Số ca mắc Covid-19 tăng cao, Bộ Y tế yêu cầu tránh để F0 tự điều trị
Trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng kéo theo tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong cao, nhiều địa phương tập trung tìm kiếm người có nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine Covid-19.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến tối 23/12, số ca nhiễm nCoV tại Việt Nam tiếp tục có chiều hướng tăng.
Trong bối cảnh này, Chính phủ vừa gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công thương và các sở, ngành phối hợp UBND tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp cung ứng oxy y tế, không để xảy ra tình trạng thiết hụt nguồn oxy tại phía Nam.
Trung bình số F0 tại Hà Nội cao hơn TP.HCM
Trong ngày 23/12, Hà Nội phát hiện thêm 1.000 ca mắc Covid-19, đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp phát hiện trên 1.000 F0 trong 24 giờ (từ ngày 15/12). Trung bình 7 ngày qua, số ca nhiễm tại thành phố này là 1.417 người.
Trong giai đoạn dịch bùng phát lần 4 hồi tháng 8-9, trung bình số F0 trong 7 ngày ở Hà Nội dao động ở mức 50-86 ca.
Sang giai đoạn bình thường mới vào tháng 10, số ca nhiễm tiếp tục giảm sâu, có ngày Hà Nội chỉ phát hiện 3 ca nhiễm nCoV. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 đến nay, đồ thị ca nhiễm tại Hà Nội đang tăng lên rất nhanh, từ 39 ca ngày 1/11 lên 338 ca ngày 1/12 và hiện tại là 1.223 ngày 24/12.
Số ca nhiễm ở TP.HCM trong 7 ngày qua hiện cũng ở mức tương đương so với Hà Nội. Tuy nhiên, điểm khác nhau là đồ thị ca nhiễm tại TP.HCM có chiều hướng giảm nhẹ. Hiện, trung bình ca nhiễm trong 7 ngày qua tại TP.HCM tính đến 23/4 là 905, thấp hơn Hà Nội.
F0 tự điều trị do không liên lạc được y tế địa phương
Ngày 23/12, Hà Nội tiếp tục là nơi ghi nhận số lượng ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước (1.774 ca - theo Bộ Y tế). Đây là ngày thứ 5 thành phố này đứng đầu danh sách các tỉnh có ca mắc mới cao nhất cả nước.
Dù đã có kế hoạch về số giường điều trị cũng như quy định trong việc theo dõi F0 tại nhà, sự tiếp cận của ngành y tế đối với người nhiễm virus tại Hà Nội vẫn mang đến nhiều lo ngại vì sự thiếu nhất quán.
Phản ánh với Zing, một số trường hợp F0 tại Hoàng Liệt, Ô Chợ Dừa cho biết dù đã khai báo y tế và liên lạc với trạm y tế nhưng không thể nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng y tế địa phương.
Thậm chí, có F0 không liên lạc được với y tế địa phương nên tự điều trị, sau 10 ngày, khi đã có kết quả test nhanh âm tính thì bất ngờ được thông báo đi điều trị tập trung.
Câu chuyện trên được chị N.B. đặt câu hỏi trong nhóm các bác sĩ quân y tư vấn miễn phí cho bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội. Tình trạng này tương tự nhiều bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM trong một số thời điểm y tế phường bị quá tải.
Ngày 23/12, Bộ Y tế cho biết cơ quan này tiếp tục chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành phố rà soát, phối hợp tổ chức liên quan để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, trên website của sở số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự test nhanh kháng nguyên dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần tổ chức tư vấn và hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tránh việc tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn y tế hoặc di chuyển đến bệnh viện, nơi đông người.
Bộ Y tế vừa phân cấp 200.000 viên thuốc Molnupiravir 200 mg cho Hà Nội. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương cấp phát cho các bệnh nhân đủ điều kiện.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cũng vừa có chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế ở tất cả các tuyến, có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động; Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.
F0 tăng ở nhiều tỉnh, thành phố
Sau Hà Nội, Cà Mau và Tây Ninh vẫn là 2 tỉnh có số ca mắc cao thứ 2 và thứ 3 cả nước. Hôm nay, Cà Mau đánh dấu ngày thứ 10 liên tiếp ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các huyện rà soát lại các ca nhiễm, ca tử vong vì Covid-19, báo cáo nguyên nhân vì sao đa số các trường hợp này chưa được tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng chủ trương rà soát lại từng nhà, từng người dân, đánh giá tỷ lệ tiêm vaccine tại từng địa bàn.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh này đề nghị lập danh sách những người đủ điều kiện nhưng không đồng ý tiêm vaccine, làm cam kết, nếu nhiễm nCoV thì tự chịu mọi chi phí điều trị và không được tham gia các hoạt động có đông người.
