Số ca mắc COVID-19 ở Lâm Đồng tăng nhanh nhất khu vực Tây Nguyên
10 ngày nay, số ca mắc COVID-19 ở Lâm Đồng tăng nhanh, có ngày lên đến gần 500 ca, cao nhất Tây Nguyên.
Ngày 5/1, Sở Y tế Lâm Đồng ghi nhận 225 ca mắc COVID-19, 1 người tử vong; nâng tổng số người mắc lên 11.295, số trường hợp tử vong là 32.
Ở khu vực Tây Nguyên, nếu tính tổng số người mắc thì Lâm Đồng xếp sau Đắk Lắk; tuy nhiên trong 10 ngày gần đây, số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở Lâm Đồng tăng nhanh. Trung bình mỗi ngày Lâm Đồng có khoảng 250 ca mắc COVID-19, cao nhất Tây Nguyên. Trong đó, 3 ngày liên tiếp là 27, 28 và 29/12, số ca mắc cao chưa từng có, lần lượt là 358, 394 và 483 ca.
Hiện số ca mắc COVID-19 đang điều trị ở Lâm Đồng là 4.198, cao nhất so với 5 tỉnh trong khu vực.
Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Lâm Đồng hiện có 3 huyện, 31 xã, phường, thị trấn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao về COVID-19).
Để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay, ngày 5/1, ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt đã ký các quyết định thành lập 16 Trạm Y tế (TYT) lưu động ở 16 xã, phường.
Các TYT lưu động này chịu sự quản lý, điều hành của Giám đốc Trung tâm Y tế Đà Lạt; có chức năng, nhiệm vụ, vận hành theo Quyết định số 4042 / QĐ- BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế về ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình TYT lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19.
Mỗi TYT lưu động có 5 người, do Trưởng hoặc Phó TYT phường, xã làm trưởng trạm; các thành viên là y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế thôn bản, cán bộ y tế hưu trí, người hành nghề tại cơ sở y dược tư nhân tham gia.
Theo UBND TP Đà Lạt, tùy tình hình thực tế, UBND xã, phường có thể huy động thêm các lực lượng khác để hỗ trợ cho TYT lưu động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Cùng ngày, bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết các TYT lưu động này sẽ hỗ trợ tích cực cho việc điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà. Đến nay đã có 433 trường hợp mắc COVID-19 được điều trị tại nhà, trong đó 31 người kết thúc điều trị.
Toàn bộ 16 xã, phường ở TP Đà Lạt đều có F0 điều trị tại nhà, trong đó nhiều nhất là Phường 8 với 69 trường hợp.