Số ca mắc COVID-19 tăng sau Tết, y tế địa phương dốc sức chống dịch

Sau Tết Nhâm Dần, số ca mắc COVID-19 ở nhiều địa phương tăng cao. Y tế các địa phương đã, đang kích hoạch các hoạt động chống dịch lên cao nhất.

Nỗ lực giảm số ca tử vong

Tại Hà Nội, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày vẫn dần đầu cả nước, gần 3.000 ca/ngày. Các bệnh viện của Hà Nội đang điều trị 2.330 ca; các cơ sở thu dung thành phố và cơ sở thu dung quận, huyện đang điều trị 548 ca. Số theo dõi, điều trị tại nhà là 50.939 ca.

Bà Trần Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã yêu cầu các giám đốc trung tâm y tế làm tốt công tác quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ tại nhà; phát thuốc đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng để người dân an tâm, tin tưởng tránh bức xúc trong dư luận, hạn chế mức thấp nhất tỉ lệ chuyển tầng, chuyển viện giảm áp lực cho tuyến trên.

Nhân viên y tế huyện Thanh Trì lấy mẫu xét nghiệm cho người dân

Nhân viên y tế huyện Thanh Trì lấy mẫu xét nghiệm cho người dân

Đối với những trường hợp chuyển nặng cần có sự nắm bắt sát sao, kịp thời nhằm giảm tối đa tỉ lệ tử vong. Đối với các bệnh viện điều trị tầng 2, tầng 3 đề nghị chuẩn bị đủ cơ số giường được giao, vật tư y tế, thuốc đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 theo từng cấp độ của kịch bản phòng chống dịch.

Trong công tác quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 kịp thời báo cáo những vướng mắc, khó khăn để Sở Y tế xem xét, điều chỉnh những điểm còn chưa phù hợp tất cả vì mục tiêu từng bước giảm dần số ca bệnh nặng, hạn chế tối đa ca tử vong, bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân.

Tại Nghệ An, ông Chu Trọng Trang - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin, từ đầu mùa dịch đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 21.984 ca mắc COVID-19, đứng thứ 30 của cả nước. Trung bình số ca mắc trong 12 ngày qua là 672 ca/ngày, 136 ca cộng đồng/ngày.

Số ca mắc tăng hơn gấp đôi so với trước Tết. Đặc biệt là từ ngày 6/2 đến nay, có những ngày Nghệ An có số ca mắc trên 2.500 ca.

"Số ca mắc trên địa bàn Nghệ An trong những ngày qua tăng cao là do một số yếu tố chủ quan và khách quan. Thứ nhất, là do trong thời gian qua người dân Nghệ An từ các tỉnh khác về ăn tết tương đối đông, kèm theo số ca mắc COVID nhiều dẫn đến lây nhiễm trong gia đình, người thân. Trong những ngày tết, người dân đi thăm hỏi, chúc tụng, lễ tết, đặc biệt là các lễ hội tập trung đông người là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng", đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An phân tích.

Để điều trị hiệu quả bệnh nhân COVID, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo các đơn vị chủ động tham mưu UBND cấp huyện căn cứ tình hình diễn biến dịch trên địa bàn, khẩn trương củng cố, bổ sung nhân lực và mở rộng các Trạm Y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn để hướng tới triển khai chăm sóc, theo dõi sức khỏe F1 và bệnh nhân COVID-19 tại nhà, nơi lưu trú.

Nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không được lơ là

Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 2.912 ca mắc COVID-19, trong đó 1.348 ca cộng đồng, 1.373 ca cách ly, 191 ca phong tỏa. Toàn tỉnh hiện đang điều trị tại cơ sở y tế 114 người và cách ly, điều trị tại nhà 1.579 người.

Trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, xuất hiện một số điểm dịch phức tạp tại Cẩm Duệ, Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên); thị trấn Xuân An, xã Cương Gián (Nghi Xuân); thị trấn Nghèn (Can Lộc)… với số người mắc cao và tốc độ lây lan nhanh.

Cán bộ CDC Hà Tĩnh thực hiện làm xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm

Cán bộ CDC Hà Tĩnh thực hiện làm xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm

Dự báo của ngành y tế Hà Tĩnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do ca cộng đồng chưa phát hiện hết, chưa xác định được nguồn lây, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa điểm; tình trạng tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội, rằm tháng Giêng, liên hoan, hoạt động tôn giáo... vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.

Trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm phòng; một bộ phận người dân lơ là, chủ quan, không thực hiện 5K; một số địa phương chưa quyết liệt phòng, chống dịch trong dịp nghỉ tết, dẫn đến dịch có thể đã lây lan qua nhiều chu kỳ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu cho biết, từ sau tết Nguyên đán đến nay, số lượng ca mắc mới tăng cao, ngoài nguyên nhân số lượng người về quê ăn tết đông và không cách ly y tế công dân về từ vùng dịch, còn do sự chủ quan, lơ là của một bộ phận nhân dân khi không thực hiện nghiêm 5K, vẫn tập trung đông người.

Ngoài ra, còn có cả sự chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch ở một số địa phương. Việc số ca bệnh tăng cao đã phần nào tác động đến tâm lý xã hội, khiến người dân lo lắng. Chính vì vậy, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần phải tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Ông Lê Ngọc Châu yêu cầu, các địa phương, đơn vị cần tập trung kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch, nhất là 5K và tuân thủ quy định về số người khi tổ chức các sự kiện; xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm.

Còn tại Quảng Nam, trong những ngày nghỉ tết, tỉnh này ghi nhận 3.642 ca mắc COVID-19, trong đó 3.186 ca cộng đồng (tỷ lệ 87,5%).

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, ông Mai Văn Mười (bên trái) kiểm tra công tác khám chữa bệnh sau Tết Nhâm Dần

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, ông Mai Văn Mười (bên trái) kiểm tra công tác khám chữa bệnh sau Tết Nhâm Dần

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết số ca mắc trong những ngày Tết tăng cao nguyên nhân từ việc lưu thông đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết thời gian tới, đơn vị phối hợp với các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong.

Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... nhất là khi đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp tại trường, người lao động trở lại làm việc sau Tết.

Đối với các cơ sở y tế cần thực hiện công tác phân luồng, phân tuyến, có phương án thường trực, dự trữ cơ số máu, thuốc, dịch truyền, oxy y tế, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch và thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy.

Tỉnh này cũng tiếp tục triển khai rộng rãi phương án cách ly, điều trị F0 tại nhà. Quảng Nam sẽ duy trì hoạt động một số khu thu dung, điều trị tập trung để tiếp nhận các trường hợp không đủ điều kiện điều trị tại nhà; bổ sung hoặc điều phối nhân sự để đảm bảo nguồn lực chăm sóc F0 tại nhà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho rằng, hiện số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Do đó các địa phương cần tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19; công tác phòng chống dịch cần được triển khai quyết liệt, không chủ quan, lơ là.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu, thời gian tới cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, điều trị giảm ca bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mùa xuân. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát phòng chống dịch tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe..., nhất là khi đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp, người lao động trở lại làm việc sau tết.

Nhóm PV YTĐP

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//so-ca-mac-covid-19-tang-sau-tet-y-te-dia-phuong-doc-suc-chong-dich-169220210172945872.htm