Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới vượt 165 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 19/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 165.097.181 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.422.436 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện trên 144,11 triệu bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 17,56 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới và số người tử vong do COVID-19 ở mức cao, với 3.394 ca nhiễm mới, trong đó có 1.498 ca được phát hiện trong các nhà tù, và 29 ca tử vong. Như vậy, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 116.949 ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm ngoái, trong đó có 678 người không qua khỏi. Chỉ riêng trong làn sóng COVID-19 thứ ba từ đầu tháng 4 vừa qua, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 88.086 ca mắc.

Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) ngày 19/5 đã mở bệnh viện dã chiến thứ 6 tại chùa Wat Sri Sudaram với 200 giường cho các trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng và những người có triệu chứng nhẹ. Trước đó, chiều 18/5, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo người dân tại 16 quận của thủ đô Bangkok thận trọng trong bối cảnh vẫn chưa kiểm soát được 21 ổ dịch tại các quận này. Tính đến ngày 18/5, Bangkok có 29 ổ dịch tại 19 quận.

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Campuchia ngày 19/5 ra thông báo thêm 393 ca mắc COVID-19 ở nước này, gồm 392 ca lây nhiễm cộng đồng và một ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc tại Campuchia từ đầu mùa dịch đến nay vượt ngưỡng 23.000 người. Như vậy, đến nay Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 23.282 ca mắc COVID-19, trong đó 22.646 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” và 159 ca tử vong.

Lào thông báo ghi nhận 50 ca mắc mới, trong đó có 39 ca lây nhiễm cộng đồng và 11 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Huyện Ton Pheung, thuộc tỉnh Bokeo, Bắc Lào có số ca nhiễm cao nhất với 21 ca, tiếp đến là thủ đô Viêng Chăn với 16 ca. Đáng chú ý, trong ngày 18/5, huyện Ton Pheung lấy mẫu xét nghiệm 25 trường hợp thì có tới 21 ca dương tính với COVID-19, điều này cho thấy mức độ lây lan cao tại khu vực này, tập trung chủ yếu tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng do Trung Quốc đầu tư. Kể từ khi xuất hiện làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại Lào, đặc khu kinh tế Tam giác Vàng đã ghi nhận gần 500 trăm ca lây nhiễm trong cộng đồng - chỉ sau thủ đô Viêng Chăn - trong đó có nhiều người nước ngoài. Đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.737 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 1.600 ca được phát hiện từ cuối tháng 4 đến nay và chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

Malaysia ngày 19/5 thông báo ghi nhận 6.075 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 485.469, trong đó 1.994 ca tử vong. Hệ thống y tế nước này đang hoạt động tối đa công suất và có nhiều ý kiến trong giới y tế kêu gọi phong tỏa toàn diện để khống chế dịch bệnh. Hiện nay Malaysia đang thực hiện Lệnh hạn chế dịch chuyển lần thứ 3 kể từ khi đại dịch bùng phát. Đợt hạn chế này bắt đầu từ ngày 12/5 và dự kiến kéo dài tới ngày 7/6. Tuy nhiên, đợt hạn chế này nới lỏng hơn nhiều so với 2 đợt trước, theo đó hầu hết các lĩnh vực kinh tế được tiếp tục hoạt động trên cơ sở tuân thủ các quy định phòng dịch.

Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Tại các khu vực khác của châu Á, ngày 19/5, nhà chức trách Đài Loan (Trung Quốc) đã nâng mức cảnh báo về đại dịch COVID-19 trong bối cảnh vùng lãnh thổ này ghi nhận thêm 267 ca nhiễm mới. Như vậy, chỉ trong vòng 5 ngày, số bệnh nhân COVID-19 tại Đài Loan đã tăng thêm hơn 1.200 người. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, chính quyền Đài Loan đã áp đặt mức cảnh báo cấp độ 3 đối với toàn bộ hòn đảo này. Theo đó, các địa điểm giải trí, thư viện, trung tâm thể dục thể thao và các cơ sở sinh hoạt cộng đồng phải đóng cửa, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, trong khi các cuộc tụ họp giới hạn số người tham gia ở mức không quá 5 người trong không gian kín và không quá 10 người khi ở ngoài trời.

