn đảo xa nhất của bang, để tránh tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 sang cộng đồng tại khu vực hẻo lánh.

Ngày 21/3, giới chức chính quyền bang New South Wales cũng chính thức thông báo đóng cửa bãi biển Bondi - một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới. Tại bang Victoria, bang đông dân thứ hai của Úc, Thủ hiến Daniel Andrew sáng 21/3 cũng công bố thêm 51 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trên địa bàn bang, nâng tổng số người mắc bệnh COVID-19 lên con số 229 người. Trong khi bang Queensland báo cáo có 37 trường hợp xét nghiệm dương tính mới với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm dịch bệnh tại bang lên tới 221. Bang Tây Úc ghi nhận 26 trường hợp mới, với tổng số ca bệnh là 90.

Ngày 21/3, Chính phủ Úc đã công bố thêm nhiều khoản tài trợ cho công tác nghiên cứu các liệu pháp phòng ngừa virus SARS-CoV-2 và điều trị các triệu chứng của bệnh COVID-19. Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho biết Chính phủ Úc sẽ cung cấp 13 triệu AUD (8,6 triệu USD) cho việc nghiên cứu y tế để tìm ra các biện pháp điều trị COVID-19.

Trong khoản tiền nói trên, 8 triệu AUD (hơn 5 triệu USD) sẽ dành cho việc thử nghiệm 10 liệu pháp chống virus SARS-CoV-2 và 5 triệu AUD (hơn 3 triệu USD) sẽ được cung cấp cho các thử nghiệm lâm sàng để điều trị và quản lý bệnh nhân bị suy hô hấp cấp tính nặng do COVID-19.

Bộ trưởng Hunt cho biết thêm Chính phủ Úc cũng đang đầu tư hơn 2,6 triệu AUD vào bốn dự án nghiên cứu chẩn đoán tiên tiến tại Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty, nhằm mở rộng khả năng xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 của nước này. Hiện các nhà nghiên cứu Úc cũng nhận được tài trợ từ nhiều quỹ nghiên cứu cho việc phát triển vắcxin phòng chống COVID-19, dự kiến có thể phải mất hơn một năm nữa mới có.

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines ngày 21/3 đã ghi nhận ca tử vong thứ 19 liên quan virus SARS-CoV-2, trong khi tổng số ca nhiễm ở nước này đã tăng lên thành 262 người so với con số 230 người một ngày trước đó. Chính phủ Philippines đã phải thực hiện cách ly tại nhà một cách nghiêm ngặt đối với hơn 1/2 dân số nước này để hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2.

Tại Nam Mỹ, Tổng thống Colombia Ivan Duque tối 20/3 tuyên bố nước này sẽ bước vào giai đoạn cách ly toàn quốc từ đêm 24/3. Đây là biện pháp đáng kể nhất được thực hiện cho đến nay của Colombia này trong bối cảnh nước này tìm cách ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Colombia hiện có 158 ca nhiễm SARS-CoV-2.

Ngày 20/3, Bộ Y tế Brazil đã tuyên bố tình trạng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan cộng đồng ở phạm vi toàn quốc, sau khi nước này ghi nhận thêm 283 ca dương tính (nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 904 người) và bốn trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.

Thông báo chính thức của Bộ Y tế Brazil cho biết mặc dù mới chỉ có năm trong tổng số 27 bang xuất hiện các trường hợp lây lan cộng đồng, song bộ này quyết định tuyên bố tình trạng lây lan cộng đồng trên phạm vi cả nước nhằm tạo thuận lợi cho công tác đối phó với dịch COVID-19.

Điều này sẽ cho phép cơ quan chức năng trên toàn quốc ra lệnh cách ly ít nhất 14 ngày đối với tất cả những người có triệu chứng mắc bệnh, cách ly đối với những người trên 60 tuổi, nhóm tuổi có nguy cơ nhất khi nhiễm bệnh. Một lý do khác khiến giới chức y tế Brazil phải đưa ra tuyên bố trên là vì trong số 283 trường hợp dương tính mới, nhiều ca không xác định được nguồn gốc lây bệnh.

Tới nay đã có 25 trên 27 bang của Brazil ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó nhiều nhất là Sao Paulo với 396 ca, tiếp đến là Rio de Janeiro 109 ca, thủ đô Brasilia 87 ca, Ceara 55 ca, Rio Grande Do Sul 37 ca và Minas Gerais 35 ca. Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta cảnh báo nếu không có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, số ca nhiễm bệnh mới sẽ còn tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 4-6 và có thể giảm từ sau tháng 8.

Ông cũng thừa nhận hệ thống y tế công của Brazil có thể “sụp đổ” vào cuối tháng 4 do bị quá tải và không đủ giường cho các bệnh nhân mới. Chính vì vậy, Bộ trưởng Mandetta kêu gọi người dân tuân thủ những khuyến cáo của cơ quan chức năng, không tập trung đông người, tự giác cách ly tại nhà.

