Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới vượt 27,5 triệu người

Theo trang thống kê worldometers.info, đến 22h00 ngày 8/9 (theo giờ Việt Nam), đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 897.629 người kể từ khi bùng phát hồi tháng 12/2019.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một khu chợ ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 30/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một khu chợ ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 30/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ít nhất 27.524.107 ca nhiễm đã được ghi nhận trên toàn thế giới, sau khi có gần 240.000 ca mới trong ngày 8/9. Hơn 19 triệu người đã bình phục.

Theo số liệu cập nhật, những nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong ngày 8/9 là Ấn Độ với 1.133 ca, Brazil với 310 ca và Mỹ với 299 ca.

Mỹ hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất của dịch, khi có tổng cộng 193.589 ca tử vong. Sau Mỹ là Brazil với 127.001 ca. Ấn Độ có số ca nhiễm đứng thứ hai (4.284.103 ca), song số ca tử vong thấp hơn Brazil với 72.843 ca.

Xét trên tổng dân số, nước có số ca nhiễm cao nhất là Peru với trung bình 91 ca trong số 100.000 dân, sau đó là Bỉ với 85 ca, Tây Ban Nha 63 ca, Anh và Chile đều là 61 ca.

Hiện châu Á ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới với 7.880.775 ca, trong đó 154.162 ca tử vong. Sau Ấn Độ, Iran có số ca nhiễm và tử vong cao thứ 2 châu lục, với các con số lần lượt là 391.112 ca nhiễm và 22.542 ca tử vong. Tiếp đến là Bangladesh với 329.251 ca nhiễm và 4.552 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Philippines và Indonesia là hai nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch. Ngày 8/9, Bộ Y tế hai nước công bố số liệu báo cáo tình hình dịch bệnh cho biết hai nước này đều ghi nhận trên 3.000 ca nhiễm trong ngày, cụ thể 3.046 ca tại Indonesia và 3.281 ca tại Philippines. Trong 24 giờ qua, Indonesia thông báo có thêm 100 ca tử vong, trong khi Philippines ghi nhận thêm 26 ca tử vong. Đến nay, Philippines ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 241.987 ca và 3.916 ca, trong khi con số này của Indonesia là 200.035 ca nhiễm và 8.230 ca tử vong. Malaysia cùng ngày ghi nhận 100 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất kể từ khi áp dụng Lệnh kiểm soát di chuyển giai đoạn hồi phục (RMCO) từ ngày 10/6. Trong khi đó, Brunei và Campuchia không ghi nhận ca nhiễm mới.

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc trải qua ngày thứ 6 liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức dưới 200 ca/ngày. Cụ thể trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 136 ca mới, nâng tổng số ca lên 21.432 ca. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) ngày 8/9 cho biết chỉ tính riêng trong hai tuần qua, nước này đã ghi nhận 52 vụ lây nhiễm tập thể, tăng gấp 5 lần so với đầu tháng 8. Đặc biệt, địa điểm phát sinh các ổ dịch này không chỉ là các cơ sở tôn giáo như trước đây mà còn xuất hiện thêm ở những nơi tập trung đông người như các cơ sở y tế, nơi tập luyện thể thao... với nhiều hình thức tụ tập khác nhau như họp câu lạc bộ, gặp gỡ giao lưu. KCDA lo ngại khi liên tiếp phát sinh các hình thức lây nhiễm tập thể thông qua dịch vụ bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà dành cho người cao tuổi bởi nếu các ca nhiễm là người cao tuổi thì nguy cơ bệnh diễn biến nguy kịch là rất cao.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) cho biết Trung Quốc ghi nhận 10 ca nhiễm mới, tất cả là ca nhập cảnh. Chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế trước chiều hướng tích cực của tình hình dịch bệnh. Các cuộc tụ tập được phép 4 người tham gia, thay vì 2 người như trước đây, số người được ngồi cùng nhau ăn uống trong nhà hàng sẽ tăng lên 4 người. Một số trung tâm giải trí cũng được mở cửa trở lại từ ngày 11/9.

