Số ca mắc Covid-19 ở châu Âu tiếp tục tăng mạnh
Ngày 21-10, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu buộc nhiều nước phải đẩy nhanh triển khai các biện pháp phòng ngừa. Ireland đã trở thành quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên tái áp đặt lệnh phong tỏa.
Ireland là quốc gia đầu tiên của EU tái áp dụng lệnh phong tỏa.
Châu Âu
Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết, kể từ từ 23h GMT ngày 21-10 (tức 6h ngày 22-10 theo giờ Việt Nam), nước này sẽ quay trở lại tình trạng phong tỏa sau khi ban hành lệnh “ở nhà” trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, các trường học và cơ sở giáo dục vẫn được phép mở cửa.
Các biện pháp mới có hiệu lực trong vòng 6 tuần, chỉ cho phép những người lao động trong lĩnh vực thiết yếu đi làm và người dân tập thể dục trong bán kính 5 km xung quanh nơi ở, trong khi đó, giao thông công cộng chỉ được hoạt động với 25% công suất để phục vụ nhóm người lao động trên. Thủ tướng Martin cũng cảnh báo những người vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt.
Thượng viện Berlin đã quyết định áp dụng mở rộng việc đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc. Thượng viện yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở những khu vực không thể đảm bảo được khoảng cách tối thiểu 1,5 mét. Ngoài ra, theo thông báo của Thị trưởng Berlin Michael Müller, giới hạn đối với các cuộc gặp riêng tư cũng sẽ sớm được áp dụng. Đối với các cuộc gặp ngoài trời chỉ được phép tối đa 25 người tham gia thay vì 50 người, các cuộc gặp trong nhà tối đa 5 người thay vì 10 người như trước đây.
Bỉ, nơi tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng 100%, đã quyết định đóng cửa quán bar và nhà hàng trong 1 tháng, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Trong khi đó, từng là tâm điểm của sự bùng phát dịch Covid-19 tại châu Âu hồi tháng 3, Italia đã nhanh chóng ban hành những biện pháp hạn chế mới nhằm tránh tái diễn kịch bản cũ. Theo đó, các nhà hàng, quán bar buộc phải đóng cửa sớm hơn và các cơ quan, công ty đẩy mạnh hình thức làm việc từ xa.
Chính phủ Ba Lan quyết định xây dựng một bệnh viện dã chiến tại sân vận động quốc gia nhằm giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế vốn đang quá tải. Hơn 50% diện tích lãnh thổ Ba Lan bị xếp vào "vùng đỏ" Covid-19.
Châu Á
Iran hiện là quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Số ca mắc Covid-19 liên tục tăng nhanh. Bộ Y tế Iran cho rằng, hậu quả của việc tăng vọt số ca tử vong mới là do người dân không tuân thủ hướng dẫn y tế về phòng dịch và không đeo khẩu trang.
Tại Nam Á, tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ đang có chiều hướng lắng dịu. Trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 46.790 ca mắc Covid-19. Đây là mức lây nhiễm trong 1 ngày thấp nhất trong khoảng 90 ngày qua, đưa tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 7,59 triệu người, trong đó có 115.197 trường hợp tử vong. Theo bộ trên, việc đẩy mạnh xét nghiệm toàn diện trên phạm vi cả nước là một trong những nguyên nhân chính giúp làm giảm tỷ lệ xét nghiệm dương tính, qua đó cho thấy tốc độ lây nhiễm dịch bệnh đang được ngăn chặn hiệu quả.
Ngoài ra, chính phủ cũng áp dụng quyết liệt các biện pháp truy vết, theo dõi, điều trị và sử dụng công nghệ để ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 lây lan. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình trạng lây nhiễm ở Ấn Độ có thể sẽ tăng khi mùa lễ hội đang đến gần, với các lễ hội Hindu quan trọng như Durga Puja trong tháng này và Diwali giữa tháng 11.
Châu Mỹ
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tin tưởng rằng nước này sẽ không phải áp dụng biện pháp phong tỏa trên toàn quốc mặc dù số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 liên tục tăng trong những tuần qua. Theo ông, người dân Canada hiện đã hiểu hơn về sự cần thiết của việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, vì thế, biện pháp phong tỏa chỉ áp dụng với các trường hợp cụ thể, để tránh phải đóng cửa toàn bộ nền kinh tế.
Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi bị ảnh hưởng nặng nề, với hơn 800 ổ dịch. Hiện 7 trong số các điểm nóng tại tỉnh Ontario là các nhà dưỡng lão ở Pickering, Toronto, Brampton và Woodbridge. Canada đã quyết định duy trì các biện pháp hạn chế ở biên giới với Mỹ tới ít nhất là cuối tháng 11 tới, trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng tại cả hai nước.
Chính phủ Brazil thông báo sẽ sử dụng rộng rãi loại vắc xin ngừa Covid-19 do phòng thí nghiệm Sinovac của Trung Quốc phát triển, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho các tình nguyện viên tại Brazil và dự kiến được Viện Butantan của Brazil đưa vào sản xuất từ tháng 12 tới. Chính phủ Brazil cũng dự kiến sẽ mua khoảng 46 triệu liệu vắc xin mang tên CoronaVac này với tổng giá trị khoảng 427 triệu USD.
Tính đến 6h ngày 21-10, thế giới đã có 40.988.352 ca mắc Covid-19, 1.128.228 trường hợp tử vong.