Ngày 20/3, Chính phủ Cuba đã công bố các biện pháp mới nhằm đối phó với dịch COVID-19, bao gồm quyết định cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài. Trong chương trình được phát trực tiếp trên truyền hình nhà nước với sự có mặt của Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, Thủ tướng Manuel Marrero, Bộ trưởng Y tế José Ángel Portal Miranda và một số quan chức cao cấp khác của Chính phủ Cuba, Chủ tịch Diaz-Canel thông báo Cuba sẽ bắt đầu “điều chỉnh việc nhập cảnh qua biên giới của đất nước, bao gồm cả đường hàng không và đường biển", theo đó chỉ công dân Cuba và người cư trú được phép nhập cảnh vào nước này kể từ ngày 24/3 tới.

Biện pháp này sẽ được áp dụng trong vòng 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực. Nhà lãnh đạo Cuba khẳng định các biện pháp mới đưa ra nhằm tăng cường việc kiểm soát để ngăn chặn và giảm thiểu việc lây nhiễm trong nước và bảo vệ người dân.

Trong khi đó, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero cho biết biện pháp này không đồng nghĩa với việc đóng cửa biên giới. Chính phủ đảo quốc Caribe sẽ đảm bảo việc tiếp nhận công dân Cuba từ nước ngoài trở về, cũng như quyền lợi của người nước ngoài tại Cuba có nguyện vọng trở về nước. Theo ông, các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục được duy trì, song tất cả các chuyến bay hay tàu chở hàng cũng như các phi hành đoàn

Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong thông báo sáng 21/3 Singapore đã ghi nhận hai ca nhiễm SARS-CoV-2 tử vong do những biến chứng phức tạp của bệnh. Bệnh nhân thứ nhất là cụ bà 75 tuổi, người Singapore. Ngày 23/2, bà này được đưa vào Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NCID) vì bệnh viêm phổi và đã được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bà đã được điều trị tại Khoa Điều trị tích cực (ICU) kể từ khi được đưa vào NCID. Sau đó, bệnh nhân này đã có những biến chứng nghiêm trọng và tử vong sau 26 ngày điều trị tại ICU. Bà có tiền sử bệnh tim và huyết áp cao.

Bệnh nhân thứ hai là nam giới 64 tuổi người Indonesia. Ông này được đưa vào điều trị tích cực tại ICU thuộc NCID ngày 13/3 sau khi từ Indonesia đến Singapore trong cùng ngày và được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 vào ngày 14/3. Bệnh nhân cũng đã có những biến chứng nghiêm trọng và tử vong sau chín ngày điều trị tại đây.

Bộ Nội vụ Thái Lan đã ra lệnh cho các tỉnh trưởng của tất cả các tỉnh biên giới tạm thời đóng cửa biên giới từ ngày 22/3 để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Thư ký thường trực Bộ Nội vụ Chatchai Promlert đã gửi thư khẩn yêu cầu thực hiện biện pháp nói trên, nhưng cũng lưu ý rằng mỗi tỉnh sẽ được phép duy trì mở cửa thường xuyên một cửa khẩu nếu cần thiết phải sử dụng các điểm qua lại biên giới.

Riêng tỉnh Chiang Rai có biên giới với cả Myanmar và Lào sẽ được phép tiếp tục mở hai cửa khẩu (mỗi nước một cửa khẩu), nhưng các biện pháp nghiêm ngặt phải được thực thi để sàng lọc người qua lại biên giới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Saksayam Chidchob cho biết Cục Hàng hải cũng đã ra lệnh mới, trong đó yêu cầu hành khách và thủy thủ đoàn nhập cảnh Thái Lan phải được tách riêng và cách ly theo yêu cầu của các quan chức kiểm soát dịch bệnh. Chủ tàu hoặc người điều hành phải đảm bảo hành khách và thủy thủ đoàn có chứng nhận y tế được cấp trong vòng ba ngày và bảo hiểm COVID-19 với hạn mức điều trị 100.000 USD.

Đối với hành khách và thủy thủ đoàn người Thái Lan muốn về nước, họ cũng phải trình chứng nhận y tế đảm bảo sức khỏe đi lại và chứng nhận đi lại do Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan đại diện của Thái Lan ở nước ngoài cấp. Trước đó, Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan cũng đưa ra những yêu cầu tương tự.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Bangkok Post ngày 21/3 cho biết khoảng 200 lao động Việt Nam bị mắc kẹt tại một cửa khẩu tỉnh Nakhon Phanom ở đông bắc Thái Lan đã được phép tiếp tục hành trình về nước qua Lào. Những lao động này đi xe buýt qua Cầu Hữu nghị Thái Lan - Lào số 3 để tới Lào và từ đó tiếp tục đi về Việt Nam.

Nhà chức trách Lào đã ngừng cho người nước ngoài nhập cảnh từ 20/3 tới 20/4, do đó các lao động này bị kẹt lại tại các bến xe buýt ở tỉnh Nakhon Phanom. Tuy nhiên, sau các cuộc thương lượng giữa các quan chức nhập cư Thái Lan và Lào, các lao động Việt Nam đã được phép tiếp tục hành trình.

Sau khi Chính phủ Thái Lan ra lệnh đóng cửa các địa điểm giải trí trong 14 ngày, những lao động nói trên đã quyết định trở về nhà vì hầu hết trong số họ làm việc tại đây.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/236511/so-ca-mac-benh-covid-19-tai-uc-da-vuot-nguong-1-000-nguoi.html