Số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng trở lại

Từ 76 ca nhiễm phát hiện trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, số lượng F0 tại TP.HCM đã tăng gấp 10 lần trong vòng chưa đến 2 tuần.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc Covid-19 xác định (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) và số ca nghi nhiễm phát hiện trên địa bàn thành phố thời gian gần đây có chiều hướng tăng.

Từ con số thấp nhất là 24 ca được ghi nhận ngày 5/2, đến nay, số lượng F0 trên địa bàn tăng gấp hơn 10 lần. Theo dự đoán của ngành y tế và các chuyên gia, số ca nhiễm tại TP.HCM có thể sẽ tiếp tục tăng.

Số ca nhiễm tăng, ca tử vong giảm mạnh ở TP.HCM

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM ngày 19/2, trong 24 giờ qua, thành phố phát hiện 849 ca dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm 532 người sàng lọc tại bệnh viện, 295 ca phát hiện tại cộng đồng do các Trung tâm Y tế lấy mẫu, 22 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.

Trong số 849 ca nhiễm được phát hiện, TP Thủ Đức nhiều nhất với 194 ca. Một số địa phương còn lại là Bình Thạnh (90), Tân Phú (58), quận 4 (55), quận 10 (51), quận 7 (44), Phú Nhuận (43), Gò Vấp (41)...

Ngoài ra, tổng số ca nghi ngờ (qua test nhanh kháng nguyên) là 754 ca. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 cộng dồn tại TP.HCM theo công bố của Bộ Y tế đến nay là 519.252 người.

Thành phố có 948 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị. Trong đó, 205 người đang điều trị tại bệnh viện tầng 3, 183 ca nặng cần hỗ trợ hô hấp, 50 bệnh nhân được thở máy xâm lấn.

Số lượng trẻ em F0 trên địa bàn thành phố thời gian gần đây cũng có xu hướng tăng sau khi trường học mở cửa trở lại. Hiện có 35 trẻ dưới 16 tuổi được điều trị.

Về tình hình số ca nhiễm biến chủng mới Omicron, hiện TP.HCM vẫn công bố 11 ca nhiễm tại cộng đồng và 155 ca là người nhập cảnh.

Xu hướng tăng nhanh số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM đã được đại diện Sở Y tế TP.HCM và các chuyên gia dự đoán. Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan là số ca tử vong trên địa bàn thành phố đã giảm rất sâu và hướng dần về 0.

Trong ngày 18/2, TP.HCM ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 tử vong, đều từ địa phương khác chuyển đến, có bệnh nền.

Tiến độ tiêm chủng:

TP.HCM rà soát năng lực điều trị F0

Trong văn bản mới đây gửi lãnh đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức, Sở Y tế TP.HCM đề nghị rà soát và chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch, sẵn sàng kích hoạt trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

- Đối với các cơ sở điều trị Covid-19 tuyến huyện: Sở Y tế TP đề nghị sắp xếp lại xây dựng phương án bảo đảm công tác thu dung, điều trị F0 theo từng cấp độ dịch.

Phương án cần thể hiện rõ danh sách, địa điểm, quy mô giường cách ly điều trị của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; dự kiến nguồn nhân lực tổ chức vận hành và chăm sóc người bệnh.

 F0 thở oxy tại Bệnh viện điều trị Covid-19 ở huyện Hóc Môn trong đợt bùng phát dịch năm 2021 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

F0 thở oxy tại Bệnh viện điều trị Covid-19 ở huyện Hóc Môn trong đợt bùng phát dịch năm 2021 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

- Đối với cơ sở chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà: Sở Y tế đề nghị UBND cấp xã xây dựng kế hoạch tổ chức quản lý F0 tại nhà; theo dõi sát số ca mắc mới, số ca mắc mới trên địa bàn để kịp thời kích hoạt mạng lưới chăm sóc F0 tại nhà.

Đặc biệt, Sở Y tế TP.HCM đề xuất các địa phương xác định số lượng hộ gia đình có khả năng chăm sóc, quản lý khi có ca F0.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc = (Tổng số bệnh nhân Covid-19 có thể quản lý, chăm sóc toàn bộ dân số trên địa bàn cấp xã) × 10.000.

Tuy nhiên, TP.HCM hiện nay hơn 90% người dân đủ tuổi đều được tiêm vaccine phòng Covid-19, do đó, tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc được tính dựa theo số hộ gia đình có F0.

+ Đối với trạm y tế lưu động có một bác sĩ, 1-2 điều dưỡng thì có khả năng chăm sóc, quản lý 50-100 hộ có F0.

+ Đối với tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng có một bác sĩ, 1-2 điều dưỡng thì có khả năng chăm sóc, quản lý 50-100 hộ có F0.

+ Đối với tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng chỉ có nhân viên y tế, không có bác sĩ thì hỗ trợ trạm y tế, trạm y tế lưu động chăm sóc, quản lý từ 10-20 hộ có F0. Những cơ sở này không áp dụng để đánh giá tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc F0/10.000 dân.

Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà khi tiếp nhận thông tin của người dân khai báo có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính phải đánh giá tình trạng lâm sàng và khai thác yếu tố dịch tễ.

Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác định là F0 theo quy định của Bộ Y tế, cơ sở chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà thực hiện lại xét nghiệm cho người bệnh bằng xét nghiệm nhanh do Bộ Y tế cấp phép.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-ca-mac-covid-19-tai-tphcm-tang-tro-lai-post1297259.html