Số ca mắc Covid-19 phát hiện tại TP Hồ Chí Minh giảm dần

Xét nghiệm vòng 3 tại 'vùng đỏ' và 'vùng cam' tại TP Hồ Chí Minh sơ bộ cho thấy, tỷ lệ các ca dương tính tại 2 vùng này giảm dần qua từng vòng.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Chiều 12/9, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Tâm, cho biết, thành phố đang triển khai xét nghiệm vòng 3 tại “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao), “vùng cam” (nguy cơ cao). Theo đánh giá sơ bộ, tỷ lệ các ca dương tính tại hai vùng này giảm dần qua từng vòng.

“Tại vùng đỏ, vùng cam, tỷ lệ ca dương tính phát hiện trên tổng số mẫu xét nghiệm ở vòng 1 là 3,6%, vòng 2 là 2,7% và vòng 3 (đã thực hiện 55%) là 1,3%. Trong khi đó, tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 tại “vùng xanh”, “cận xanh”, “vùng vàng” lần lượt là 0,78%, 1,27%, 1,41%. Qua đó cho thấy việc phân vùng trước đây của thành phố là khá chính xác”, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết.

Liên quan thời gian và lộ trình mở cửa chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, thành phố chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa hay ngưng hoạt động các chợ, cửa hàng, siêu thị… do đó, không có kế hoạch tổ chức mở cửa hoạt động trở lại.

Theo ông Phương, việc các chợ ngưng hoạt động thời gian qua là do điều kiện thực tế phát hiện ca lây nhiễm, hoặc qua quá trình kiểm soát cho thấy chưa đáp ứng được tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19.

Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân kịp thời, bảo đảm nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản yêu cầu Sở Công thương thành phố hướng dẫn các quận, huyện, TP Thủ Đức nhanh chóng tổ chức các phương án để tái khởi động lại các chợ đang tạm ngưng hoạt động. Các quận, huyện đã xây dựng phương án triển khai. Tuy nhiên, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” thì việc triển khai phải dừng lại để chuyển sang phương thức “đi chợ hộ”.

Tới đây, trong điều kiện thực tế, khi công tác phòng, chống dịch có thay đổi, khả năng đáp ứng được yêu cầu này thì các chợ sẽ hoạt động lại. “Trước mắt, Sở Công thương sẽ làm việc với các quận, huyện nhằm rà soát nắm lại các phương án của các địa phương để có những điều chỉnh kịp thời. Khi điều kiện cơ bản đáp ứng được thì các chợ tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức cùng 3 chợ đầu mối sẽ hoạt động trở lại”, ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay.

Tại cuộc họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, đến nay, Công an thành phố đã lắp đặt 109 điểm kiểm tra, kiểm soát với 116 thiết bị camera quét mã QR để tiến hành kiểm tra giấy đi đường.

Tính từ 6 đến 11/9, qua kiểm tra, kiểm soát tại 914 trạm kiểm soát trên toàn thành phố, Công an thành phố đã kiểm tra 1.383.500 lượt phương tiện (trong đó, ô-tô là 282.666, xe khách 5.308, xe vận tải 330.174, xe máy 765.252). Ngoài ra, Công an thành phố đã kiểm tra 669.331 lượt người, trong đó có 434 người nước ngoài; đã lập biên bản xử lý 3.986 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, thời gian tới, Công an thành phố tiếp tục tăng cường các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành các quy định giãn cách; tăng cường ứng dụng công nghệ với việc gắn camera quét mã QR để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm tại chốt, trạm kiểm soát; tăng cường tuần tra, kiểm tra khu dân cư cũng như xử lý nghiêm các trường hợp giả danh, giả mạo giấy tờ.

LINH BẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/so-ca-mac-covid-19-phat-hien-tai-tp-ho-chi-minh-giam-dan-664585/