Tại Nhật Bản, các nguồn tin chính phủ cho biết nước này có kế hoạch nới lỏng quy định hạn chế số lượng người có mặt tại các hội thao chuyên nghiệp, các buổi hòa nhạc hay các sự kiện khác vào cuối tháng này, trong bối cảnh số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm trên toàn quốc.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 20/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 20/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Khu vực Bắc Mỹ bị ảnh hưởng thứ hai thế giới, với 7.706.095 ca nhiễm và 281.345 ca tử vong, trong đó có tới 6.487.321 ca nhiễm và 193.589 ca tử vong riêng tại nước Mỹ. Mexico đứng thứ hai khu vực này với 637.509 ca nhiễm và 67.781 ca tử vong. Canada đứng thứ 3 với 132.142 ca nhiễm và hơn 9.000 ca tử vong.

Nam Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ ba thế giới với 6.749.878 ca nhiễm và 219.183 ca tử vong. Không kể Brazil, các nước Peru và Colombia đều ghi nhận trên 670.000 ca nhiễm và trên 20.000 ca tử vong, trong khi Argentina và Chile đều ghi nhận trên 420.000 ca nhiễm và trên 10.000 ca tử vong.

Tại châu Âu, Nga chiếm 1/3 số ca nhiễm của cả châu lục, với 1.035.789 ca trong tổng số 3.844.701 ca. Nếu xét về số ca tử vong, Anh vẫn đứng đầu với 41.554 ca, tiếp theo là Italy với 35.553 ca và Pháp với 30.726 ca. Ngày 8/9, Ukraine ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong 1 ngày. Với 57 ca mới, tổng số ca tử vong ở nước này đã lên tới 2.934 ca.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thừa nhận tình hình dịch bệnh tại nước này đang rất đáng quan ngại, với số ca nhiễm mới trong 1 ngày liên tục ở mức cao nhất. Tuy nhiên, theo ông, Pháp vẫn có thể tránh được nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 2, bởi tỷ lệ lây nhiễm hiện ở mức 1.2, tức là thấp hơn nhiều so với mức 3.2 - 3.4 vào thời điểm mùa xuân. Điều này có nghĩa sự lây lan của virus đang chậm lại.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya cho biết chính phủ nước này đang đề nghị Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp đi lại phù hợp nhằm hạn chế các vấn đề mà du khách hoặc các hãng lữ hành có thể gặp phải. Hiện Tây Ban Nha cũng đang thảo luận với Anh và EU về việc xem xét cả những yếu tố khác, ngoài số ca nhiễm, để đưa ra quyết định về việc áp đặt biện pháp cách ly đối với du khách.

Một tín hiệu đáng mừng trong ngày 8/9, công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc thông báo các kết quả sơ bộ thử nghiệm từ giai đoạn đầu đến giai đoạn giữa đối với vaccine ngừa COVID-19 do công ty này bào chế cho thấy sản phẩm an toàn đối với những người cao tuổi, trong khi các phản ứng miễn dịch do vaccine này kích hoạt yếu hơn chút ít đối với những người trưởng thành trẻ tuổi hơn. Kết quả cho thấy hơn 90% trong số này ghi nhận gia tăng đáng kể kháng thể. Mức kháng thể ở những đối tượng trẻ tuổi hơn mặc dù yếu hơn song vẫn trong dự tính. CoronaVac có thể bảo quản với chất lượng ổn định tới 3 năm, qua đó có thể mang lại cho Sinovac lợi thế phân phối vaccine đến những khu vực không có khả năng bảo quản lạnh. CoronaVac đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối ở người tại Brazil và Ấn Độ nhằm kiểm chứng mức độ an toàn và hiệu quả trước khi đăng ký cấp phép để đưa vào sản xuất đại trà.