Hàn Quốc ghi nhận thêm 654 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 19/5, trong đó có 637 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 133.471 người. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 8 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 1.912 ca. Giới chức y tế Hàn Quốc vẫn đang cảnh giác trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới khi các ổ dịch mới liên tục được phát hiện và số ca nhiễm biến thể mới của virus ngày một tăng.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mahua, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mahua, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia đang là tâm dịch hiện nay, Ấn Độ, ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất từ đầu dịch đến nay, với 4.529 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 283.248 ca, mức cao thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Brazil. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca tử vong theo ngày tại Ấn Độ tăng lên những mốc cao mới. Tuy nhiên, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình của Ấn Độ cho biết số ca nhiễm mới theo ngày đã 3 ngày liên tiếp ở dưới ngưỡng 300.000 ca. Trong ngày 19/5, Ấn Độ ghi nhận thêm 267.334 ca mắc COVID-19. Ấn Độ vẫn là nước đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm COVID-19, chỉ sau Mỹ. Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 vẫn còn ở mức cao, Ấn Độ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh và oxy y tế để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, quốc gia láng giềng Sri Lanka cũng ghi nhận tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 vượt mốc 1.000 ca, lên là 1.015 ca, với 34 ca trong ngày 19/5. Tổng số ca được xác nhận mắc COVID-19 đã lên tới 147.720 ca. Sri Lanka đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19, trong đó một biến thể mới của virus khiến số ca lây nhiễm tăng vọt hơn 50.000 ca chỉ riêng từ đầu tháng 5 tới giờ. Giới chức Sri Lanka đầu tuần này thông báo sẽ áp đặt lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc trong thời gian từ 21-25/5 và ngày 25-28/5 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại châu Mỹ, hãng truyền hình CTV của Canada đưa tin thỏa thuận giữa Canada và Mỹ về việc hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu giữa biên giới chung hai nước sẽ được gia hạn thêm một tháng đến ngày 21/6, trong bối cảnh Canada đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19. Thỏa thuận trên được Canada và Mỹ nhất trí từ tháng 3/2020, sau đó được gia hạn hàng tháng. Giá trị trao đổi thương mại qua biên giới Canada - Mỹ ở mức khoảng 2 tỷ CAD (hơn 1,6 tỷ USD) mỗi ngày. Trước khi có thỏa thuận hạn chế trên, mỗi ngày đường biên giới dài 8.891 km này có 300.000 lượt người qua lại.

Theo CTV, tính đến chiều 18/5, Canada đã ghi nhận 1.337.730 ca mắc COVID-19, trong đó có 25.016 ca tử vong. Theo Cơ quan y tế công cộng Canada, trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày nước này có thêm 5.700 ca mắc COVID-19, trong khi số ca bệnh nặng vẫn tăng cao. Trung bình mỗi ngày có hơn 3.600 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện trên khắp cả nước.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Liên quan đến vấn đề vaccine, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong cảnh báo việc Ấn Độ tiếp tục ngừng xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tiêm chủng ở "Lục địa Đen". Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho rằng các chương trình tiêm chủng ở châu Phi có thể không đạt được đúng hạn các mục tiêu đề ra khi mà châu lục này chủ yếu dựa vào nguồn cung vaccine theo cơ chế COVAX. Ông nhận định, với những thách thức lớn mà Ấn Độ đang đối mặt hiện nay, khó có thể hy vọng châu Phi sẽ sớm nhận được vaccine.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, châu Phi ghi nhận ít nhất 4,74 triệu ca mắc, trong đó có 126.000 ca tử vong. Chiến dịch tiêm phòng COVID-19 ở châu Phi đang bị chậm trễ và tụt hậu khá xa so với các khu vực khác do thiếu hụt nguồn cung vaccine và tài chính. Mục tiêu của lục địa này là tiêm chủng cho 30 - 35% dân số vào cuối năm nay và 60% dân số trong 2 - 3 năm tới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ chế COVAX đã phân phối hàng triệu liều vaccine AstraZeneca tới nhiều quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, nguồn cung đang trở nên khan hiếm khi khoảng 80% số vaccine đã được sử dụng, trong đó đa số là trong các đợt tiêm mũi đầu.

Lê Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/so-ca-mac-covid19-toan-the-gioi-vuot-165-trieu-20210519223609329.htm