Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ Latin và Caribe vượt 40 triệu người

Người dân được tiêm phòng vắcxin ngừa COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil ngày 30/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 24/7, tổng số ca mắc COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã vượt qua mốc 40 triệu ca.

Cụ thể, theo thống kê do hãng tin AFP của Pháp tổng hợp từ các báo cáo chính thức, đến 9h sáng 24/7 (giờ Việt Nam), khu vực Mỹ Latin và Caribe ghi nhận tổng số 40.073.507 ca COVID-19 kể từ khi phát ca đầu tiên hồi năm ngoái. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh tại khu vực trên là 1.353.335 người.

Cũng theo thống kê của AFP, tuần qua, biến thể Delta đã lây lan nhanh và gây ra một làn sóng các ca mắc mới trên thế giới, nâng tổng số bệnh nhân trên toàn cầu lên hơn 192,94 triệu ca, trong đó có hơn 4,14 người đã tử vong.

Hiện Brazil đang là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực Mỹ Latin. Ngày 23/7, nước này ghi nhận thêm 108.732 ca mắc mới, nâng tổng số ca COVID-19 lên là 19.632.443 ca.

Đây là mức ghi nhận trong ngày cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Brazil, chủ yếu do bang Rio Grande do Sul báo cáo bổ sung khoảng 64.056 ca chưa được thống kê đầy đủ trước đó. Theo Bộ Y tế Brazil, tổng số ca tử vong vì COVID-19 của nước này cũng tăng lên mức 548.340 ca, cao hơn 1.324 ca so với một ngày trước đó.

Tình hình dịch bệnh tại Brazil có phần cải thiện từ tuần cuối tháng 6, khi số bệnh nhân nhập viện ít dần giúp các bệnh viện được giảm tải sau thời gian tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân hồi tháng 3, tháng 4 và đầu tháng 6.

Đứng thứ 2 và thứ 3 khu vực là Argentina và Colombia với tổng số ca mắc lần lượt là hơn 4,8 và hơn 4,7 triệu ca trong khi tổng số ca tử vong lần lượt là hơn 103.000 và hơn 118.000 ca. Giới chuyên gia chỉ ra những khó khăn chính cản trở các nỗ lực phòng chống dịch bệnh tại Mỹ Latin và Caribe gồm thách thức từ các biến thể lây lan nhanh, tỉ lệ tiêm phòng ở mức thấp, các thành phố đông đúc dân cư, hệ thống y tế yếu kém và tỉ lệ người bị bệnh nền như béo phì cao hơn trung bình toàn thế giới.

Tại Hàn Quốc, ngày 24/7, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật ngân sách bổ sung trị giá 34.900 tỉ won (khoảng 30,3 tỉ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Dự luật đã được thông qua trong phiên họp toàn thể quốc hội nước này với tỉ lệ 208 phiếu ủng hộ, 17 phiếu chống và 12 phiếu trắng.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngân sách bổ sung lần hai trong năm nay được đưa ra khi Hàn Quốc đang trong tình trạng bán phong tỏa do làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ 4 trên toàn quốc. Ngay sau khi được quốc hội phê chuẩn, Chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt kế hoạch phân bổ ngân sách bổ sung trong phiên họp nội các bất thường do Thủ tướng Kim Boo-kyum chủ trì.

Thủ tướng Hàn Quốc nêu rõ: "Tôi kêu gọi các bộ liên quan nhanh chóng giải ngân số tiền bổ sung này để kịp thời giúp đỡ những người gặp khó khăn". Ông nhấn mạnh tới những những thiệt hại mà đại dịch đã gây ra cho người dân.

Với khoản ngân sách bổ sung này, phần lớn từ nguồn thu thuế, Chính phủ Hàn Quốc sẽ bơm tổng cộng khoảng 38.000 tỉ won vào nền kinh tế để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ chịu nhiều thiệt hại do các yêu cầu hạn chế kinh doanh chống dịch bệnh và khuyến khích chi tiêu tiêu dùng để thúc đẩy nền kinh tế. Hơn 5.000 tỉ won sẽ được dành làm quỹ cứu trợ cho các doanh nghiệp nhỏ như các nhà hàng, quán cà phê hoặc phòng tập thể dục tư nhân đã bị yêu cầu đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng sử dụng một phần ngân sách bổ sung để hỗ trợ các ngân hàng cấp tín dụng cho các cá nhân trong nhóm thu nhập thấp nhất và thực hiện chương trình hoàn tiền đặc biệt cho khách hàng nhằm thúc đẩy chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Theo chương trình này, mỗi cá nhân đủ điều kiện có thể được hoàn tiền tới 250.000 won.

Trong khi đó, Chính quyền Mỹ đã đặt mua bổ sung 200 triệu liều vắcxin Pfizer, với thời hạn giao hàng là trong khoảng thời gian từ tháng 910/2021-4/2022. Động thái trên cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục mở rộng kho dự trữ vắcxin trong bối cảnh Nhà Trắng tính đến khả năng tiêm mũi thứ ba tăng cường cho công dân Mỹ cũng như việc tiêm ngừa cho trẻ em trong trường hợp cần thiết.

Hợp đồng mua sắm này độc lập với tuyên bố về thỏa thuận Pfizer sẽ cung ứng 500 triệu liều vắcxin cho Mỹ để hỗ trợ các nước nghèo nhất thế giới chống dịch COVID-19 được đưa ra trong tháng trước. Tính đến thời điểm hiện nay, Mỹ đã đặt mua 500 triệu liều vắcxin Pfizer từng được chính quyền Trump đàm phán, ký kết hồi tháng 7/2020.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/261610/so-ca-mac-covid-19-tai-my-latin-va-caribe-vuot-40-trieu-nguoi.html