Số ca mắc COVID-19 tăng, đẩy mạnh tiêm chủng trong tháng 4-6/2023
Sau rất nhiều ngày kể từ đầu năm 2023 khi số mắc COVID-19 chỉ vài ca/ngày hoặc nhiều hơn đến 50 ca/ngày, ngày 11 và 8 tháng 4 là 2 ngày có số ca mắc COVID-19 tăng cao ở nước ta, với số ca lần lượt là 122 và 183 ca.
Số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tiếp tục tăng >100 ca/ngày
Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 11/4 cả nước có 183 ca mắc COVID-19, tăng 70 ca so với ngày trước đó (10/4). Đây cũng là ngày có số mắc cao nhất từ đầu năm đến nay.
Trước đó, ngày 8/4, số ca mắc COVID-19 ở nước ta cũng tăng lên con số 122 ca. Như vậy, sau rất nhiều ngày kể từ đầu năm 2023 khi số mắc COVID-19 chỉ vài ca/ngày hoặc nhiều hơn đến 50 ca/ngày, đây là 2 ngày có số ca mắc COVID-19 tăng cao ở nước ta.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.528.042 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.500 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã điều trị khỏi là: 10.615.134 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy qua mặt nạ là 10 ca. Đây là ngày có số bệnh nhân nặng đang điều trị nhiều nhất trong vài tuần qua.
Đến nay, gần 3,5 tháng liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết COVID-19 sẽ không biến mất như bệnh SARS vào năm 2003. Nước ta đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế, đo dó tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ, dịch bệnh ở nước xa xôi nhất có thể xâm nhập vào nước ta.
Người dân cần chú ý các vấn đề dự phòng, đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cũng lưu ý: Những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, cần chú ý bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền, tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tăng cường triển khai tiêm chủng và bổ sung vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 trong tháng 4-6/2023
Ngày 10/4, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế đã có công văn số 603/VSDTTU-TCQG gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur về việc tăng cường triển khai tiêm chủng và nhu cầu bổ sung vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca trong tháng 4-6/2023.
Công văn nêu rõ, ngày 8/2/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã ban hành Quyết định số 65/QĐ- VSDTTƯ về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 186, theo đó phân bổ 832.900 liều vaccine AstraZeneca có hạn sử dụng ngày 9-11/7/2023 cho 63 tỉnh/ thành phố trong toàn quốc để triển khai tiêm chủng mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh/thành phố đến ngày 8/4/2023, trên toàn quốc đã tiêm được khoảng 266 triệu mũi vaccine COVID-19, trong đó có 51,6 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm liều nhắc lại (mũi 3), đạt tỷ lệ 81,0%. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều trên cả nước và vẫn có nhiều địa phương đạt thấp dưới 80%. Số vaccine AstraZeneca hiện còn tại các tuyến (chưa bao gồm 204.400 liều dự trữ tuyến quốc gia) là khoảng 300.000. Tốc độ sử dụng vaccine AstraZeneca trong 8 ngày đầu tháng 4/2023 chậm với trung bình khoảng 1.040 mũi/ngày, dẫn tới nguy cơ cao không sử dụng hết vaccine.
Để tăng độ bao phủ và sử dụng hiệu quả vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố báo cáo, tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương chỉ đạo các đươn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là tiêm tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương chưa đạt tỷ lệ mục tiêu tối thiểu là 80%, sử dụng hiệu quả số vaccine AstraZeneca đã phân bổ cho các tỉnh/thành phố đợt 186 nêu trên.
Sở Y tế các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát đối tượng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại địa phương. Trường hợp có nhu cầu bổ sung vaccine AstraZeneca trong tháng 4- 6/2023, đề nghị các tỉnh/thành phố gửi văn bản về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur trước ngày 17/4/2023 để tổng hợp và kịp thời cung cứng vaccine.
Đồng thời, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur thực hiện hỗ trợ chuyên môn các địa phương và tăng cường công tác quản lý, điều phối vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca giữa các tỉnh thuộc khu vực quản lý.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở thời điểm hiện tại, 2 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng của vaccine COVID-19 là sự biến đổi thường xuyên, liên tục của vi rút SARS-CoV-2 với các biến chủng mới tăng khả năng lây lan và sự giảm kháng thể, khả năng bảo vệ chống nhiễm SARS-CoV-2, tái mắc COVID-19. Do đó, tại thời điểm này, chưa thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với COVID-19, chưa thể xác định việc loại trừ COVID-19.
Vì vậy, cần tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine COVID-19 đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, như: Người già, người có bệnh mãn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch…; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.
Việc tiêm vaccine COVID-19 cho 100% đối tượng có nguy cơ cao bao gồm cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc, sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.