Số ca mắc COVID-19 tăng, nhiều trường khuyến cáo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch

Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng, để phòng dịch và tránh ảnh hưởng đến quá trình học tập, các trường học trên địa bàn Hà Nội nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, theo phương án đã xây dựng.

Nhiều trường học khuyến cáo cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19

Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng bác bỏ thông tin "sẵn sàng chuyển học trực tuyến", các bậc phụ huynh đã phần nào yên tâm. Tuy nhiên, đây là giai đoạn cuối năm học, các kỳ thi cuối học kỳ II, tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6, lớp 10 và tốt nghiệp THPT đang đến gần nên nhiều trường học đã có thông báo nhắc nhở cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh không chủ quan trước diễn biến của dịch COVID-19.

Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, cô Vũ Nguyệt Ánh - Hiệu trưởng Trường mầm non Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hiện tại, nhà trường chưa ghi nhận trường hợp học sinh nào mắc COVID-19, các con vẫn đi học bình thường.

"Cùng với công tác dạy và học thì vệ sinh, phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, được cán bộ giáo viên, học sinh thực hiện hàng ngày. Việc vệ sinh khử khuẩn vẫn được nhà trường duy trì thường xuyên.

Toàn bộ các lớp, khu vực vui chơi đều được lau bằng dung dịch khử khuẩn hai lần trước khi nhận và sau khi trả học sinh. Trong lớp học, việc vệ sinh cá nhân của từng trẻ cũng được cô giáo chú trọng. Về vệ sinh cho các con tại trường, trước mỗi giờ ăn, các con được cô giáo hướng dẫn, nhắc nhở và giám sát việc rửa tay bằng xà phòng, lau mặt sạch sẽ. Sau mỗi bữa ăn, giáo viên các lớp học cho các con súc miệng bằng nước muối phòng tránh các bệnh về hô hấp và răng miệng. Phòng y tế có khẩu trang dự phòng và đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19", cô Ánh cho biết.

Trẻ được cô giáo hướng dẫn vệ sinh trước mỗi giờ ăn.

Trẻ được cô giáo hướng dẫn vệ sinh trước mỗi giờ ăn.

Tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm), nhà trường mới có thông báo cho biết, thời tiết giao mùa tại miền Bắc hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển, trong đó có virus SARS-CoV-2. Nhằm chủ động phòng chống dịch COVID-19, Ban Giám hiệu nhà trường khuyến cáo toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh thực hiện đồng thời các biện pháp.

Cụ thể, đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao và những nơi có không gian hẹp, kín; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay, nhất là sau khi ho hoặc hắt hơi. Không tiếp xúc với những người mắc bệnh COVID-19 hoặc những người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19. Tiêm vaccine đầy đủ theo khuyến cáo, đúng lịch bởi đây là biện pháp phòng COVID-19 hiệu quả, giảm thiểu tình trạng bệnh chuyển nặng và nhập viện.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh khi có ít nhất 3 trong các triệu chứng (sốt, ho, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, giảm hoặc mất khứu giác, giảm hoặc mất vị giác, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó thở) thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng trường THCS – THPT M.V Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) cho biết, trường phát hiện 9 học sinh lớp 12 mắc COVID-19. "Với những học sinh mắc COVID-19, nhà trường đã thống nhất với phụ huynh cho các em nghỉ ở nhà đến khi test âm tính mới quay lại trường.

Nhà trường cũng đã tăng cường thông báo cho phụ huynh, học sinh nắm được tình hình thực tế, nhắc nhở các em đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn và cũng trang bị thêm khẩu trang, nước khử khuẩn, bộ test nhanh COVID-19. Trường cũng yêu cầu giáo viên các lớp hỗ trợ, dạy bù cho học sinh phải nghỉ học do COVID-19, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kiến thức cho học sinh khối lớp 12 đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT".

Từ đầu tuần đến nay, Trường THPT Việt Đức (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ghi nhận 7 trường hợp học sinh mắc COVID-19. Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các trường hợp này đều ghi nhận tại nhà, phụ huynh thông báo với giáo viên chủ nhiệm, chưa xuất hiện ca mắc tại trường.

"Đối với sức khỏe học sinh mắc COVID-19, các em đều tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 nên các biểu hiện mắc ho, sốt, mỏi cơ rất nhẹ, không có trường hợp nào chuyển biến nặng. Còn lo lắng của nhiều phụ huynh khi thời điểm này đang là giai đoạn nước rút ôn tập cuối năm học, học sinh nghỉ sẽ ảnh hưởng tiến độ học, nhà trường tạo điều kiện để các em theo dõi tiết học qua camera trực tuyến, nên các em không lo gián đoạn việc học và ôn tập cuối kỳ", cô Quỳnh thông tin.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội) cho biết, từ ngày 10 đến nay, các trường học trên địa bàn quận ghi nhận 16 học sinh mắc COVID-19, chủ yếu ở cấp tiểu học và THCS. Các ca mắc này đều được phụ huynh báo với nhà trường, hiện chưa ghi nhận chùm ca bệnh hay trường hợp nhiễm bệnh tại lớp.

Để tăng cường an toàn cho học sinh, Phòng GD&ĐT quận đã nhắc nhở các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường phòng chống dịch, thường xuyên nhắc nhở học sinh rửa tay, hạn chế tập trung đông. Phòng cũng khuyến cáo các trường cho học sinh sử dụng cốc riêng hoặc chai nước riêng. Khi học sinh biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi sẽ phối hợp y tế và gia đình để theo dõi sức khỏe...

Chuyên gia khuyến cáo gì để phòng chống dịch bệnh?

Các chuyên gia nhận định số ca COVID-19 gia tăng do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, còn do tâm lý chủ quan trong phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, khử khuẩn thường xuyên của nhiều người dân. Ngoài ra, tỉ lệ tiêm tại một số nơi còn thấp cũng khiến ca COVID-19 mắc, ca nhập viện có dấu hiệu gia tăng.

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gen, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của virus cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.

Cùng đó, Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), COVID-19 sẽ không biến mất như bệnh SARS vào năm 2003. Nước ta đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế, đo dó tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ, dịch bệnh ở nước xa xôi nhất có thể xâm nhập vào nước ta.

Người dân cần chú ý các vấn đề dự phòng, đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ...

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/so-ca-mac-covid-19-tang-nhieu-truong-khuyen-cao-thuc-hien-nghiem-cong-tac-phong-chong-dich-169230413162523288.htm