Số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt 222 triệu ca

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 8/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 222,68 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 4,59 triệu ca tử vong.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho trẻ em tại South Gate, Los Angeles, bang California, Mỹ, ngày 12/8/2021. (Ảnh: Reuters)

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho trẻ em tại South Gate, Los Angeles, bang California, Mỹ, ngày 12/8/2021. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, số ca hồi phục là hơn 199,21 triệu ca. Số bệnh nhân đang phải điều trị là hơn 18,87 triệu người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 41,18 triệu ca mắc, trong đó 668.901 ca tử vong. Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến thể Delta gây ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/9 sẽ đưa ra kế hoạch gồm 6 mũi nhọn ở tất cả các lĩnh vực công và tư, nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh chóng biến thể có nguy cơ lây lan mạnh này và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc.

Tại Đông Nam Á, Chính phủ Indonesia đã siết chặt kiểm soát tại tất cả các cửa khẩu nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Mu (còn được gọi là B.1.621) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào loại biến thể cần quan tâm. Tính đến ngày 6/9, biến thể Mu đã được phát hiện tại 46 quốc gia. Tuy nhiên, biến thể mới này vẫn chưa được phát hiện tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia.

Bộ Y tế Singapore (MOH) ngày 7/9 ghi nhận 328 ca mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất mà “đảo quốc Sư tử” này ghi nhận được trong hơn 1 năm qua. MOH thông báo nước này sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp nhằm giảm số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Theo đó, từ ngày 8/9 việc tập trung tại nơi làm việc sẽ không được phép và Chính phủ Singapore sẽ có biện pháp cứng rắn hơn đối với công ty để xảy ra ca mắc. Cùng với đó, Chính phủ Singapore sẽ triển khai xét nghiệm diện rộng, nhanh và dễ dàng hơn.

Ngày 7/9, Philippines tái áp đặt lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19 tại thủ đô Manila, chỉ 1 ngày sau khi thông báo dỡ bỏ yêu cầu ở nhà đối với hơn 13 triệu người. Theo đó, các biện pháp phong tỏa hiện hành được gia hạn đến ngày 15/9 hoặc cho đến khi việc thử nghiệm phong tỏa các địa điểm cụ thể được triển khai.

Philippines đang nỗ lực ngăn chặn số ca mắc mới Covid-19 gia tăng cao trong bối cảnh các bệnh viện ở nước này đang trong tình trạng quá tải. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt 2 triệu ca, trong đó có 34 nghìn ca tử vong. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 19% dân số Philippines đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Tại Đông Bắc Á, dịch Covid-19 tại Nhật Bản đang có dấu hiệu bớt căng thẳng khi số ca mắc mới đã giảm xuống dưới ngưỡng 10 nghìn ca/ngày lần đầu tiên kể từ ngày 2/8. Ngày 6/9, Nhật Bản ghi nhận 8.234 ca mắc mới và 40 ca tử vong trên toàn quốc. Số bệnh nhân Covid-19 nguy kịch cũng giảm 9 ca so với một ngày trước đó xuống còn 2.198 người.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản có thể vẫn gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế. Chính phủ cũng đang cân nhắc sử dụng rộng rãi hộ chiếu vaccine cho mục đích thương mại trong nỗ lực bình thường hóa các hoạt động kinh tế và xã hội trong nước vốn bị đình trệ trong một thời gian dài do đại dịch Covid-19.

Tại châu Đại Dương, New Zealand cùng ngày ghi nhận thêm 21 lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều ở thành phố Auckland, nâng tổng số ca mắc trong đợt bùng phát dịch mới nhất lên 841 ca. Tất cả các ca mắc mới đều nhiễm biến thể Delta.

Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại New Zealand từ đầu dịch đã lên tới 3.813 ca. Từ 23 giờ 59 phút đêm 7/9 (theo giờ địa phương), mọi khu vực bên ngoài Auckland sẽ chuyển sang mức cảnh báo cấp 2. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp và trường học được phép hoạt động trở lại bình thường song việc đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc và các cuộc tụ tập họp không quá 50 người. Riêng thành phố Auckland vẫn duy trì mức cánh báo cấp 4 trong ít nhất một tuần nữa.

Tại châu Âu, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết nước này có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 khi 80% dân số trên 12 tuổi tiêm chủng đầy đủ. Tính đến ngày 6/9, Phần Lan có 53,2% dân số trên 12 tuổi đã tiêm đủ hai mũi và 72,4% đã tiêm ít nhất một mũi. Chính phủ Phần Lan ước tính đến giữa tháng 10 tới có thể đạt tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức 80% dân số.

Tại châu Mỹ, Chính phủ Canada đã nới lỏng những hạn chế đi lại đối với những công dân nước ngoài tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Theo đó, kể từ ngày 7/9, các yêu cầu kiểm dịch đã được nới lỏng đối với khách quốc tế nhập cảnh Canada vì mục đích không thiết yếu - những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (loại vaccine được Bộ Y tế Canada phê duyệt).

Trong khi đó, Argentina tuyên bố đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine. Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti cho biết, trong tổng số 51,9 triệu liều vaccine mà Argentina đã tiếp nhận đến thời điểm hiện tại, 45,5 triệu liều đã được sử dụng tiêm cho người dân từ 18 tuổi trở lên và dự kiến sẽ sớm triển khai tiêm cho trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi ngay trong tháng 9 này.

Là một trong những quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 song Argentina đã ghi nhận 14 tuần liên tiếp có số ca mắc mới giảm, 12 tuần liên tiếp có số ca điều trị tích cực và tử vong giảm. Theo thống kê chính thức, đến nay, Argentina có hơn 5,2 triệu người mắc Covid-19, trong đó 112.851 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.

Tổng thống Peru Pedro Castillo tuyên bố quốc gia Nam Mỹ này sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga, với mục đích đẩy nhanh quá trình tiêm chủng đại trà cho người dân. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Hernando Cevallos nhận định nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V tại Peru có thể sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 ở Mỹ Latinh với gần 200 nghìn trường hợp tử vong và hơn 2,15 triệu ca nhiễm tính đến nay.

Ngày 7/9, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thông báo, Venezuela đã tiếp nhận 693.600 liều vaccine ngừa Covid-19 do hãng dược Sinovac của Trung Quốc sản xuất thông qua cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX. Đây là lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trong tổng số hơn 12 triệu liều mà Caracas dự kiến nhận được thông qua cơ chế này.

Với hơn 12 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đăng ký thông qua COVAX, Venezuela dự kiến tiêm chủng cho gần 20% dân số của quốc gia Nam Mỹ này. Tổng thống Nicolas Maduro mới đây cho biết, mới chỉ có khoảng 30% dân số Venezuela được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine, trong đó tỷ lệ người được tiêm đầy đủ chiếm 10%.

TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/so-ca-mac-covid-19-tren-the-gioi-vuot-222-trieu-ca-663728/