Trong khi đó, Tây Ninh cũng đã có 13 ngày liên tiếp phát hiện trên 900 F0 trong 24 giờ (chưa kể số lượng ca bổ sung). Trung bình một tuần qua, tỉnh này ghi nhận 940 ca nhiễm/ngày.
Theo thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình, ngày 23/12, tỉnh này ghi nhận thêm 43 ca nhiễm, đặc biệt có đến 40 ca tại cộng đồng.
Trong đó, có 4 người trở thành F0 sau khi tiếp xúc với người dương tính trở về từ vùng dịch. Chùm ca bệnh tại công ty Dalu Surimi (huyện Bố Trạch), ổ dịch liên quan Chợ Tréo - Kiến Giang tiếp tục có thêm 3 người nhiễm bệnh. Một số ca bệnh khác cũng chưa xác định được nguồn lây.
Trước tình hình phức tạp tại một số địa bàn, lại vào dịp cận Tết Dương lịch, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công văn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Sau TP.HCM, Đắk Lắk là tỉnh tiếp theo thí điểm cho ra viện sớm đối với bệnh nhân Covid-19 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính.
Thanh Hóa cũng có ngày thứ 2 vượt mốc 300 ca mắc mới trong ngày (306 ca ngày 23/12 và 364 ca ngày 21/12).
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, ngày 23/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 302 F0 mới.
Trong đó có 144 F0 từ các khu công nghiệp trong tỉnh, nhiều nhất là Khu công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa (112 bệnh nhân) và Công ty giày Annora thị xã Nghi Sơn (21 bệnh nhân). Bệnh nhân từ các công ty này có địa chỉ ở nhiều huyện trong tỉnh.
Báo Thái Bình điện tử đưa tin cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thái Bình, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều hơn các ổ dịch cộng đồng, lẻ tẻ và rải rác tại một số địa phương, trong đó một số ổ dịch chưa xác định được nguồn lây nhiễm.
Trong đợt dịch cao điểm từ ngày 10/11 đến ngày 22/12, Thái Bình đã ghi nhận 2.076 ca mắc Covid-19. Trong tuần đầu tiên của đợt cao điểm, số ca mắc cộng đồng là 70 - 80 ca/ngày, đến cuối tháng 11 đầu tháng 12 giảm xuống khoảng 30 ca/ngày, đến nay lại có xu hướng tăng.
Trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, tỉnh Thái Bình đã kích hoạt và đưa vào sử dụng 8 Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ ở cả 8 huyện, thành phố.
Trong 2 ngày gần đây, Bến Tre đã có xu hướng giảm nhẹ số ca mắc Covid-19 xuống còn dưới 500 ca nhưng vẫn còn rất cao.
Hải Phòng cũng đang tăng khá nhanh số ca mắc mới trong ngày. Tại cuộc họp nâng cao năng lực quản lý, theo dõi và phân loại nguy cơ, định hướng điều trị Covid-19, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng chủ trương thành lập 226 trạm y tế lưu độn, tổng đài tư vấn F0 và đầu tư hệ thống oxy khí nén.
Lãnh đạo thành phố này xác định nếu số ca F0 phát sinh tăng cao như các địa phương khác, năng lực điều trị tại trạm y tế lưu động sẽ quá tải.
Vì vậy, thành phố này đã bắt đầu tập huấn nhằm cung cấp thông tin liên quan việc cách ly, vận chuyển, điều trị người mắc Covid-19, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của tuyến y tế cơ sở.
Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm liều 3
Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định. Đặc biệt, Bộ lưu ý việc ưu tiên tiêm chủng cho người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.
Trong ngày 22/12, có 1.273.529 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm, trong đó tiêm mũi 1 là 76.524.842 liều, tiêm mũi 2 là 64.109.397 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.708.262 liều.
Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi một cho người trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng, trả mũi 2 cho người đã tiêm mũi một đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến 13h30 ngày 23/12, hiện tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 97,0% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 84,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 93,7% và 80,0%, miền Trung là 94,4% và 83,1%; Tây Nguyên là 90,7% và 67,1%; miền Nam là 100% và 89,3%.
Về triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 10.073.356 liều, trong đó có 6.956.196 liều mũi 1 và 3.117.160 liều mũi 2.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 76,2% và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 34,1% dân số từ 12 -17 tuổi. Các tỉnh thành phố đã cơ bản bao phủ đủ 2 liều vaccine cho nhóm tuổi này là Hà Nam, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang.