Số ca mắc COVID-19 toàn cầu vượt 194 triệu người
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mulhouse, miền đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
* Biến thể Delta đã lây lan trên 70% lãnh thổ châu Âu
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 24/7 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 194.006.815 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.159.476 ca tử vong. Số ca bình phục hoàn toàn đến thời điểm này là 176.110.068 ca và vẫn còn 13.737.271 ca đang phải điều trị.
Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 35.282.725 ca nhiễm và 626.657ca tử vong; tiếp đến là Ấn Độ với 31.331.145 ca nhiễm và 420.038 ca tử vong, Brazil với 19.632.443 ca nhiễm và 548.420 ca tử vong.
Do số ca nhiễm tăng mạnh do sự lây lan nhanh của biến thể Delta làm dấy lên tranh luận về khả năng người dân Mỹ cần được tiêm thêm liều tăng cường trong mùa thu năm nay, Chính phủ Mỹ đã đặt mua thêm 200 triệu vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer và đối tác BioNTech để hỗ trợ tiêm ngừa cho trẻ em và dự phòng tiêm mũi tăng cường nếu cần thiết.
Hợp đồng mới nhất này nâng tổng số vắcxin của Pfizer/BioNTech cung cấp cho Mỹ lên 500 triệu liều, trong đó khoảng 208 triệu liều đã được giao. Hồi tháng 6, Mỹ cũng thông báo mua thêm 200 triệu liều vắcxin của Moderna.
Trong khi đó, Cơ quan khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 23/7 công bố thông tin cho biết biến thể Delta của virus corona hiện lây lan tới phần lớn các quốc gia châu Âu.
Dựa trên dữ liệu thu thập từ ngày 28/6-11/7, hai cơ quan trên cho biết biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu với tỉ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. Trong khi đó, biến thể Alpha chỉ chiếm 22,3% các xét nghiệm dương tính.
Trước tình hình này, WHO châu Âu và ECDC cùng kêu gọi các quốc gia trong khu vực "tăng cường nỗ lực" để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể COVID-19. WHO khuyến nghị các chính phủ cần tăng cường khả năng tiếp cận xét nghiệm miễn phí, đẩy nhanh truy vết để phá vỡ các chuỗi lây nhiễm, đảm bảo tiêm phòng cho những người có nguy cơ cao nhất và khuyến khích cách ly với các trường hợp tiếp xúc hoặc đã được xác nhận dương tính với COVID-19.
Hiện biến thể Delta đang khiến dịch COVID-19 gia tăng trở lại trên thế giới, khiến số ca lây nhiễm ở châu Âu tăng 26% trong khi ở Mỹ tăng tới 60%. Theo dự báo mới nhất của ECDC công bố hôm 23/7, số ca mắc mới ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng và có thể cao hơn gấp đôi trong 4 tuần tới, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Hiện ECDC đang đặc biệt quan tâm tới tình hình dịch bệnh ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Malta và Síp.
Tại châu Á, Indonesia vẫn tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh. Tổ chức cộng đồng LaporCOVID-19 cho biết tính đến ngày 23/7, nước này đã có 2.490 bệnh nhân COVID-19 tử vong trong quá trình tự cách ly tại nhà. Theo LaporCOVID-19, số liệu trên được tổng hợp từ 3 nguồn gồm các tình nguyện viên của tổ chức này, cộng đồng thông qua trung tâm nghiên cứu về y tế CISDI và chính quyền thủ đô Jakarta.
Trong số các địa phương này, thủ đô Jakarta có số lượng bệnh nhân COVID-19 tử vong khi tự cách ly tại nhà cao nhất 1.215 ca, chiếm gần 49%. Tiếp đó là tỉnh Tây Java kế bên với 683 ca, đặc khu hành chính Yogyakarta với 250 ca và tỉnh Trung Java với 142 ca.
Trong khi đó, theo trang worldometers.info, ngày 23/7, Indonesia tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc mới cũng như số ca tử vong do COVID-19. Cụ thể, quốc gia này đã ghi nhận thêm việc cộng thêm hơn 49.000 ca mắc và 1.566 ca tử vong.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa Việt Nam, Nga, Uzbekistan và nhiều quốc gia khác vào danh sách các nước có các biến thể virus SARS-CoV-2 rất dễ lây lan. Những người đến từ các nước này sẽ không còn được miễn trừ cách ly 14 ngày kể từ tháng 8, ngay cả khi họ đã tiêm phòng đầy đủ.
Danh sách 26 nước gồm có Nam Phi, Malawi, Mozambique, Bangladesh, Botswana, Brazil, Suriname, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Eswatini, Uruguay, Ấn Độ, Indonesia, Zimbabwe, Chile, Paraguay, Philippines, Nepal, Nga, Liban, Malaysia, Việt Nam, Haiti, Angola, Uzbekistan, Kuwait, Trinidad và Tobago.
Một quan chức Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện biện pháp này trong bối cảnh lo ngại về khả năng các biến thể virus từ nước ngoài xâm nhập khi số ca mắc COVID-19 mới đang tăng vọt ở Hàn Quốc”.
Ngày 24/7, Hàn Quốc ghi nhận 1.629 ca mắc mới, trong đó có 1.573 ca trong nước, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia này lên là 187.362. Số ca mắc mới hằng ngày tại Hàn Quốc liên tục duy trì trên mức 1.000 từ đầu tháng 7 do dịch bệnh lây lan nhanh trở lại tại vùng đô thị Seoul và các vùng khác sau kỳ nghỉ Hè và sự xuất hiện của biến thể Delta.
Hàn Quốc đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 4, trong đó giới chức đã gia hạn các biện pháp hạn chế cấp độ cao nhất tại vùng đô thị Seoul trong nỗ lực nhằm khống chế dịch bệnh. Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này là 2.068 ca.
Tại Úc, bang New South Wales đông dân nhất nước này ngày 24/7 ghi nhận 163 ca lây nhiễm trong cộng đồng, mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Theo giới chức bang, trong số các ca nhiễm mới, có ít nhất 45 người có tiếp xúc trong cộng đồng khi đang mang bệnh. Tình hình này khiến giới chức bang có thể kéo dài lệnh phong tỏa mà theo kế hoạch sẽ hết hạn vào ngày 30/7 tới.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết châu lục này đã ghi nhận 6.380.914 ca mắc COVID-19, trong đó có 161.772 ca tử vong và 5.589.196 ca bệnh đã được chữa khỏi.
Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia là những quốc gia có nhiều ca bệnh nhất. Xét theo khu vực, đứng đầu về mức độ bị ảnh hưởng là miền Nam châu Phi, tiếp theo là Bắc Phi và Đông Phi, trong khi khu vực Trung Phi ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, dịch bệnh đang có xu hướng tăng mạnh ở một số nước như Algeria, Tunisia, Zimbabwe, Libya, Senegal và Ghana.
Cụ thể trong ngày 23/7, Algeria ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này vào tháng 2 năm ngoái, với 1.350 ca mắc mới và 18 ca tử vong. Trong khi đó, theo CDC châu Phi, tính đến thời điểm hiện tại các nước châu Phi mới chỉ mua được 82,7 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 và mới chỉ có 1,39% dân số châu lục này được chủng ngừa đầy đủ.