Cũng trong ngày 8/9, Viện nghiên cứu virus Vector tại Siberia (Nga) thông báo đã hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đối với loại vaccine tiềm năng thứ hai của nước này. Thông báo nêu rõ: "Hôm nay, nhóm 20 tình nguyện viên cuối cùng đã được xuất viện. Tất cả 100 tình nguyện viên tham gia đã được tiêm hai liều vaccine và đã hoàn thành thời gian theo dõi 23 ngày tại bệnh viện. Các tình nguyện viên đều trong trạng thái sức khỏe tốt". Tháng 8 vừa qua, Nga đã tuyên bố là quốc gia đầu tiên có vaccine phòng COVID-19. Loại vaccine mang tên Sputnik V này do Trung tâm Gamaleya tại thủ đô Moskva phát triển và đã hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Liên quan cuộc đua bào chế vaccine, 9 công ty dược phẩm lớn trên thế giới đang tiên phong đã cùng cam kết "không đốt cháy giai đoạn" trong công tác nghiên cứu khoa học, bất chấp việc họ đang phải đối mặt với áp lực gấp rút tung ra thị trường "tấm khiên bảo vệ" mạng sống con người trước SARS-CoV-2. Trong một bức thư công khai ngày 8/9, các công ty dược phẩm gồm AstraZeneca Plc, BioNTech SE, GlaxoSmithKline Plc, Johnson & Johnson, Merck & Co., Moderna Inc., Novavax Inc., Pfizer Inc. và Sanofi đã nhất trí chỉ xin cấp phép cho vaccine khi những loại thuốc này được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn. Theo các công ty trên, niềm tin của công chúng vào các loại vaccine tiềm năng là rất quan trọng khi giới chức y tế nỗ lực thuyết phục hàng triệu người khỏe mạnh trên khắp thế giới tiên phong sử dụng những loại vaccine này. Các công ty dược phẩm cũng cam kết sẽ cố gắng đưa ra nhiều sự lựa chọn về vaccine “phù hợp tiếp cận trên toàn cầu”.

Theo một phân tích của hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), do Công ty phân tích và dự báo thông tin y tế Opyl có trụ sở tại thành phố Melbourne (Australia) thiết kế, các vaccine ngừa COVID-19, được phát triển dựa trên việc sử dụng một dạng thức vật chất di truyền tổng hợp của virus SARS-CoV-2, còn gọi là RNA hay mRNA, đang là những vaccine có nhiều triển vọng thành công nhất. Mô hình thẩm định của công ty Opyl dựa trên những thử nghiệm lâm sàng của 475 loại vaccine, đang được đăng ký phát triển trên toàn cầu. Các thử nghiệm lâm sàng này đã được cập nhật vào hệ thống AI của công ty dựa trên nhiều yếu tố trong đó có thiết kế thử nghiệm, số lượng bệnh nhân đã đăng ký và tham gia thử nghiệm, kinh nghiệm của những người tham gia nghiên cứu chính và tổ chức bảo trợ, hồ sơ thử nghiệm lâm sàng từ các bệnh viện đã đăng ký thử nghiệm. Thông tin được công ty Opyl cập nhật mỗi tuần để hệ thống có thể đưa ra đánh giá sớm nhất về triển vọng thành công của từng loại vaccine trong bối cảnh nhiều loại vaccine đang bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3.

Liên quan đến công tác nghiên cứu, Đại học Jerusalem và Bộ Quốc phòng Israel đã phối hợp xây dựng một cơ sở nghiên cứu cấp quốc gia về virus, bao gồm thực hiện nghiên cứu về virus corona sống. Cơ sở này được trang bị hệ thống phục vụ công tác nghiên cứu như lưu trữ các mẫu sinh vật, các robot chuyên xử lý các mẫu virus sống, hệ thống phân tích kháng thể, máy ly tâm, thuốc thử và thiết bị siêu âm tân tiến. Chi phí xây dựng cơ sở nghiên cứu này là gần 1,2 triệu USD. Cục phát triển vũ khí và hạ tầng công nghệ thuộc Bộ Quốc phòng Israel cho biết việc xây dựng cơ sở nghiên cứu này có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép tiến hành thử nghiệm các phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh đe dọa đến mạng sống của con người trong tương lai, không chỉ dịch COVID-19 hiện nay.

Bích Liên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/so-ca-mac-covid19-tren-toan-the-gioi-vuot-275-trieu-nguoi-20200908221809177.htm