Số ca mắc COVID-19 mới tại Lào tăng trở lại ở mức 4 con số
Phun khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại thủ đô Vientiane, Lào ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, ngày 7/11, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.076 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong.
Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 47.056 ca, trong đó có 82 người tử vong. Sau 2 ngày giảm xuống mức 3 con số thì Lào lại ghi nhận số ca mới tăng lên 4 con số (tăng 116 ca so với số liệu ngày 6/11), trong đó có tới 1.071 ca cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.
Đáng chú ý, số ca cộng đồng tại thủ đô Vientiane cũng gia tăng với 540 ca, tăng 91 ca so với một ngày trước.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh khác như Luang Prabang, Vientiane, Luang Namtha...
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào giao các bộ, cơ quan tương đương, doanh nghiệp tại thủ đô Vientiane và các tỉnh có dịch lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục cho phép cán bộ và công chức luân phiên trực ban hoặc làm việc từ xa. Những người có nguy cơ và phụ nữ có thai không thể tiêm vắc xin được cho làm việc ở nhà.
Bên cạnh đó, Ủy ban chuyên trách về phòng ngừa COVID-19 của Lào tiếp tục kêu gọi người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền khẩn trương đến các cơ sở y tế để được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
* Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Bộ y tế Malaysia Khairy Jamuluddin ngày 7/11 cho biết, nước này chấp nhận du khách nhập cảnh tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do Ấn Độ sản xuất.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Khairy chúc mừng vắc xin Covaxin của hãng Bharat Biotech (Ấn Độ) sản xuất đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua sử dụng khẩn cấp. Bên cạnh đó, quan chức này cho biết Malaysia không sử dụng vắc xin của Ấn Độ vì nguồn cung về các loại vắc xin khác đã đủ.
Tại Trung Quốc, giới chức y tế tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID-19” (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng), khẳng định các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của nước này là “tuân thủ theo khoa học".
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ông Wu Liangyou phát biểu với báo chí: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ, xây dựng một rào chắn vững chắc chống lại những ca bệnh nhập cảnh và lây nhiễm trong nước. Chiến lược ngăn chặn sự lây lan của các ca nhập cảnh và nội địa đã được chứng minh là tuân thủ theo khoa học và phù hợp với điều kiện của đất nước".
Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát đợt dịch bùng phát cách đây vài tuần với 918 ca nhiễm được ghi nhận tại 44 thành phố thuộc 20 tỉnh của nước này. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận 55 ca mắc mới, trong đó có 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Với quyết tâm theo đuổi chiến lược "Zero COVID-19", chính quyền các địa phương phát hiện các ca nhiễm mới COVID-19 ngay lập tức triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo ông Chung Nam Sơn, chuyên gia về các bệnh hô hấp từng tham gia đóng góp cho chiến lược ứng phó với COVID-19 của Trung Quốc đầu năm 2020, chính sách "Zero COVID-19" có thể sẽ được áp dụng lâu dài ở Trung Quốc, tùy thuộc diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới. Ông nhận định chính sách này mặc dù tốn kém nhưng hậu quả sẽ còn nhiều hơn nếu để dịch lây lan.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics - ông Ernan Cui, cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách "Zero COVID-19" trong khoảng một năm nữa nhờ khống chế thành công các vùng dịch.
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, Trung Quốc đã liên tục tăng cường các biện pháp ứng phó như xét nghiệm diện rộng, phong tỏa vùng dịch và hạn chế đi lại, mặc dù các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến kinh tế của các địa phương.